(Truyện ngắn của Chu Mộng Long. Phỏng theo Nguyễn Công Hoan)
Có công văn khẩn từ phủ đường xuống các sở, ban, ngành.
Nhằm tạo không khí phấn khởi, hào hứng, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần thể thao cho các vận động viên môn Bóng đá nước nhà, tuần phủ lệnh cho các sở, ban, ngành:
1) Huy động lực lượng cán bộ, công chức, viên chức (tối thiểu 10 người/đơn vị) dự xem truyền hình trực tiếp 2 trận chung kết môn bóng đá Nữ và Nam giữa An Nam và Xiêm La.
Thời gian: 19h ngày 21/5 (thứ Bảy) và 19h ngày 22/5 (Chủ nhật).
Địa điểm: Công viên Bách Thú.
2) Giao Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành đốc suất lực lượng tham dự nghiêm túc theo quy định.
Trước khi tập trung, cần diễn tập vỗ tay và phất cờ cho đều để quay phim.
Nay sức,
Tuần phủ Lê Đồng
***
Trưởng phòng giáo dục thừa lệnh Giám đốc sở đến tận nhà trẻ để điều động lực lượng.
Cô giáo nhăn nhó nói với Trưởng phòng:
– Thưa sếp, sếp làm phúc tha cho em. Cả tuần em đi sớm về muộn để chăm lũ trẻ. Cả ngày thứ bảy, chủ nhật cũng phải làm thêm, vì lương 3 củ một tháng không đủ sống. Chỉ có ban đêm là được ở nhà với chồng con. Tối thứ bảy, chủ nhật mà vắng nhà, chồng em nó đánh chết.
Trưởng phòng cau mặt, lắc đầu:
– Kệ cô. Theo lệnh trên, lần này cô được chọn trong số 10 cô giáo xinh đẹp làm bình phong…
– Xem và cổ vũ bóng đá thì ai xem và cổ vũ chẳng được, cần gì đến cô giáo xinh đẹp?
– Cô lên mà hỏi quan tuần phủ. Tôi chỉ biết làm theo lệnh. Mà quan phủ có thương cô thì mới chỉ định vậy. Cô không đi thì cô mất việc, mà tôi cũng mất chức…
Cô giáo nghe mất việc thì sợ đến đái trong quần. Trưởng phòng nhìn bộ dạng của cô giáo và nhắc:
– Nhớ khi đi mặc áo dài, bôi tí nước hoa cho thơm tho. Chứ mặc cái bộ đồ ở nhà trẻ mang mùi chua chua thủm thủm mà ngồi bên cạnh quan trên là viêm mũi quan đấy!
***
Chiều tối, Giám đốc sở đích thân đến nhà cô thư ký, nhưng cô thư ký đi vắng. Anh chồng pha trà và nhã nhặn mời, nhưng Giám đốc xua tay:
– Việc gấp. Không cần khách sáo. Tối thứ bảy và chủ nhật, vợ anh thuộc diện điều động đi xem và cổ vũ bóng đá. Có cơ hội đựợc ngồi bên cạnh các quan phủ đấy. Nhớ mặc áo dài. Mà phải mặc áo màu đỏ cho nó hên.
Anh chồng hoảng hốt, nhưng cố điềm tĩnh:
– Thưa sếp… hay là để em đi thay? Vợ em nó không mê bóng đá. Vả lại, con em còn nhỏ, tối ở nhà với em nó khóc dữ lắm!
– Ai bảo phải mê bóng đá mới làm cổ động viên? Đàn ông hết chỗ rồi, đã ưu tiên cho quan trên. Anh mà ngồi bên cạnh quan thì quan còn hứng đâu mà xem bóng đá?
– Dạ, xem bóng đá chứ có phải xem đàn bà đâu ạ? Vợ chồng em xem tại nhà. Nhà em nghèo nhưng cũng có tivi để xem…
– Anh tưởng quan phủ ta sắm màn hình to ở công viên cho chó nó xem à? Đài truyền hình vác máy đến nhà anh quay vợ chồng anh sút nhau? Anh tưởng quan trên xem bóng đá như cái bộ dạng cù lần của anh sao? Xem xong dân xuống đường đi bão thì quan cũng phải được hầu rượu mừng chiến thắng chứ chỉ vỗ tay là xong ư?
– Vậy thì em càng không thể cho vợ em đi được!
– Vậy thì từ tuần sau, vợ anh ở nhà với anh luôn nhé, không phải đi làm nữa…
– Dạ, sếp đã nói vậy thì em sẽ động viên vợ em đi.
– Nhớ đến sớm. Đến cái khu dành riêng cho quan lớn đấy. Cứ xem chỗ có bảng tên ghi danh và chức vụ của quan mà ngồi chen vào.
***
Chiều thứ bảy. Mới 16 giờ mà trời hậu giang tù và dậy rúc, phèng kêu la trống giục vang đồng… Tinh thần thể thao bừng bừng khí thế. Những chiếc dùi cui lùa dân một cách có trật tự vào vườn Bách Thú.
Trong vườn Bách Thú, một màn hình to đến mức tính chi phí phải thuộc mức dự án lớn bạc tỉ. Các quan đã ngồi trước màn hình chờ. Trước mặt các quan là bảng tên ghi rõ họ tên, chức vụ của từng quan. Cứ một ghế các quan là một ghế bên cạnh chừa trống. Chờ đến 19 giờ, khi truyền hình trực tiếp trận đấu bắt đầu thì các ghế trống vẫn trống. Quan tuần phủ gọi giám đốc sở và trưởng phòng đến mắng:
– Mẹ kiếp! Sao giờ này chưa thấy em nào?
Giám đốc sở gãi đầu:
– Em đến tận nhà từng nhân viên, nhưng vướng phải mấy anh chồng tỏ ra không muốn cho vợ đi.
Trưởng phòng thì ngứa ngáy toàn thân nên gãi luôn cả háng:
– Mấy cô giáo trẻ ngoài mặt thì chấp thuận, nhưng bên trong thì có vẻ thoái thác…
Quan tuần phủ chửi:
– Chỉ vui vẻ thôi, mà vui vẻ miễn phí, chứ ai làm đếch gì chúng đâu mà thoái thác? Xem và cổ vũ bóng đá là nhiệm vụ chính trị mà chúng dám coi thường à? Cứ tình hình này mà nói vận nước đang lên là lên cái con mẹ gì? Tối nay An Nam mà thua Xiêm La thì đuổi việc hết cho tôi!
Giám đốc sở nói:
– Nhỡ chúng phát đơn kiện tập thể thì sao ạ?
Trưởng phòng cũng nói:
– Công chức viên chức bây giờ hở chút là kiện tụng đấy ạ! Em sợ lắm!
Rất khí khái, quan tuần phủ phất tay phán luôn như một quan toà:
– Không hoàn thành nhiệm vụ chính trị thì đuổi việc hết, rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì…
————————-
Tinh thần thể thao (2)
(Chuyện của Chu Mộng Long. Vui cùng các cháu. Non fiction!)
Trước khi vào trận cầu chung kết, dân xứ An Nam Cực lạc quốc vừa mừng vừa lo. Bằng mọi giá phải thắng! Cái sự bằng mọi giá ấy là một thử thách và là áp lực đến căng thẳng…
Nhiều nơi làm đủ mọi cách để giảm áp lực.
Có ông già sơn đỏ toàn thân, phun sơn luôn lên chiếc xe máy để chờ chiến thắng thì xuống đường đi bão.
Có người tin phong thuỷ, lập ban thờ cầu phong, mong gió thổi ngược, đẩy bóng bay vào khung thành đối phương.
Các Phật tử có sáng kiến hay. Họ làm chiếc áo hình cái Lon to chà bá, màu đỏ rực bao quanh người, cắt hình vương miện in dòng chữ: “Thần Lon hiển linh, Mỹ Đình đại thắng”, rồi chễm chệ đứng trên ô tô mang biển “A di đà Phật” lăn bánh xuống đường cổ vũ.
Đám trẻ trâu xuống đường sớm vì sợ đội nhà bị thua thì mất cơ hội đi bão. Khẩu hiệu của chúng rất ấn tượng: Thái Lan tuổi Lon. Với khẩu hiệu này, Thái Lan chỉ còn bật ngửa cầu môn ra cho đội An Nam sút. Cực Lạc là đây chứ tìm đâu xa?
***
Kim đồng hồ dịch chuyển đến 19 giờ. Thằng con tôi hôm nay mặc áo đỏ, đứng nghiêm trang. Tôi hỏi: Sao con căng thẳng vậy? Nó không trả lời. Bài hát quốc ca vang lên. Nó hát theo. Lâu nay trận bóng nào nó cũng hát, nhưng hát nhỏ. Hôm nay nó tự tin hát rất to. Xong bài quốc ca, nó hát luôn bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Tôi hỏi: Ơ, bài này con phải chờ đội ta chiến thắng đã chứ? Nó nói: Hát trước để lấy hên!
Lòng yêu nước thường trực trong thằng bé. Không phải nghi ngờ. Tôi cầm mic hát karaoke, đóng vai phỏng vấn nó: Bạn nghĩ gì khi hát quốc ca? Nó nói như cái máy: Đường vinh quang xây xác quân thù. Trận này khó khăn nhưng quyết phải đạp lên xác chết của Thái Lan để tiến đến vinh quang!
Nghe nó nói mà tôi phát hoảng. Nhớ lại hình ảnh các fan trên kia, tôi khuyên nó: Con phải nhớ lời Bác dạy, thắng không kiêu, bại không nản. Ba thì nói giản dị thế này. Trong thể thao chỉ có vui. Thắng thua đều vui. Thắng không hạ nhục đối thủ. Thua không cay cú. Vậy mới là trưởng thành.
Thằng bé gật đầu. Nó hỏi: ba có yêu nước không? Hiển nhiên tôi trả lời: có! Nó hỏi: vậy ba mong đội nào thắng? Tôi cười: hiển nhiên mong đội ta thắng!
Hết hiệp một, hai đội hoà. Chính cái sự hoà mà giờ nghỉ giải lao căng như dây đàn. Trông mặt thằng bé như đứt hết các mạch máu. Tôi phải tìm cách thư giãn cho nó. Này con, “Thần Lon hiển linh” thì ba hiểu. Nhóm Phật tử dùng cái lon để cầu xui cho đội Thái Lan. Dân gian nói “Lon to thì lỗ lớn”. Cầu môn đội Thái như cái lon, khi Thần Lon mở to ra thì chỉ cần trận gió cầu phong, cộng với chân sút hay đội đầu của đội ta thì chỉ có hứng bóng. Nhưng sao lại nói Thái Lan tuổi lon? Tuổi thì theo con giáp. Trong 12 con giáp, có con nào tên Lon? Thằng bé bật cười: Ba học ba cái món tu từ của sách cổ lỗ sĩ nên chẳng hiểu đâu. Thái Lan viết tắt là TL. TL dịch ra là Tuổi Lon. Ý nói đội Thái Lan sinh ra vào năm tháng xui xẻo, đẳng cấp hạ tiện!
Ra thế! Bọn trẻ thật thông minh và sáng tạo. Cái món tu từ so sánh, nhân hoá gì đó trong sách ông Thuyết, ông Thống đều vô vị. Trẻ bây giờ chơi chữ và liên tưởng xa hơn, thú vị hơn mấy ông có bằng cấp chuyên gia ấy chứ.
Đến hiệp hai, không khí trận đấu càng căng thẳng. Đội ta đá nhanh, đá mạnh, đá vững chắc nhưng gần như bế tắc. Cơ chừng này mà đến hiệp phụ rồi đá luân lưu, nhỡ Thần Lon không hiển linh ở cầu môn Thái mà hiển linh ở cầu môn ta thì xui đến mức… nước mắt ngập lụt. Thậm chí sẽ có nhiều kẻ nhảy lầu mà không cần There’s no one at all của Sơn Tùng xúi dại. Thằng con tôi nín thở. Tôi cũng nghẹt thở. Đến gần cuối hiệp, Thần Lon hiển linh thật. Cầu môn Thái mở ra, Mạnh Dũng đội đầu, quả bóng bay thẳng vào góc chết. Đúng là vỡ oà! Bình luận viên gào lên đến khản giọng. Thằng con tôi nhảy tưng tưng như chính nó đội đầu. Nó gào lên! Tôi cũng gào lên! Nó khen: Xem ra ba cũng yêu nước như con!
***
Thường xem xong trận đấu, tôi không muốn nghe bình luận bình lẹo gì ở đám người nói phét. Nhưng hôm nay thì tôi xem cho đến hết chương trình. Phóng viên hỏi Huấn luyện viên: Ông nghĩ gì về chiến thắng của đội, trong đó có công của ông? Huấn luyện viên nói gọn: Tôi bị áp lực trong trận này. Tôi hiểu, ông lo trận này mà thua thì cái tượng đài là ông sẽ bị sụp đổ trong lòng fan An Nam Cực Lạc quốc. Ông sẽ bị chỉ trích là sai lầm, từ có công thành có tội. Một người có giáo dục như ông, ông hiểu, vinh quang của ông đã đến đỉnh, nên dừng lại ở đây. Và ông dừng lại thật! Nước mắt chia tay thật ngọt ngào! Tôi cũng rơi nước mắt…
Bỗng phóng viên dí mic vào mồm Mạnh Dũng: Khi đội đầu thủng cầu môn Thái, bạn nghĩ gì? Thấy cu cậu lúng túng, tôi phải bật cười. Cu cậu trả lời chẳng ăn nhập gì với câu hỏi. Nào đây là bàn thắng quý giá nhất sự nghiệp của tôi. Nào để bảo vệ HCV, toàn đội đã vượt qua rất nhiều khó khăn. Nào tôi xin tặng bàn thắng này cho tất cả người hâm mộ, những người đã ủng hộ đội An Nam trong suốt thời gian qua…
Giời ạ. Quả bóng từ chân cầu thủ đến đầu của Mạnh Dũng chỉ trong tí tắc mà nghĩ nhiều vậy thì thành Từ Hải làm trời trồng. Nếu đúng cái đầu Mạnh Dũng nghĩ gì khi đón bóng thì cũng đủ thời gian cho Thần Lon chuyển hướng về phía cầu môn ta. Tôi chửi: Mẹ nó, thằng phóng viên này tuổi lon! Cái miệng nó chỉ biết đi nhai, đứng ngậm, ngồi cười chứ không hề biết nghĩ trước khi hỏi…
Chu Mộng Long
Leave a Comment