Thành phần phá hoại trong chính phủ đang phá chính sách ra sao?

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh phát biểu trên báo Vneconomy tại Canada, người ta quy định tỷ lệ vốn vay (trong đó có trái phiếu doanh nghiệp) trên vốn tự có là 2:1, Trung Quốc cũng căn cứ theo và quy định tỷ lệ 2:1. Đây là biện pháp khống chế việc các doanh nghiệp phát hành trái phiếu vô tội vạ rồi gây ra nợ xấu gây nguy hiểm cho thị trường tài chính. Ở những quốc gia này, việc kiểm toán trước khi cho doanh nghiệp lên sàn người ta làm rất kỹ. Hầu hết những doanh nghiệp lên sàn đều là những doanh nghiệp khỏe mạnh, ấy vậy mà họ còn khống chế tỷ lệ vốn vay. Còn Việt Nam thì sao?

Theo khoản i, điều 3 của Nghị định 81/2020/NĐ-CP ngày 9/7/2020 có quy định như sau: “Đảm bảo dư nợ trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tại thời điểm phát hành (bao gồm cả khối lượng dự kiến phát hành) không vượt quá 05 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành được cấp có thẩm quyền phê duyệt.”

Nhưng theo khoản 2 điều 6 của Nghị định 153/2020/NĐ-CP ban hành ngày 31/12/2020 lại có quy định như sau: “Khối lượng phát hành: do doanh nghiệp phát hành quyết định đối với từng đợt chào bán căn cứ vào nhu cầu sử dụng vốn của doanh nghiệp.”

- Quảng Cáo -

Như vậy, Nghị định 81/2020/NĐ-CP hạn chế khối lượng trái phiếu phát hành, còn Nghị định 153/2020/NĐ-CP thì cho doanh nghiệp phát hành “xả láng” không giới hạn. Nghị định 153/2020/NĐ-CP phát hành sau nên được xem như chính nó thay thế cho Nghị định 81/2020/NĐ-CP.

Được biết hiện nay, có doanh nghiệp bất động sản đã phát hành trái phiếu lên đến 47 lần vốn chủ sở hữu. Kinh khủng! Đây chỉ mới là những ông điển hình thôi, còn hàng loạt ông khác hiện rất đáng lo ngại. Ví dụ: Công ty CP Osaka Garden 28,5 lần; Công ty CP Hoàng Phú Vượng vay đến 5,8 lần vv… rất nhiều công ty khác nữa. Riêng tập đoàn Tân Hoàng Minh đang có tỷ lệ là hơn 6 lần xem ra chưa nghiêm trọng bằng các công ty bất động sản chưa bị khui.

Ở đây có 3 câu hỏi cần phía chính quyền CS phải trả lời:

Câu hỏi thứ nhất, tại sao Nghị định 153/2020/NĐ-CP cho doanh nghiệp phát hành “xả láng” không giới hạn mà chính quyền CS lại tóm ông Chủ tịch HĐQT Kiêm Tổng Giám Đốc – Đỗ Anh Dũng. Tính ra họ không sai luật tại sao bắt họ phải hoàn trả tiền cho trái chủ?

Câu hỏi thứ nhì, nếu Tân Hoàng Minh bị “sờ gáy” thì tại sao hàng loạt công ty sai phạm tương tự như Tân Hoàng Minh không bị? Phải chăng đây là hành động triệt hạ doanh nghiệp kiểu “nuôi lớn để thịt” chứ không phải thực thi luật pháp một cách nghiêm minh để làm trong sạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

Câu hỏi thứ ba, đó là Nhà nước đang cố gắng hoàn thiện hạ tầng pháp lý để làm cho thị trường chứng khoán chuyên nghiệp hơn, bền vững hơn vv.. nhưng tại sao Chính phủ lại dùng Nghị định 153/2020/NĐ-CP phát hành sau lạc hậu hơn để phủ định Nghị định 81/2020/NĐ-CP trước đó tiến bộ hơn? Các nước Canada và Trung Quốc đều giới hạn vốn vay của doanh nghiệp và Nghị định 81/2020/NĐ-CP cũng giới hạn vốn vay (tuy giới hạn rộng hơn Canada và Trung Quốc nhưng vẫn tiến bộ hơn là cho phát hành “xả láng”), chứng tỏ khi ra Nghị định 81/2020/NĐ-CP người ta có xem xét trường hợp ở các quốc gia tiến bộ.

Từ câu hỏi thứ ba mới lòi ra một hiện thực đáng báo động, là trong nhóm người làm chính sách của Chính phủ, có kẻ muốn loại bỏ những văn bản luật tiến bộ để dọn đường cho các nhóm lợi ích trục lợi trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường vốn nói chung. Vậy ai là tác giả của Nghị định 153/2020/NĐ-CP thì ông Phạm Minh Chính cần sa thải ngay. Đây là thành phần gây ra mối nguy khôn lường cho những chính sách mới của Chính phủ.

Điều đáng nói là trong Nghị định 153/2020/NĐ-CP còn có những nhiều điều khoản khác giúp cho doanh nghiệp rũ bỏ trách nhiệm và đẩy rủi ro về cho trái chủ. Ví dụ như điểm b, khoản 2, điều 8 có quy định: “Tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu.”

Làm chính sách mà để thành phần này trong chính phủ thì có thể nói, muôn đời Chính phủ không thể cải thiện nổi hạ tầng pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Mà trong chính phủ, có chứa thành phần này thì các lĩnh vực khác cũng thế, không thể cải thiện hạ tầng pháp lý được. Không bao giờ!

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-bat-dong-san-phat-hanh…

https://vietnamfinance.vn/tiet-lo-khoi-no-khung-cua-nhom…

https://thuvienphapluat.vn/…/Nghi-dinh-81-2020-ND-CP…

https://thuvienphapluat.vn/…/Nghi-dinh-153-2020-ND-CP…

https://thesaigontimes.vn/hoan-thien-ha-tang-phap-ly-cho…/

- Quảng Cáo -