Mai Lan (VNTB)
Việc tăng học phí này có thể giúp các trường cân đối nguồn thu để tổ chức các hoạt động đó bên cạnh việc xã hội hóa giáo dục.
Một nghị định được phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành cho phép tăng học phí trường công lập theo mức tối đa 15%/năm.
Theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, thì, “Giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được điều chỉnh theo lộ trình phù hợp tương xứng với chất lượng dịch vụ giáo dục, đào tạo nhưng tỷ lệ tăng mức giá dịch vụ không quá 15%/năm” – trích điều 5.2.
Điều 9.2 ghi:
Khung học phí năm học 2022 – 2023
- a) Khung học phí (mức sàn – mức trần) đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên như sau:
Đơn vị: nghìn đồng/học sinh/tháng
Vùng
Năm học 2022 – 2023
Mầm non
Tiểu học
Trung học cơ sở
Trung học phổ thông
Thành thị
Từ 300 đến 540
Từ 300 đến 540
Từ 300 đến 650
Từ 300 đến 650
Nông thôn
Từ 100 đến 220
Từ 100 đến 220
Từ 100 đến 270
Từ 200 đến 330
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Từ 50 đến 110
Từ 50 đến 110
Từ 50 đến 170
Từ 100 đến 220
Từ căn cứ pháp lý trên, theo dự thảo về chuyện tăng học phí do Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đang đưa ra lấy ý kiến, thì ở bậc mầm non, trẻ thuộc địa bàn các quận tại TP.HCM lớp nhà trẻ sẽ nâng học phí từ 200.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng, mức tăng 100.000 đồng/học sinh/tháng; trẻ thuộc các huyện ở TP.HCM thuộc nhóm nhà trẻ giữ nguyên mức học phí 120.000 đồng/học sinh/tháng; trẻ ở các quận TP.HCM các lớp mẫu giáo sẽ tăng học phí từ 160.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng, tức tăng 140.000 đồng/học sinh/tháng; trẻ mẫu giáo ở các huyện thuộc TP.HCM sẽ giữ nguyên mức học phí 100.000 đồng/học sinh/tháng, không tăng.
Dự thảo cũng đưa ra mức học phí dự kiến hỗ trợ tiền đóng học phí cho học sinh tiểu học thuộc các quận và TP Thủ Đức là 300.000 đồng/học sinh/tháng đối với các học sinh đang học tại các trường tư thục trên địa bàn chưa đủ trường công lập và những đối tượng thuộc đối tượng được miễn giảm học phí theo quy định.
Và mức hỗ trợ dự kiến tương tự cho học sinh tiểu học thuộc các huyện tại TP.HCM là 100.000 đồng/học sinh/tháng.
Ở bậc trung học cơ sở, học sinh bậc trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên trung học cơ sở ở các quận sẽ đóng mức học phí từ 60.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 5 lần so với trước; học sinh bậc trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên trung học cơ sở thuộc các huyện tại TP.HCM đóng học phí từ 30.000 đồng/học sinh/tháng lên 70.000 đồng/tháng/học sinh, tăng 40.000 đồng/học sinh/tháng.
Ở bậc trung học phổ thông, học sinh thuộc các quận TP.HCM bậc trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên trung học phổ thông sẽ tăng từ 120.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng; học sinh thuộc các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ bậc trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên trung học phổ thông sẽ tăng học phí từ 100.000 đồng/học sinh/tháng lên 200.000 đồng/học sinh/tháng, tăng 100.000 đồng/học sinh/tháng.
Theo văn bản giải trình về đề xuất tăng học phí như trên, phía Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM nêu nguyên nhân từ ba vấn đề. Thứ nhất là thêm nguồn tiền để cải cách tiền lương cho giáo viên, phục vụ lộ trình tăng lương cơ bản vùng của giáo viên. Thứ hai nhằm tăng phần tự chủ của các trường, và thứ ba là phục vụ chương trình mới giúp trường tổ chức các hoạt động giáo dục.
Theo đó, nhà trường được giữ lại 40% học phí để làm nguồn cải cách tiền lương cho giáo viên, phần còn lại để hỗ trợ các hoạt động của trường. Yêu cầu của chương trình mới ngày càng cao hơn nên việc tăng học phí này có thể giúp các trường cân đối nguồn thu để tổ chức các hoạt động đó bên cạnh việc xã hội hóa giáo dục.
So với khung tại Nghị định 81/2021, thì học phí dự kiến của TP.HCM ở mức sàn, là mức thu thấp nhất. Tuy nhiên, so với học phí của các năm học trước, mức thu học phí mới dự kiến tăng cao gấp 5 lần.
Ghi nhận phản ứng ban đầu của phụ huynh trước tin tức tăng giá học phí:
– “Rất là ngạc nhiên, vì từ xưa đến nay, từ đông sang tây, đã gọi là trường công lập thì hoàn toàn không phải đóng bất cứ khoản phí nào”
– “Nhìn các nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông miễn phí xong nhìn lại nước ta thấy nhói lòng”
– “Thành phố với tiềm năng kinh tế hãy tiến tới miễn học phí để khuyến khích các em học tập sau này xây dựng phát triển thành phố tốt đẹp hơn”
– “Bình thường bây giờ phụ huynh đã gánh rất nhiều loại phí cao hơn cả tiền học phí, bây giờ tăng học phí thì càng thêm gánh nặng”
– “Dù dịch bệnh đã qua nhưng thời điểm ‘giá’ như hiện nay học phí dù tăng thêm ít cũng phải cân nhắc, chứ tăng nhiều như vậy rất khó cho phụ huynh. Mỗi tháng tăng lên một ít góp phần làm cho các loại chi phí của mỗi gia đình tăng lên rất nhiều”…/.
Leave a Comment