Đô thị nén (Compact City) là đô thị có mật độ định cư cao, diện tích nhỏ nên chủ yếu phát triển về chiều cao và không gian phía trên. Tokyo, Thượng Hải, TP. HCM, Hà Nội là một dạng đô thị nén như thế. Thành phố đông đúc và chật chội nên xây dựng và quản lý một đô thị như vậy luôn đặt ra cho chính quyền những bài toán khó.
Với loại đô thị nén, thì diện tích đất dành cho giao thông bị thu hẹp, diện tích dành cho thoát nước mưa cũng bị thu hẹp chính vì thế nguy cơ ngập lụt sau một trận mưa là rất cao. Giải pháp cho giao thông và thoát nước mưa cho loại thành phố này không có nhiều lựa chọn. Giải pháp tối ưu là phát triển không gian ngầm của thành phố.
Dân số thành phố Tokyo hiện nay gần 38 triệu dân, phần lõi của đô thị này khoảng 14 triệu dân. Tuy nhiên, siêu đô thị này hiện không bị tắc đường kinh khủng như những đô thị ít dân hơn như TP. HCM hay Hà Nội ở Việt Nam. Một siêu đô thị chật chội thế nhưng thành phố Tokyo vẫn không xảy ra hiện tượng bị ngập úng kinh niên như những đô thị Việt Nam. Nguyên nhân là vì sao?
Hệ thống tàu điện ngầm của Tokyo thì miễn bàn, họ phát triển hệ thống này chằng chịt dưới lòng đất, nó giải quyết tốt vấn đề giao thông cho siêu đô thị 38 triệu dân. Nhiều người Việt đến Tokyo làm việc họ nói rằng, giờ tan tầm, người dưới lòng đất chui lên mặt đất như “tổ kiến”. Điều đó cho thấy người nhật xây dựng hệ thống giao thông ngầm và sử dụng nó hiệu quả như thế nào. Có quan điểm cho rằng, chính quyền Tokyo đã xây dựng đến 2 thành phố, thành phố trên mặt đất là những công trình tráng lệ và một thành phố ngầm để giải quyết vấn đề cho thành phố nổi.
Để giải quyết lượng nước mưa đổ xuống, thành phố Tokyo đã xây dựng Hệ thống cống ngầm gồm 5 giếng đứng bê tông lớn, cao 65 m, đường kính 32 m, nối nhau bằng hệ thống đường hầm dài 6,4 km.
Và hệ thống bơm với 70 máy bơm có thể bơm 200 tấn nước mỗi giây giúp cho thủ đô Tokyo không bị ngập lụt trong mùa mưa bão. Hệ thống này như là một mạng lưới sông hồ ngầm sẽ chứa hết lượng nước mưa trút xuống thành phố. 5 bồn chứa này chứa hơn 1 triệu khối nước, đấy là chưa kễ hệ thống đường ống khổng lồ nối với nhau. Với hệ thống siêu bồn chứa này, nó đủ để làm ráo mặt đường phố của thành phố Tokyo cho mọi cơn mưa lớn. Chính quyền thành phố Tokyo chỉ bỏ ra có 2,6 tỷ đô la để xây dựng hệ thống này.
Trên thế giới, những thành phố thuộc loại “đất rộng người thưa” thường có bề mặt thoát nước lớn họ không xây hệ thống bể ngầm khồng lồ như Tokyo, tuy nhiên, họ cho xây những hệ thống cống khổng lồ vừa để chứa nước chống ngập tạm thời vừa thực hiện chức năng thoát.
Thành phố St Louis của bang Missouri – Mỹ là một đô thị nhỏ chỉ có hơn 300 ngàn dân, ấy vậy mà năm 2017 họ đã cho xây dựng hệ thống cống ngầm khổng lồ có thể chứa được hàng tỷ gallons nước mưa trước khi nó đổ ra sông Missisipi. Hệ thống cống ngầm đó rất lớn, nó lớn không thua gì đường hầm Thủ Thiêm hay các đường hầm xuyên núi trên Quốc lộ 1A của Việt Nam.
Với thành phố dưới 1 triệu dân người ta đã làm được như vậy, tuy nhiên thành phố 10 triệu dân như TP. HCM hiện nay thì lại không có những hệ thống bể chứa khổng lồ, lại càng không có hệ thống cống ngầm khổng lồ để giải quyết. Hệ thống cống thoát của họ cũng rất bé nhỏ, những ống thoát mà họ đặt để thoát nước mưa cho thành phố 10 triệu dân mà chỉ cao bằng đầu thì thoát thế nào được?
Ở Việt Nam hiện nay, một đô thị nhỏ như thị trấn Tam Đảo cũng bị ngập vì mưa lũ thì không còn biết nói gì nữa. Việc xây dựng hệ thống thoát nước mưa cho một đô thị là vấn đề rất lớn. Nó là trách nhiệm của những nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý đô thị và các nhà chuyên môn đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng hệ thống ngầm, ấy vậy mà không hiểu sao Chính quyền CS lại để một người phụ nữ không tí chuyên môn gì về xây dựng hạ tầng đô thị lại có thể ngây ngô góp ý kiến là “dùng lu” thoát nước cho một siêu đô thị 10 triệu dân?! Đây quả thật là một trò cười, như sâu xa hơn là nó cho thấy sự thiếu nghiêm túc, thiếu chuyên nghiệp và thiếu tầm nhìn của chính quyền thành phố trong vấn đề tìm giải pháp.
Chống ngập cho một đô thị không khó vì nó đã được các đô thị trên thế giới giải quyết xong rồi, vấn đề là học hỏi và thực hiện nó thế nào mà thôi. Tokyo hay St Louis đều xây dựng khi thành phố đã phát triển hoàn chỉnh chứ không phải họ tiên liệu trước khi xây dựng thành phố. Họ làm được sao ta không làm được? Với một chính quyền mà bắt các ông/bà ngoài chuyên môn đóng góp giải pháp kỹ thuật cho một vấn đề lớn của thành phố thì e là mãi mãi không giải quyết nổi vấn đề. Cơ thể bị bệnh mà chỉ tìm lang băm thì chữa thế nào được?!
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://tienphong.vn/ben-trong-he-thong-cong-ngam-lon…
Leave a Comment