Tân Hoàng Minh nợ trái chủ 10.300 tỷ đồng, tuy nhiên cho tới nay họ đã chạy vạy được 2 đợt với tổng số tiền là 566,1 tỷ đồng chiếm 5,5% tổng số tiền. Được biết, 2 trong 3 công ty đã phát hành 10.300 tỷ đồng trái phiếu của Tân Hoàng Minh vẫn còn nợ thuế 183 tỷ đồng. Với số tiền chỉ vài trăm tỷ đồng mà Tân Hoàng Minh phải đi vét khắp nơi thì không biết bao giờ mới trả hết nợ?
Tân Hoàng Minh cam kết là hết tháng 7 sẽ trả khoảng từ 30-40% nợ cho trái chủ. Hứa vẫn là hứa, chừng nào tiền vào tay thì trái chủ mới chắc chắn mình được trả chứ thực tế thì không có gì đảm bảo. Việc trả nợ của Tân Hoàng Minh phụ thuộc vào kết quả họ có bán được dự án hay không? Nếu không bán được thì tiền đâu họ thanh toán cho trái chủ đây?
Ngày 2/6, báo Thanh Niên có cho biết rằng, hiện nay có hơn 100 doanh nghiệp lỗ lớn, nợ ‘ngập đầu’ vẫn phát hành trái phiếu riêng lẻ. Phát hành trái phiếu riêng lẻ của những doanh nghiệp này là kiểu phát hành không chính thức qua Sở GDCK, và tất nhiên trái phiếu của họ không được niêm yết. Mục đích của việc phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp này là để trả nợ đáo hạn ngân hàng, còn lại đổ vào dự án. Tân Hoàng Minh thuộc loại một trong 100 ông “chúa chổm vay nợ” này.
Với số tiền 10.300 tỷ đồng mà Tân Hoàng Minh vay của trái chủ không phải họ đổ hết vào dự án mà khả năng là họ chia làm 2 phần, phần để trả nợ ngân hàng phần để đầu tư. Không biết phần họ đổ vào dự án bao nhiêu nhưng chắc chắn nó ít hơn con số 10.300 tỷ đồng. Đầu tư để hy vọng giá bất động sản lên cao đẩy nó đi kiếm khoản lời lớn nhằm thanh toán cho trái chủ khi trái phiếu đáo hạn. Tuy nhiên, “người tính không bằng trời tính”. Dự tính của họ mới bắt đầu thì bị chính quyền tóm cổ và bắt “ói” tiền ra để trả nợ. Chính vì thế buộc họ phải “bán lúa non” các dự án đang dang dở. Khi đầu tư vào dự án, 10.300 tỷ bị ngắt đi một phần để trả nợ ngân hàng, khi buộc trả nợ họ “bán lúa non” nên phải mất thêm một khoản nữa (đã bán lúa non thì bao giờ cũng bị ép giá). Vì thế việc Tân Hoàng Minh bán các dự án cũng khó mà đủ tiền trả hết cho trái chủ. Thực tế, những khoản nợ của Tân Hoàng Minh cũng như 100 doanh nghiệp “chúa chổm vay nợ” kia đều là nợ xấu. Các trái chủ đang gánh nợ xấu.
Nhận định thực trạng nợ xấu, Ngày 1/6 tại Quốc hội, ông Hà Sỹ Đồng đại biểu tỉnh Quảng Trị cho biết, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro và nợ xấu ngân hàng có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới đã khá rõ, bất chấp số liệu vừa được cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước về nợ xấu của các tổ chức tín dụng tới 31/12/2021 chỉ còn khoảng 377.900 tỉ đồng, chiếm có 5,76% tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế.
Như vậy rõ ràng là báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chỉ là báo cáo cho đẹp chứ không phản ảnh đúng thực tế. Thực ra nợ xấu không chỉ là những khoản nợ mà ngân hàng không thu hồi được mà còn các khoản nợ mà nhà đầu tư trái phiếu không thể thu hồi nữa. Con số nợ xấu đúng nghĩa nhiều hơn con số Ngân hàng Nhà nước thông báo rất nhiều. Vì các doanh nghiệp “chúa chổm vay nợ” ấy đã phát hành trái phiếu thanh toán nợ cho ngân hàng, họ đẩy nợ xấu sang tay các trái chủ nên Ngân hàng Nhà nước mới có con số báo cáo đẹp đến thế. Vấn đề này tôi đã từng đề cập ở những bài viết trước.
Thực tế không chỉ có một Tân Hoàng Minh mà rất nhiều Tân Hoàng Minh, thực tế không chỉ gói gọn 100 doanh nghiệp “chúa chổm vay nợ” mà rất nhiều như thế, vì sao? Bởi vì những doanh nghiệp có kiểm toán độc lập thì mới lòi ra là ông “chúa chổm”, còn những ông không hoặc chưa được kiểm toán độc lập thì vẫn là những ông “chúa chổm tiềm ẩn”. Những ông chúa chổm ẩn này là quả bom, quả mìn được lấp dưới lòng đất. Mọi bước đi của chính quyền CS cần phải rón rén, nếu bước nhầm rất có thể nó sẽ nổ tung./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://tienphong.vn/tan-hoang-minh-chay-vay-khap-noi-gom…
Leave a Comment