Nguyễn Thông
Chả là trên những mặt báo hoặc chương trình thời sự hằng ngày ở xứ ta thường xuất hiện từ “xung đột” khi nói về những gì đã và đang diễn ra tại nước Ukraine. Chẳng hạn họ viết/nói “xung đột Nga – Ukraine”, cứ như đang nói về hai thằng hiếu chiến đánh nhau, cố ý xóa nhòa bản chất của phe tham gia cuộc chiến ấy.
Xung đột, theo giải nghĩa của từ điển tiếng Việt là đánh nhau giữa lực lượng đối địch, hai bên tranh giành quyền lợi. Tuy nhiên, nếu trong từng trường hợp cụ thể, cào bằng như vậy thì tốt xấu lẫn lộn, chính nghĩa phi nghĩa láo nháo, hay dở không biết đâu mà lần.
Cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Ukraine mà lại chỉ là xung đột thôi sao? Vớ vẩn. Thưa các ông các bà đỉnh cao trí tuệ khôn lỏi An Nam, chỉ cần hai đứa trẻ ranh chơi bi tranh giành hòn bi cũng có thể gọi là xung đột nhé. Vợ chồng đầu gối tay ấp nhưng không đồng ý về cách dạy con cũng là xung đột. Một đất nước đang bị tàn phá bởi bom đạn của kẻ khác, con người bị giết, nhà cửa phố phường bị hủy hoại, cuộc sống bị điêu tàn do bọn xâm lược, mà chỉ là xung đột thôi sao? Các ông các bà coi rẻ mạng người đến thế.
Đó là chưa nói, khi lươn lẹo gọi cuộc chiến tranh giữa kẻ xâm lược và người đứng lên chống bọn xâm lược là “xung đột”, rõ ràng các ông bà đã cố ý nhập nhèm, lập lờ đánh lận con đen, đánh đồng kẻ xâm lược tàn bạo đáng phỉ nhổ với đất nước, con người kiên cường chống xâm lược; kẻ phải bị trừng phạt với người cần được ủng hộ giúp đỡ; trộn trong cái hũ thối cả phi nghĩa lẫn chính nghĩa. Mồm nói đứng về phía chính nghĩa nhưng tâm lại mù mờ, lời lại nhố nhăng, không biết đâu là chính là tà. Ấy là các vị.
Tất nhiên dân chúng, người tử tế đều hiểu lẽ đời cả, chỉ các vị cố tình “không hiểu”, bẻ queo sự thực. Làm đếch gì có xung đột, chỉ có “cuộc chiến tranh Nga – Ukraine”, mà nói chính xác hơn thì “cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine”.
Nếu hồi xưa, có ai đó, các bạn Thụy Điển chẳng hạn, bảo là “xung đột Mỹ – Việt Nam”, lại chả giãy lên như đỉa phải vôi. Nói phỉ phui cái miệng, lỡ mai kia xảy ra chiến tranh với “bạn môi răng”, có nhớ lúc chỉ thích dùng chữ “xung đột” không? Đừng tự làm khó mình khi cơ sự. Nhé.
Nguyễn Thông
Leave a Comment