Hôm 30/5/2022, một số người dân mất đất chặn các xe buýt chở đại biểu quốc hội đi họp ở Hà Nội để kêu oan, ô tô hộ tống của cảnh sát giao thông tông thẳng vào nhóm người dân nhưng họ may mắn tránh kịp.
Một nhóm dân oan khác trước đó cũng đến cả tư dinh của Thủ tướng Phạm Minh Chính hay nơi các đại biểu quốc hội nghỉ ngơi để kêu oan, nhưng cũng không nhận được câu trả lời mà bị an ninh đưa lên xe buýt và thả xuống ở một nơi khác.
Bà Nguyễn Thị Lan, một người dân ở phường Dương Nội (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) từng bị thu hồi hơn 1.000 mét vuông đất, bày tỏ sự tin tưởng vào việc được giải quyết thoả đáng, ngay cả trong kỳ họp Quốc hội lần này. Bà nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do:
“Chúng tôi vẫn đang hy vọng chính quyền do dân vì dân thì sẽ giải quyết vấn đề đất đai để dân ổn định cuộc sống. Dân có giàu thì đất nước mới mạnh. Chúng tôi cũng đã tin vào (chủ trương của Đảng – PV) để giải quyết cho chúng tôi…
Họp Quốc hội lần này hay thế nào chăng nữa thì chúng tôi lúc nào cũng tin tưởng để gửi đơn (khiếu nại – PV). Chúng tôi gửi đơn hàng chục năm rồi mà không giải quyết thì chúng tôi không có công ăn việc làm và ổn định thì làm sao mà đất nước mạnh lên được. Do vậy lúc nào chúng tôi cũng hy vọng (Nhà nước -PV) giải quyết cho chúng tôi”.
Nghị quyết của Hội nghị lần thứ năm vừa qua của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá 13 tiếp tục khẳng định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế-xã hội theo luật định, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch” đúng như Điều 53 của Hiến pháp Việt Nam sửa đổi năm 2013.
Bà Hào, một người nông dân ở Dương Nội cho biết, chính quyền phường Dương Nội thu 416 mét vuông đất ruộng của gia đình bà rồi san nền và phân lô bán cho người khác để họ xây nhà.
Gia đình bà không chấp nhận giá đền bù thấp hơn nhiều so với giá thị trường và vẫn tiếp tục khiếu kiện lên nhiều cấp, kể cả cấp trung ương, như đã làm trong nhiều năm qua. Bà bày tỏ:
“Sáng nay tôi có nghe (một phiên họp của Quốc hội – PV) một lúc. Mấy hôm nay thảo luận thì sáng nay tôi cũng nghe nửa tiếng thì chán và chả nghe nữa. Bởi vì họ cứ nói đâu đâu ấy… chẳng nói về đất đai của người nông dân.
Người nông dân sống phải có đất. Giờ bọn tham nhũng cứ vào phe vào Đảng cướp hết của dân. Chúng tôi không bán nhưng chúng cướp, đày ải người dân một cách không để cho người dân sống nữa.
Bây giờ thực tế ở làng này người người không có công ăn việc làm rồi đi lau nhà, đi lang thang chả ra làm sao cả.
Tôi thì già rồi không làm được nhưng còn đời con đời cháu sau này. Chúng tôi đi khiếu kiện nhưng chúng nó cứ trốn tránh, mười mấy năm rồi”.
Còn bà Trần Thị Hoàng, người có tranh chấp mảnh đất rộng 750 mét vuông với một người khác ở cùng địa phương và bị bỏ tù chỉ vì biểu tình đòi công lý cho gia đình mình, cho biết:
“Cô ra Hà Nội thì Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chính phủ cho cô tờ giấy yêu cầu (chính quyền địa phương – PV) giải quyết dứt điểm đừng để công dân đi khiếu kiện nhiều lần.
Từ năm 2008 đến nay là 17 năm nhưng Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang không tiếp cô lần nào hết… Bây giờ cô chỉ cầu mong cộng đồng mạng trong và ngoài nước và các báo đài trong và ngoài nước giúp đỡ dân oan thấp cổ bé họng như cô đòi lại công bằng”.
Trong phiên họp ngày 24 tháng 5 năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai sửa đổi từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 năm nay và vẫn giữ quy trình xem xét, thông qua tại 3 kỳ họp Quốc hội.
Nguồn: RFA Tiếng Việt
Leave a Comment