Chiêu “lùa gà” và con dấu “mật”

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà

Để bắt gà, người ta sẽ bít các đường thoát và chỉ để một lối duy nhất cho gà “thoát thân”. Việc chuẩn bị xong xuôi thì tiến hành đuổi bắt, gà dáo dác tìm đường thoát. Chẳng có đường nào ngoài một lỗ duy nhất, thế là gà chui vào và bị nhốt vào lồng. Hết thoát!

Vụ án Mobifone mua AVG trước đây cũng là dạng “lùa gà” như vậy. Công ty AVG có giá trị chỉ 200 tỷ, nhưng Mobifone muốn mua nó với giá 9.000 tỷ từ tiền nhà nước để lấy 7.000 tỷ chênh lệch chia nhau. Muốn mua được AVG giá cao thì phải bít hết con đường định giá thấp. Để AVG không thể rơi vào tay ai ngoài Mobifone bít đường tham gia của công ty nước ngoài.

Để lùa AVG vào tay Mobifone, Nguyễn Bắc Son lúc đó là Bộ trưởng TTTT- đơn vị chủ quản của Mobifone đã bắt tay với Tô Lâm – Thứ trưởng Bộ Công an lúc đó làm trò diễn kịch. Ngày 26/11/2014 Nguyễn Bắt Son cho Trương Minh Tuân gởi đến Tô Lâm Công văn số 200/BTTT-VP để trình bày rằng, có đơn vị “nước ngoài” muốn mua 75% cổ phần AVG. Đến ngày 8/12/2014, Tô Lâm gởi đến Nguyễn Bắc Son công văn số 4352/BCA-A81 để “khuyên” Nguyễn Bắc Son là đơn vị nước ngoài không thể sở hữu hơn 49% AVG và đưa ra ý kiến là “không để AVG rơi vào tay nước ngoài” để nhà nước không mất kiểm soát hạ tầng viễn thông. Màn đóng kịch này mục dích là lùa AVG vào tay Mobifone để nhóm lợi ích trục lợi. Và đến ngày 5/3/2015, Trương Minh Tuấn thay mặt Nguyễn Bắc Son gởi công văn 44/BTTT-QLDN đến Tô Lâm báo là Mobifone đã thỏa thuận với AVG mua lại 95% cổ phần công ty này. Tất cả các công văn này đều đánh dấu “Mật”.

- Quảng Cáo -

Xong phần lùa AVG vào tay Mobifone thì các bên liên quan tiến hành lùa AVG vào giá 9.000 tỷ một cách trông có vẻ hợp lý. Để làm việc này, các bên liên quan đã “mời” 5 công ty định giá mà thi nhau múa gậy: Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC (AASC) thì định giá AVG là 33.299,4 tỷ đồng; Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (VCBS) định giá AVG là 24.548,1 tỷ đồng (VCBS không có tên trong danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá tài sản); Công ty TNHH Định giá Hà Nội – TPHCM (Hanoi Valu) định giá AVG là 18.519,9 tỷ đồng; Công ty Thẩm định giá AMAX (Một công ty được lập ra bởi con gái ông Nguyễn Tấn Dũng – bà Nguyễn Thanh Phượng) định giá AVG là 16.565 tỷ đồng. Tất cả 5 công ty đều đẩy giá AVG lên cao, để rồi bên mua giả vờ đàm phán với bên bán mua lại AVG với giá “hời” là 9.000 tỷ đồng.

Sau khi lùa con gà AVG vào tay, các bên tiến hành giao dịch thương vụ và đã ngắt 7.000 tỷ ra chia chác. Hành động “lùa gà” này hiện nay được các nhóm lợi ích cấu kết với quan chức để lùa nhiều khổ chủ tiền mất tật mang. Việc Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu đánh úp nhà đầu tư chính là hành động lùa gà. Để lùa được gà (nhà đầu tư) vào chuồng, Trịnh Văn Quyết và các quan chức ngành chứng khoán đã phối hợp với nhau. Ở vụ án Mobifone mua AVG thì chính Phạm Nhật Vũ phối hợp với Nguyễn Thanh Phượng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Tô Lâm, Lê Nam Trà để lùa tiền nhà nước vào tay bọn họ mà chia chác thì vụ án “thao túng cổ phiếu” của Trịnh Văn Quyết là sự phối hợp giữa Trịnh Văn Quyết với Lê Hải Trà và Trần Văn Dũng. Đấy đều là liên minh Gian thương – Tham quan.

Vụ án Mobifone mua AVG sau đó được ông Nguyễn Phú Trọng moi ra gần hết gồm: Nguyễn Bắc Son – Bộ trưởng bộ TTTT, Trương Minh Tuấn – thứ trưởng dưới thời Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà – Tổng giám đốc Mobifone, Phạm Nhật Vũ – Tổng giám đốc AVG, Võ Văn Mạnh giám đốc AMAX. Trong đó Nguyễn Thanh Phượng lọt lưới vì Nguyễn Thanh Phượng không đứng tên thành lập AMAX mà thay vào đó là “hình nhân thế mạng” Võ Văn Mạnh bị bắt. Tô Lâm vẫn an toàn thì dấu “Mật” trong tài liệu diễn kịch ấy không được phép mở.

Trong vụ án này, ngoài hành động “lùa gà” của liên minh Gian thương – Tham quan thì điều đáng nói khác nữa là, đó là con dấu “Mật” trong các thương vụ có sự tham gia của nhà nước. Trong vụ án Mobifone mua AVG thì con dấu “Mật” chính là một dạng boongke an toàn bảo vệ các quan chức. Tô Lâm đã trú ẩn trong boongke đó rất an toàn. Chính Nguyễn Phú Trọng đã không bật đèn xanh cho phía cơ quan điều tra mở dấu “Mật” đó mục đích là để bảo vệ Tô Lâm. Lúc đó ông Trọng cần Tô Lâm cho nhiều mục đích khác thiếu chân chính. Và không phụ công ơn, sau đó Tô Lâm đã giúp ông Trọng bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, bắt cóc Vũ Nhôm, và nhúng tay vào vụ Công an TP. HN bắn chết Cụ Kình vv… Nói chung, ông Trọng cũng đang dùng chữ “Mật” để bảo vệ người phe ông ta khỏi bàn tay luật pháp. Dấu “Mật” của chế độ CS nó đã biến tướng, không phải nó được dùng để bảo vệ bí mật nhà nước mà là với mục đích như thế.

Hiện nay tài liệu truy tố ông cựu Thứ trưởng Bộ Y tế – Cao Minh Quang cũng đang vướng đến một số tài liệu có dính dấu “Mật”. Không biết dấu “Mật” này đang bảo vệ ai? Nếu nhân vật nấp sau dấu “Mật” ấy là người “phe ta” thì Nguyễn Phú Trọng sẽ không cho mở, còn nếu không thuộc thì chuyện mở dấu “Mật” là không khó. Đấy! Bản chất “đốt lò” của ông Trọng thực chất bên trong nó có lắm vấn đề để soi, nó không đẹp như báo chí tung hô./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://www.baoquocdan.org/…/that-bai-cua-vu-avg-nhung…

https://tienphong.vn/yeu-cau-giai-mat-tai-lieu-trong-vu…

- Quảng Cáo -