Quảng Cáo

Chúa chổm ẩn mình

Quảng Cáo

 Đỗ Ngà

Năm 2021, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 2,9 triệu tỷ đồng tương đương 126 tỷ đô la, trong đó vốn khu vực Nhà nước đạt 714.000 tỷ đồng tương đương 31 tỷ đô la, khu vực ngoài Nhà nước đạt 1,7 triệu tỷ đồng tương đương 74 tỷ đô la, và khu vực FDI đạt 458.000 tỷ đồng tương đương 21 tỷ đô la.

Theo lời ông PGS.TS Vũ Sỹ Cường – kinh tế trưởng Viện Công nghệ và phát triển tài chính (Học viện Tài chính) thì khu vực tư nhân nợ 140% GDP. Với GDP Việt Nam năm 2021 là 290 tỷ đô la thì số nợ của khối tư nhân là 406 tỷ đô la. Một con số khủng khiếp.

Khối tư nhân của nền kinh tế Việt Nam đang có tổng số vốn là 74 tỷ đô nhưng nợ lên đến 406 tỷ đô. Tức nợ gấp 548% so với vốn. Đấy là chưa nói đến khối quốc doanh. Vậy thì các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam làm sao trả nợ đây? Vấn đề là khối tư nhân của nền kinh tế đang không còn vững mạnh nữa. Trong khi đó khối doanh nghiệp nhà nước thì cũng nợ như chúa chổm đồng thời làm ăn không hiệu quả.

Tổng vốn của khối FDI chỉ bằng 27% khối tư nhân và chỉ bằng 20% so với tổng vốn của khối tư nhân cộng với khối quốc doanh nhưng lại chiến đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Như vậy là nền kinh tế Việt Nam đang bám trụ khối ngoại FDI để đẩy tăng trưởng.

Tại sao các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam nợ như chúa chổm vậy? Doanh nghiệp này sẽ làm gì để trả nợ?

Vấn đề là thị trường vốn của Việt Nam đang méo mó. Có lỗ hổng để các doanh nghiệp dưới chuẩn vay dễ dàng mới xảy ra tỷ trọng nợ trên vốn lớn như vậy. Như bài trước tôi đã phân tích, cửa mở cho những doanh nghiệp “dưới chuẩn” phát hành trái phiếu hốt tiền nhà đầu từ là một phần nguyên nhân không nhỏ gây nên. Có doanh nghiệp phát hành trái phiếu vay từ 10 đến 40 lần vốn chủ sở hữu. Được biết, trong quý I năm nay hết 50,98% doanh nghiệp phát hành là doanh nghiệp bất động sản, và 18,87% là doanh nghiệp ngành xây dựng. Tổng cộng 2 loại doanh nghiệp này chiếm gần 70% nguồn vốn huy động từ việc phát hành trái phiếu.

Để có tiền trả nợ, nhóm doanh nghiệp bất động sản đã lũng đoạn thị trường tạo ra hiện tượng tăng giá ảo. Mục đích là tống hàng hốt tiền trả nợ. Vì vậy để cho nguồn vốn xã hội chảy vào bất động sản nhiều quá sẽ gây ra hệ lụy như thế. Nền kinh tế rất èo uột nhưng con số tăng trưởng thì rất đẹp, chính giá bất động sản bị thổi ấy được tính vào GDP.

Doanh nghiệp yếu mà nợ nhiều thì tất nhiên rủi ro cao cho thị trường vốn. Chính thị trường vốn của Việt Nam một thời gian dài đã dung túng cho tình trạng ấy. Nguyên nhân là do nhóm lợi ích ngành chứng khoán gây ra. Đây là mối nguy khôn lường, nếu hàng loạt doanh nghiệp không có khả năng trả nợ thì thị trường vốn sẽ sụp đổ, lúc đó nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Như tôi đã nói, thị trường vốn Việt Nam đang yếu ở hạ tầng pháp lý, yếu ở con người điều hành (thiếu tính chuyên nghiệp) và tất nhiên là thiếu tính minh bạch. Ngày 19/5 Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn có cho biết, nhà nước này đang hoàn thiện ‘hạ tầng’ pháp lý cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. “Mất bò mới lo làm chuồng”, để đến bây giờ khi mà những Tân Hoàng Minh, FLC làm tanh bành thị trường vốn mới lo hoàn thiện hạ tầng pháp lý thì bó tay. Quá chậm rồi, chỉ có vá chứ chữa sao được?

Nếu làm tốt từ đầu thì đã không có những Trịnh Văn Quyết, những Đỗ Anh Dũng vv… Điều đáng nói là Trịnh Văn Quyết, những Đỗ Anh Dũng chỉ là phần nổi của tảng băng. Phần chìm còn kinh khủng hơn. Một khi hạ tầng pháp lý kém thì phải lọt lưới hàng loạt chứ đâu thể chỉ có 2 người? Vì thế việc bắt Trịnh Văn Quyết, những Đỗ Anh Dũng chỉ là bắt vài con dê ra tế để hy vọng bọn dê khác không theo lối cũ.

Được biết, cho tới nay các trái chủ của Tân Hoàng Minh vẫn chưa nhận được đồng nào tiền hoàn trả của doanh nghiệp, mặc dù là Tân Hoàng Minh đã cam kết. Mới đây báo chí cho biết, Tân Hoàng Minh đang nợ 183 tỷ đồng tiền thuế. Chỉ có 183 tỷ còn chây lì thì không biết với 10.300 tỷ đồng của trái chủ Tân Hoàng Minh thanh toán sao đây? Khó thật!

Có thể nói rằng, khối doanh nghiệp tư nhân nợ đến 548% so với vốn thì bên trong thị trường vốn Việt Nam đang còn rất nhiều “Tân Hoàng Minh” khác đang ẩn nấp trong đó. Vậy nên, nền kinh tế Việt Nam đang rất mong manh, thị trường vốn của Việt Nam rất rủi ro. Thị trường vốn Việt Nam hiện nay chỉ là một ung nhọt chưa vỡ mà thôi./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://www.vietnamplus.vn/von-dau-tu-toan-xa…/754700.vnp

https://tuoitre.vn/no-khu-vuc-tu-nhan-tuong-duong-140-gdp…

https://tradingeconomics.com/vietnam/gdp

https://thanhnien.vn/sau-vu-tan-hoang-minh-nhieu-doanh…

https://thesaigontimes.vn/hoan-thien-ha-tang-phap-ly-cho…/

https://thanhnien.vn/nhom-cong-ty-tan-hoang-minh-no-thue…

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux