Von Pavel Lokshin – WELT
Giới chuyên môn đã kiểm tra các thiết bị quân sự của Nga bị Ukraine tịch thu. Ngành công nghiệp vũ khí Nga phụ thuộc rất nhiều vào các bộ phận cấu thành của nhiều nước thành viên NATO. Hiện tại nhập khẩu đã bị đình lại. Nhưng với Ukraine tình hình này không có nghĩa là đã có thể thở phào nhẹ nhõm – mà là ngược lại càng đáng ngại.
Người đứng đầu nhà nước Nga đã nói rõ điều này trong một phiên họp chính phủ từ tháng 11 năm 2014. Vladimir Putin yêu cầu, ngành vũ khí Nga phải độc lập với việc nhập khẩu các linh kiện nước ngoài. Các bộ phận cấu thành do Nga sản xuất không được thua kém các sản phẩm mua ở nước ngoài trước đây, các sản phẩm do Nga phát triển phải đạt “chất lượng cao”.
Dmitri Rogozin, một trong những diều hâu vào loại cứng đầu nhất trong chính sách đối ngoại của Putin sau đó là phó Thủ tướng, đã lớn tiếng cam kết sẽ thay thế toàn bộ hàng nhập khẩu chỉ trong vòng 3 năm.
Gần tám năm sau, một bức tranh khác xuất hiện trên chiến trường Ukraine. Quân đội Nga vẫn phụ thuộc một cách vô vọng vào trang thiết bị nhập khẩu của phương Tây. Không giống như trong cuộc chiến Donbass thời gian 2014-2015, Nga đang triển khai những loại vũ khí hiện đại nhất của mình. Hàng nghìn phương tiện và hệ thống tên lửa đã bị phá hủy hoặc bị thu giữ trong chiến đấu. Các chuyên gia Ukraine và phương Tây đã tiến hành kiểm tra, khảo sát chúng.
Qua đó thấy, máy tính trên “tên lửa hành trình Kh-101” mà Nga sử dụng bao gồm 35 vi mạch được sản xuất tại Mỹ. Các chuyên gia tìm thấy bóng bán dẫn tần số cao của Anh trong hệ thống gây nhiễu vô tuyến điện di động “Borisoglebsk-2”. Và trái tim kỹ thuật của máy bay không người lái do thám hiện đại nhất “Type Orlan-10” hóa ra lại dùng cảm biến ảnh nhiệt của nhà sản xuất LYNRED của Pháp.
Vũ khí càng hiện đại thì khả năng làm ra nó khó có thể được nếu không có các thành phần của phương Tây. Đối với diễn biến của cuộc chiến tranh, điều này có nghĩa là kho vũ khí công nghệ cao của Nga sẽ bị cạn kiệt vì không có bổ sung cũng như phụ tùng thay thế. Chiến tranh càng kéo dài, càng có nhiều khả năng phải dùng các loại vũ khí cũ, lạc hậu vì nguồn cung cấp các thành phần của phương Tây ngày càng trở nên khó khăn phức tạp hơn.
Điều này không mới đối với các chuyên gia. Nhiều năm trước, tỷ lệ các thành phần nước ngoài trong các hệ thống vũ khí của Nga được ước tính lên tới 85%. Điều này hầu như rất ít thay đổi. Các nhà sản xuất vũ khí của Nga cũng gián tiếp thừa nhận điều này. Ví dụ, công ty vũ khí Kalashnikov, ngoài sản xuất những khẩu súng ngắn khét tiếng, còn sản xuất tên lửa cho máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không tỏ ra lo ngại về việc sản xuất các loại vũ khí, thiết bị này. Một số thương hiệu có tới 80 phần trăm thành phần nước ngoài. Kalashnikov nằm trong danh sách bị trừng phạt của EU từ tháng 4.
Nga không thể thay thế một số thành phần
Nhà máy sản xuất xe tăng Uralvagonzavod cũng gặp rắc rối. Hệ thống ảnh nhiệt của nhà sản xuất Pháp Thales được lắp đặt trên xe tăng T-72 cho đến năm 2019, hợp đồng không được gia hạn. Uralvagonzavod muốn thay thế các bộ phận này bằng các bộ phận tương đương được sản xuất tại Belarus. Nhưng liệu Minsk có thể giao hàng với số lượng mà Nga yêu cầu hay không thì chưa rõ.
Một số thành phần Nga hoàn toàn không thể thay thế bằng các sản phẩm sản xuất trong nước hoặc từ các nước gần gũi với mình. Theo các nhà nghiên cứu tại Viện Lực lượng Thống nhất Hoàng gia Anh, các thiết bị này gồm các thành phần quan trọng của tên lửa hành trình 9М727, được bắn bởi hệ thống Iskander-K đáng sợ của Nga. Vũ khí sử dụng vật liệu chịu nhiệt đặc biệt và các đầu nối điện tử được sản xuất tại Mỹ.
Trong nhiều trường hợp, đây là những thành phần được gọi là lưỡng dụng, sử dụng trong công nghệ dân dụng và quân sự, việc xuất khẩu chúng chỉ có thể bị chặn lại khi có lệnh trừng phạt toàn diện. Một chuyên gia giấu tên tiết lộ, người ta có thể phải chấp nhận thay thế bằng các linh kiện kém chất lượng nhập từ Trung Quốc.
Nga vẫn còn nhiều linh kiện quan trọng trong kho mà ngay cả Trung Quốc cũng không có, chẳng hạn như vi mạch của nhà sản xuất Texas Instruments của Mỹ. Chuyên gia tin rằng nếu không có các thành phần của phương Tây, ngành công nghiệp vũ khí của Nga có thể tồn tại trong vài năm mà không bị ảnh hưởng tới chất lượng. Các vấn đề thực sự sẽ bắt đầu sau đó.
Nhưng hiện đã nổi lên một số vấn đề. Trong nhiều tuần qua người ta thấy Nga sử dụng ngày càng ít tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo. Đây là thông tin từ Bộ Quốc phòng ở Kiew. Hồi tháng ba Lầu Năm Góc cho biết dự trữ tên lửa dẫn đường chính xác cao của Nga đang cạn kiệt. Khi nói đến “vũ khí cao cấp” như Iskander-K, Nga dù sao cũng chỉ được phép sử dụng một phần nhỏ trong kho vũ khí của mình trên chiến trường Ukraine, vì cần dự trữ cho những trường hợp khẩn cấp, như khi xẩy ra chiến tranh với NATO.
Các biện pháp trừng phạt mới của EU và Hoa Kỳ đang gây khó khăn cho việc có được các bộ phận cần thiết. Ngay cả với các công ty bình phong và việc nhập khẩu sản phẩm lưỡng dụng, việc mua sắm các thành phần của phương Tây có thể bị trì hoãn vô thời hạn, điều này càng hạn chế Nga sử dụng vũ khí hiện đại trong cuộc chiến ở Ukraine. Tuy nhiên, đối với Ukraine, điều này không nhất thiết có nghĩa là một sự nhẹ nhõm.
Khi vũ khí hiện đại trở nên khan hiếm, Moscow buộc phải hành động theo kiểu “hết nạc vạc đến xương”. Quân đội Nga sẽ sử dụng loại bệ phóng tên lửa và pháo Grad dạng nồi đồng cối đá, độ chính xác không cao nhưng khả năng hủy diệt vẫn rất lớn. Tại Severodonetsk ở phía đông Ukraine quân đội Ukraine từ lâu đã nói về các “cuộc ném bom, nã pháo kiểu rải thảm”./.
Leave a Comment