nguyenngocgia – RFA
Dù muốn dù không, dù yêu mến hay coi thường, vẫn phải chấp nhận và công nhận, các lãnh đạo cấp cao và cấp cao nhứt của nhà cầm quyền CSVN là những người mang đầy đủ tính ĐẠI DIỆN cho người dân Việt Nam, theo khoản 1 điều 2 Hiến Pháp quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.
Thay vì báo động, đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh cáo, đối với cấp lãnh đạo cao cấp và cấp cao nhứt của nhà cầm quyền CSVN, về cách xuất hiện của họ trước dư luận trong và ngoài nước.
Hình ảnh đương kim Thủ tướng Phạm Minh Chính xuất hiện trong Hội nghị cấp cao giữa Asean và Hoa Kỳ, đang dấy lên những cười cợt và chê bai, trước bàn dân thiên hạ. Đặc biệt, lời phát ngôn “Rõ ràng, sòng phẳng. Mẹ nó. Sợ gì” của ông Chính khiến người ta ngỡ ngàng, bàng hoàng và chết lặng đôi giây, trước khi bật ra vô số lời sỉ vả, cười cợt. Dù hoàn cảnh để ông Chính phát ngôn mang đậm chất “giang hồ”, không phải xảy ra trong cuộc gặp chính thức giữa các nguyên thủ quốc tế hay trả lời phỏng vấn báo chí nhưng người dân không thể phớt lờ, bởi ông Chính nói riêng và hầu hết những lãnh đạo cấp cao và cấp cao nhứt, họ dường như không ý thức được: Họ là ai – Họ đang ở đâu – Họ đang làm gì. Điều này có nghĩa: Họ đang đại diện cho hàng chục triệu người Việt Nam chứ không phải họ xuất hiện với tư cách cá nhân – Họ không phải đang ở nhà riêng – Họ đang giao thiệp/giao tế/giao đãi trước công chúng và trước thế giới.
Dường như vô cùng hiếm hoi, người Việt Nam may mắn được nhìn thấy những hình ảnh lịch lãm – văn minh, với lời ăn tiếng nói có chiều sâu tâm hồn và bề dày tri thức tích lũy theo thời gian từng trải, từ các lãnh đạo cao cấp và cấp cao nhứt của nhà cầm quyền CSVN, để (may ra) nở mặt nở mày với thế giới. Thay vào đó, người Việt Nam hầu như chỉ nhận lấy sự ê chề và nhục nhã, vốn dĩ không đáng phải nhận lãnh, trong cách nhìn của quốc tế, như là một dân tộc có mức độ văn minh ở mức dưới trung bình.
Dư luận vẫn chưa quên những hình ảnh và hành vi xấu xí, quê mùa và đua đòi của những lãnh đạo cấp cao và cấp cao nhứt, đã từng xảy ra trước đây, như:
– Cựu Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân, khi đón tiếp cựu Tổng thống Hoa Kỳ Obama đi thăm “ao cá bác Hồ”, rồi mời ông Obama cùng rải thức ăn cho cá. Bốc vài miếng cho có lệ, bà Ngân lẹ tay và gọn gàng – không hề thua kém một phụ nữ dân quê chuyên nghề nuôi và bán cá – bằng cách hất cả rổ thức ăn xuống ao, trước tiếng ồ lên ngạc nhiên pha lẫn sự khó hiểu từ ông Obama (!).
– Đương kim Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm há miệng đớp lấy miếng bò nạm vàng, tại một nhà hàng ở Anh quốc, trước sự hiếu kỳ của Chánh Văn phòng Bộ Công an – Tô Ân Xô quay clip trong vẻ thích thú và tò mò, với cách ăn độc đáo bằng một ngọn dao dài, bén ngót chĩa thẳng tới tận họng (!) Bữa ăn lên đến hàng chục triệu đồng, diễn ra ngay xứ sương mù. Trong không gian ấm cúng và sang trọng, có vẻ làm cho ông Lâm và tùy tùng quên phứt hàng triệu người dân đang đói khổ vì dịch bịnh hoành hành dữ dội, hồi tháng Mười Một năm ngoái.
– Cựu Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trình diễn màn múa, như một kỹ nữ thời phong kiến, vốn nhằm mua vui cho vua chúa ngày xưa. Cho nên, bà Phóng biểu diễn cho riêng các đồng chí của bà ta, nhân dịp nghỉ hưu là một cách học đòi những tàn dư quá ư lạc hậu, trong tư cách những người Cộng Sản, vốn mục tiêu của họ là “đả thực – bài phong” từ thuở Hồ Chí Minh lôi kéo quần chúng đi “cướp chính quyền” cách đây gần 80 năm về trước. Sự việc bà Phóng múa may đáng đề cập, bởi nó được đài truyền hình quốc gia quay lại, như ghi nhận “tài lẻ” của một chính trị gia chuyên nghiệp (chắc nhằm mục đích khoe với dân chúng chăng?). Với thân hình không có mức độ nào so sánh nổi với vũ công, dù nghiệp dư hay chuyên nghiệp, bà Phóng dù sao cũng tỏ ra rất cố gắng mềm mại và uyển chuyển như… một con búp bê tròn trĩnh, phốp pháp mà trẻ con thường yêu thích.
Trước khi thực hiện cái gọi là “đổi mới”, hầu hết các lãnh đạo cấp cao và cấp cao nhứt của nhà cầm quyền CSVN, luôn xuất hiện trong bộ dạng cứng ngắc, gò bó, nghiêm trang và có phần khệnh khạng như những quan văn – quan võ; quan phủ – quan huyện thời phong kiến. Có lẽ nhằm để giữ hình ảnh tôn nghiêm – bề thế trong mắt quần chúng (?). Dù là như vậy, những hình ảnh đó đã hoàn toàn lỗi thời. Có vẻ như hậu duệ kế thừa ở các chức vụ cao và cao nhứt, trong bộ máy độc đảng toàn trị, cũng nhận biết rõ như vậy.
Dĩ nhiên, nhìn nhận thực tại trong thế giới ngày càng thay đổi rất nhanh và rất mạnh, để chối từ những hình ảnh cũ mòn – lạc hậu là điều rất tốt. Tuy nhiên, tư tưởng luôn dẫn dắt hành động. Ông bà xưa để lại câu tục ngữ “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Tất cả đều phải học, nhứt là khi mang tính ĐẠI DIỆN cho quốc gia, càng phải học. Điều này không phải là sự đua đòi hay khoe mẽ, mà phải học đúng để hội nhập với thế giới. Đó không phải là điều mà nhà cầm quyền CSVN cố gắng thực hiện với quyết tâm cao độ đó sao?
Vâng! Hội nhập cho chính chế độ này thích nghi, để tồn tại là điều không có gì bàn cãi. Vấn đề nằm ở chỗ, hầu hết họ học không ra và học không tới.
Đối với phụ nữ, các lãnh đạo cấp cao và cấp cao nhứt của nhà cầm quyền CSVN thường thích chưng diện những bộ cánh lòe loẹt, dù mang dáng vóc áo dài Việt Nam nhưng khá lố lăng, bởi họ không chịu nhìn nhận, bản thân họ không phải là người mẫu chuyên nghiệp với eo co đúng chuẩn, họ cũng không còn là cô gái tuổi xuân thì, mà lại thích “đơm bông kết lá” sặc sỡ, như một con két đủ màu. Sự diêm dúa không làm cho những nữ lãnh đạo sang trọng hơn mà nghiêng về nghệ thuật… tuồng cổ (!). Không những thế, họ dễ bị quyến rũ và sa vào “mê hồn trận” quần áo lụa là, bởi những nhà tạo mẫu chuyên nghiệp với danh tiếng lâu năm trong nghề nhưng họ quên mất, họ đang là ĐẠI DIỆN cho dáng vóc và tri thức người phụ nữ Việt Nam (!) Họ cũng quên béng đi, nhà tạo mẫu chuyên nghiệp, càng danh tiếng họ càng muốn phô trương ý tưởng bằng những “mẫu mới lạ” nhưng “rất kỳ cục”, đối với một người đàn bà có tuổi tác đã đi qua gần hết con dốc cuộc đời.
Đối với nam nhân, các lãnh đạo cấp cao và cấp cao nhứt của nhà cầm quyền CSVN tuy không đặt nặng phần quần áo nhưng sự xuất hiện của họ lại không kém phần lố bịch. Điển hình, đa số các ông hay mang vớ không đủ dài để che toàn bộ phân cẳng chân, nên khi ngồi xuống, dễ dàng lòi ra phần da… thiếu vớ, khiến người ta dễ cảm nhận, họ không khác mấy so với những nông dân chơn chất, lần đầu làm quen với … đồ Tây. Thậm chí, có khá nhiều ông, ngồi vắt chân “chữ ngũ” (không phải tréo mẩy) trong cung cách như của một “bang chủ” khi tiếp khách. Đặc biệt nhứt, hàm răng của họ, dường như lâu lắm rồi không được… chăm sóc. Cho nên, khi họ mở miệng cười – nói, khiến người đối diện có đôi phần ngại ngùng và “dễ xa nhau lắm”.
Vẻ bề ngoài không phải là điều quyết định nhưng nó là cái bắt đầu. Tạo thiện cảm với cái nhìn trân trọng từ người đối diện, là điều mà các lãnh đạo cấp cao và cấp cao nhứt của nhà cầm quyền CSVN, tỏ ra quá vô tâm.
Các trợ lý – cố vấn của các lãnh đạo cấp cao và cấp cao nhứt của nhà cầm quyền CSVN, dường như chỉ là đầu sai, hơn là người tư vấn chuyên nghiệp trong nhiều vấn đề liên quan đến vẻ xuất hiện lịch lãm – văn minh cho “sếp” cùng với cung cách “ăn nói”, kể cả hành vi – cử chỉ, sao cho bớt đi chất “võ biền”. Cũng có khi, những vị trợ lý – cố vấn biết nhưng không thể nói và không dám nói cũng nên! Nghĩ cũng tội cho những danh phận này, khi làm việc trong chế độ độc đảng toàn trị, bởi chỉ cần nhắc khéo “sếp” cũng dễ dàng mang tội “khi quân” (!) Thế cho nên, trông chờ những bài diễn văn sáo rỗng, nhàm chán và đầy thói đạo đức giả được “thay da đổi thịt”, gây xôn xao diễn đàn thế giới với những ý tưởng mới lạ là điều quá viển vông! Vì vậy, chính trường ở xứ thiên đàng vẫn là mảnh đất màu mỡ cho “nịnh thần” xuất hiện dày đặc, hơn là nhìn thấy những “tôi trung” dù là “ngu trung”!
“Mẹ nó”, “mẹ nó” làm sao?
Đi ra thế giới vác dao tầm gì?
Tầm ngưu? Tầm mã? Tầm tình?
Tầm huynh, tầm đệ kết tình thâm giao
Bạn bè hoảng hốt chạy mau
Ta về đóng cửa sửa sang phần… người
Giá như, các lãnh đạo cấp cao và cấp cao nhứt của nhà cầm quyền CSVN chỉ là những thường dân, có lẽ bài này không có lý do để viết ra.
Leave a Comment