Những ai được học nền giáo dục VNCH không thành công thì cũng thành nhân” – nguyên văn câu nói của ba tôi, một nhân chứng lịch sử từng được thụ hưởng nền giáo dục Việt Nam Cộng Hoà.
Nhìn lại chặng đường giáo dục của miền Nam trước và sau 1975, những ai đã từng trải qua sẽ dễ dàng nhận ra có sự khác biệt quá lớn.
Bản thân tôi không may mắn được sinh ra và lớn lên dưới cái thời “vàng son” của miền Nam Việt Nam, tất cả đều qua lời kể của ba và ông, những nhân chứng sống của lịch sử.
Theo như ba kể thì thời đó học sinh đi học không phải đóng học phí như bây giờ, càng không có chuyện “cải cách sách giáo khoa” hay mỗi năm mỗi “tăng giá sách giáo khoa” khiến phụ huynh khốn đốn. Một bộ sách giáo khoa được truyền từ người anh cả cho đến đứa em út, tiết kiệm biết bao chi phí. Học sinh nào gia đình nghèo, không đủ tiền mua sách thì có thể mượn sách của thư viện trường để học nhưng phải bảo quản tốt, cuối năm đem trả lại cho lớp học trò sau học tiếp.
Thời đó học sinh cũng không phải bù đầu “học thêm học bớt” mà chỉ có “học phụ đạo” để giúp những học sinh yếu kém không theo kịp bài và hoàn toàn không phải đóng phí.
Triết lý của giáo dục VNCH nằm trong những Nguyên Tắc Căn Bản do Bộ Giáo Dục ấn hành năm 1959, cụ thể là “Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng”. Có nghĩa là học gì thì học, điều đầu tiên là phải học làm người, nhấn mạnh đạo đức, hướng đến phục vụ tha nhân. Kế tiếp là đề cao tinh thần Dân Tộc, xiển dương lòng ái quốc – thương nòi. Điều thứ ba là Khai Phóng, nghĩa là tiếp thu những cái mới, mở mang kiến thức khoa học kỹ thuật, không ngại du nhập những nét hay, thế mạnh của Tây Phương.
Thế nhưng sau khi cộng sản hô hào đã “giải phóng” miền Nam, hãy nhìn lại nền giáo dục Việt Nam sau gần nửa thế kỷ cộng sản cai trị đã và đang như thế nào. Gần nửa thế kỷ trôi qua, các ông bà ấy vẫn còn đang loay hoay trong những kế hoạch thử nghiệm, những đợt “cải cách” liên tục từ năm này qua năm khác. Học sinh phải khốn khổ với những chương trình học quá tải, thời gian biểu kín mít với những lớp học thêm. Phụ huynh thì tất bật “chạy tiền học” và mua sách giáo khoa mới (mỗi năm tăng giá gấp 2-3 lần) cho con.
Và có thể nói trong suốt gần nửa thế kỷ trôi qua, nền giáo dục Việt Nam lúc nào cũng đầy rẫy những bất cập, chưa một lần hiện hữu ổn định…
Tiếc nuối, thật sự tiếc nuối cho một nền giáo dục “Nhân bản, dân tộc, khai phóng” đã bị chôn vùi, thay thế bằng thứ giáo dục nhồi sọ, có định hướng, chỉ để phục vụ cho quyền lực và lợi ích của chế độ độc tài, man rợ. Một nền văn minh đã bị thay thế bởi thứ văn hoá bệnh hoạn, rừng rú, đầu độc cả một thế hệ. Rồi đây, đất nước và con người Việt Nam sẽ ra sao??
Tiếc nuối, quả là một sự tiếc nuối vô bờ bến. Giáo dục Việt Nam, bao giờ thì mới lại được như “xưa”??
Amy Truc Tran
Leave a Comment