Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường. Mỹ cũng đưa ra những tiêu chuẩn cơ bản để Việt Nam thực hiện, tuy nhiên đã qua nhiều năm mà ĐCS vẫn không thể thực hiện được. Nguyên nhân là do đâu? Do Nhà nước CS luôn can thiệp quá sâu vào thị trường và duy trì sự thiếu minh bạch trong quản lý kinh tế.
Cũng bởi sự thiếu minh bạch mà các doanh nghiệp phải mất chi phí rất lớn để “bôi trơn” thì dự án mới chạy được. Đây là những chi phí vô hình buộc chủ đầu tư phải nâng cao giá bán bằng mọi cách để bù đắp lại những gì mà họ đã bỏ ra.
Đặc trưng của hệ thống chính quyền Việt Nam là lương cho quan chức là loại lương chết đói, nhưng quan chức CS thì rất giàu. Quan nào cũng có nhà lớn xe sang và thậm chí còn dư giả đến mức cho con học nước ngoài, mua nhà nước ngoài, mua quốc tịch nước ngoài. Mới đây, Công an tỉnh Quảng Ninh bắt cựu Chủ tịch TP. Hạ Long, kèm theo lệnh bắt là niêm phong 4 xe hơi hạng sang trị giá đến 20 tỷ đồng. Đấy là những đồng tiền được hút từ các dự án mà ra. Chính nó đẩy chi phí vô hình lên cao ngất.
Khi doanh nghiệp bất động sản làm ra sản phẩm với chi phí lớn, nếu không đẩy cho giá BĐS tăng cao thì làm sao có lợi nhuận để trả vốn vay? Vì thế nên mới xảy ra hiện tượng gôm hàng, ém hàng và tạo giá xong đẩy hàng để kiếm lời cao. Đấy là một dạng thao túng thị trường, nó còn hơn cả đầu cơ. Hiện tượng gôm và ém nó tạo ra nguồn cung thiếu một cách giả tạo, và chỉ cần vài dịch vụ giao dịch mang tính cò mồi là thị trường sẽ lên cơn sốt. Nếu luật pháp chặt chẽ, cơ chế vận hành của thị trường thật sự minh bạch thì những trò đó làm sao có đất sống?
Với thị trường chứng khoán thì sự thiếu minh bạch càng nguy hiểm. Chính sự thiếu minh bạch mà nhiều nhà đầu tư bỏ tiền ra ôm nhầm cổ phiếu rủi ro cao mà cứ tưởng là loại cổ phiếu tốt. Nếu ôm nhầm bất động sản bạn còn có thể bán tháo và vớt vát được, nhưng nếu ôm nhầm trái phiếu và cổ phiếu thì có nguy cơ thành đống giấy lộn vô giá trị. Được biết, hầu hết các báo cáo tài chính ở các doanh nghiệp Việt Nam đều là dối trá để đánh lừa nhà đầu tư. Rất nhiều doanh nghiệp lên sàn khi bị kiểm toán lại thì kết quả từ khả quan thành bi quan. Nếu môi trường kinh doanh minh bạch thì những kiểu báo cáo tài chính như thế này làm sao tồn tại được?
Sự chuyên nghiệp nó chỉ tồn tại trong môi trường thực sự minh bạch. Làm việc có trách nhiệm, trình độ chuyên môn cao, và đạo đức nghề nghiệp tốt thì đó là sự chuyên nghiệp. Với những con người ưa vòi vĩnh, thích hối lộ, thích làm gian coi nhẹ chuyên môn thì đấy không thể là chuyên nghiệp. Vì vậy, khi môi trường kinh doanh chưa xây dựng được tính minh bạch thì sự chuyên nghiệp khó có chỗ đứng. Thị trường bất động sản và thị trường vốn ở Việt Nam hiện nay vừa thiếu tính minh bạch vừa thiếu tính chuyên nghiệp cho nên tính bền vững rất kém.
Cái gọi là Kinh tế Thị trường Định hướng XHCN về bản chất là sự can thiệp quá sâu của yếu tố nhà nước. Mục đích là để trục lợi cho bộ máy, trục lợi cho quan chức. Mà muốn trục lợi tốt thì phải duy trì sự thiếu minh bạch. Đấy là bản chất vấn đề. Tại sao bao nhiêu năm mà ĐCS chỉ đi năn nỉ EU và Mỹ thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường chứ không chỉnh sửa làm sao để thỏa điều kiện mà Mỹ và EU đưa ra?
Nhìn thị trường BĐS của Việt Nam, giá nhà cao vời vợi so với mức thu nhập trung bình của người dân. Hiện giá bất động sản trung bình ở Việt Nam gấp khoảng 30 lần thu nhập bình quân của người dân, cao thuộc loại top đầu thế giới; trong khi ở Thái Lan là 6,3 lần, ở Singapore là 5,2 lần. Môi trường càng minh bạch, người dân càng tiếp cận gần hơn với nhu cầu nhà ở.
Tôi để ý, chuyến đi Mỹ của ông Phạm Minh Chính mấy ngày qua chủ yếu là cầu cứu Mỹ giúp đỡ chính quyền CS xây dựng thị trường vốn và thị trường BĐS minh bạch và chuyên nghiệp. Ông Chính đã gặp rất nhiều nhân vật lớn ở Mỹ như: Bộ trưởng Bộ tài Chính Mỹ Janet Yellen, Bộ trưởng Bộ Thương Mại Gina Raimondo, gặp Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai, gặp Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư Kohlberg Kravis Robert (KKR) – ông Joseph Bae, gặp Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn VISA – ông Al Kelly, điện đàm với Phó Tổng giám đốc IMF. Gặp tổng cộng 6 người, với mục đích là muốn xây dựng thị trường tài chính minh bạch và chuyên nghiệp hơn.
Những gì ông Phạm Minh Chính làm là rất cần thiết, tuy nhiên, đó chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ. Điều kiện đủ là giảm bớt sự can thiệp của nhà nước vào thị trường và không được đặt quyền lợi của đảng và đảng viên lên trên hết, cần phải đặt chất lượng của nền kinh tế lên trên tất cả mọi quyền lợi. Khi đó ĐCS mới xây dựng được một thị trường vốn và thị trường BĐS thực sự minh bạch và phát triển bền vững. Nhưng xem ra, ĐCS khó thực hiện được điều kiện đủ, nguyên nhân cũng chỉ vì chữ “quyền lợi”./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://tuoitre.vn/nhieu-doanh-nghiep-chuyen-tu-lai-sang…
Leave a Comment