Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4, ông Phạm Minh Chính nói rằng “Việt Nam không lựa chọn nền kinh tế đóng mà luôn kiên định đường lối đổi mới, mở cửa, tự tin xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả…”
ĐCS Việt Nam lựa chọn đường lối mở cửa rộng thì không ai nghi ngờ nữa. Bởi chỉ số độ mở nền kinh tế Việt Nam đã nói lên rồi. Hiện nay chỉ số này của Việt Nam nay cao vào top đầu thế giới. Chỉ số độ mở nền kinh tế của Việt Nam là 210,4%, trong khi đó Trung Quốc là 35,84%, của Mỹ là 26,32%, Nhật Bản là 34,93%, Thái Lan Lan 108,73%.
Không thể nói nền kinh tế Trung Quốc “kém mở” hơn nền kinh tế Việt Nam, và lại không thể nói nền kinh tế Thái Lan “kém mở” hơn Việt Nam được. Việc mở cửa nền kinh tế, Trung Quốc đi trước Việt Nam hơn thập kỷ, còn nền kinh tế Thái Lan thì luôn đi trước Việt Nam rất xa.
Độ mở nền kinh tế là tỷ số Tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu/GDP. Xuất nhập khẩu của Việt Nam thì như “quả tạ” còn nội lực nền kinh tế như “que tăm” nên tỷ số ấy cao. Những nền kinh tế như Trung Quốc, Thái Lan không phải họ ít “mở” hơn Việt Nam mà là họ vừa mở cửa vừa xây dựng nội lực cho nền kinh tế của họ nên GDP so với xuất nhập khẩu nó lớn.
Đi sâu vào con số thì bản chất phơi ra rất rõ. Theo số liệu trên Tạp Chí Tài Chính thì GDP khu vực FDI/tổng GDP của cả nước năm 2005 mới đạt 15,16%, năm 2010 đạt 17,69% và năm 2013 đạt 19,55%. Tốc độ tăng trưởng GDP của khu vực FDI này cao hơn tốc độ tăng chung của cả nền kinh tế. Như vậy thì nền kinh tế Việt Nam có tam mã gồm khối FDI, khối tư nhân, khối quốc doanh thì con ngựa FDI luôn nới rộng khoảng cách với 2 con ngựa còn lại. Nếu bóc tách phần FDI ra khỏi nền kinh tế, e rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ còn là “da bọc xương” chứ không như những gì ta đang thấy.
Mở cửa đón rước FDI vào có 2 mục đích: mục đích thứ nhất (cũng là mục đích trước mắt) là tạo cú hích cho GDP; mục đích thứ nhì (mục đích lâu dài) là tiếp nhận quá trình chuyển giao công nghệ để nâng cao nội lực nền kinh tế.
Nếu một chính quyền chỉ xem đón FDI tạo cú hích cho nền kinh tế thì về lâu về dài, nền kinh tế sẽ phụ thuộc rất lớn vào FDI trong khi đó nội lực thật sự của nền kinh tế bị FDI bỏ xa. Đảng CS Việt Nam đang theo đuổi mục đích này là chính (cũng có thể họ không đủ khả năng theo đuổi mục đích thứ hai). Đó là lý do tại sao chỉ số về chỉ số về độ mở nền kinh tế Việt Nam cao nhất thế giới.
Nếu chính quyền có chiến lược hẳn hoi, có chính sách căng cơ và hiệu quả thì họ sẽ nâng cao nội lực nền kinh tế lên dần và từ đó tỷ trọng GDP của FDI/GDP cả nước giảm dần. Thái Lan và Trung Quốc đang theo đuổi chính sách này. Tuy nhiên Trung Quốc làm hiệu quả hơn Thái Lan.
Ý tiếp theo trong câu nói của ông Chính là “tự tin xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả”. Vậy thì câu hỏi đặt ra là nền kinh tế Việt Nam có “độc lập”, có “tự chủ” thực sự không?
Nền kinh tế có nguồn vốn khối FDI chỉ chiếm 20% so với nguồn vốn nội mà nó lại chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu thì nền kinh tế Việt Nam “độc lập” kiểu gì? Chỉ cần FDI mà rút thì nền kinh tế Việt Nam chẳng còn gì. Vẫn nhập siêu, vẫn chỉ đóng vai trò rất hạn chế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều đáng nói là đã rất nhiều năm, khối doanh nghiệp nội vẫn chưa vượt lên khối ngoại để đẩy tỷ trọng xuất khẩu của FDI xuống thấp. Tại sao?
Muốn biết tại sao hãy nhìn vào chất lượng của con người lãnh đạo trong ĐCS. Như bài trước tôi đã nói “Làm chính sách thì kém hiệu quả nhưng phối hợp nhau trục lợi thì lại vô cùng hiệu quả” thì làm sao đưa nền kinh tế phát triển về chất được? Trung Quốc cũng tham nhũng, nhưng Tập Cận Bình trị tội tham nhũng rất nặng chứ không nhẹ như ông Trọng. Ông trọng bắt nhiều nhưng sự mạnh tay trong hình phạt rất yếu. Đấy là một trong các nguyên nhân, còn nguyên nhân chính, đó là Trung Quốc và Thái Lan làm chính sách tốt hơn Việt Nam.
Để thực thi chính sách tốt thì bộ máy chính quyền phải làm tốt 2 điều. Thứ nhất là chủ trương đúng, thứ nhì là thực hiện chính sách hiệu quả. Mới đây, trong tù, Tất Thành Cang đã kêu oan rằng ông không làm sai chủ trương. Điều ông Cang nêu lên nó không mới, nó tồn tại từ rất lâu mà ĐCS không thể loại bỏ được. Nguyên nhân là không có dân chủ và duy ý chí. Làm chính sách tốt thì cần có trí tuệ, trục lợi nhiều thì cần phải gian. Với ĐCS Việt Nam thì họ không thể làm chính sách tốt, bởi đơn giản họ thiếu trí tuệ nhưng thừa gian manh./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://vneconomy.vn/viet-nam-khong-lua-chon-nen-kinh-te…
https://wits.worldbank.org/countryprofile/en/chn
https://wits.worldbank.org/CountryProfile/en/USA
https://wits.worldbank.org/CountryProfile/en/JPN
https://wits.worldbank.org/CountryProfile/en/THA
https://wits.worldbank.org/CountryProfile/en/VNM
Leave a Comment