Cuối tuần vừa qua, bộ phận quản trị kênh của Bộ Ngoại giao Mỹ trên YouTube đã gỡ video clip dài khoảng năm phút ghi lại cuộc trò chuyện hết sức… “cởi mở” giữa ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Việt Nam – với tùy tùng, trong khi họ cùng chờ hội kiến với ông Antony Blinken – Ngoại trưởng Mỹ (1). Đó có lẽ là kết quả… “giao thiệp” giữa những viên chức hữu trách trong lĩnh vực ngoại giao của Việt Nam với những viên chức hữu trách trong lĩnh vực ngoại giao của Mỹ.
Sau khi được giới thiệu trên YouTube và một số cơ quan truyền thông ở bên ngoài Việt Nam (2), video clip vừa đề cập đã khuấy động mạng xã hội, đặc biệt là mạng xã hội Việt ngữ vì người Việt ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam có thể lĩnh hội trọn vẹn ý nghĩa của những tuyên bố như: “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!”, hay việc các viên chức khác trong phái đoàn Việt Nam, người thì gọi đối tác – chính quyền sở tại là “nó”, người thì gọi một vài viên chức cụ thể của đối tác là… “thằng”…
Chuyện đánh giá tâm thế, tư thế, bản chất, nhận định hay – dở, đúng – sai của những… “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!”, hay… “nó”, hoặc… “thằng” có lẽ nên dành cho các chuyên gia về phân tâm học hoặc về nghi lễ ngoại giao,… Từ sự kiện ngẫu nhiên nhưng gây ấn tượng vừa mạnh, vừa sâu như vừa biết, kẻ viết bài này chỉ muốn so sánh một chút giữa “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!” với những gì đã xảy ra trên thực tế xoay quanh chuyện ông Chính và tùy tùng đến Washington D.C tuần trước…
***
Ngày 14/5/2022, các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam đồng loạt đưa tin “Thủ tướng Phạm Minh Chính ‘tiếp’ Ngoại trưởng Mỹ” hôm 13/5/2022, tuy nhiên video clip đã đề cập lại cho thấy, rõ ràng ông Chính và tùy tùng chờ gặp Ngoại trưởng Mỹ, chứ không phải chủ động đón Ngoại trưởng Mỹ đến gặp họ, thành ra phần lớn cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam đã… chủ động… sửa ‘tiếp’… thành… “gặp” (3) dù đường dẫn tin Thủ tướng “tiếp” vẫn còn vết trên Internet (4).
Với hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam thì tưng bừng tuyên truyền, rồi âm thầm sửa chữa, điều chỉnh là… bình thường. “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!”.
Trước đó một ngày (12/5/2022), khi gặp gỡ doanh giới Mỹ do Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC) và Phòng Thương mại Mỹ (USCC) tổ chức, ông Chính tuyên bố: “Tôi sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới về kinh tế Việt Nam, về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam!” (5). Song khi tường thuật về cuộc gặp gỡ này, các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam chủ động cắt bỏ chuyện ông Chính sẵn sàng đối thoại với bất kỳ ai trên thế giới… “về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam!”.
Vì sao dân chúng Việt Nam chỉ có quyền biết ông Chính “sẵn sàng đối thoại với bất cứ ai trên thế giới về kinh tế Việt Nam” (6) mà không có quyền biết khi ở bên ngoài Việt Nam, ông còn “sẵn sàng đối thoại về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam!”?
Đó có phải là “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!”? Và… “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!” đó liệu có liên quan gì đến một “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!” khác?
Đúng vào lúc ông Chính và tùy tùng lên đường sang Mỹ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN – Mỹ, chính quyền Việt Nam cho phép bà Trần Thị Thúy được xuất cảnh sang Mỹ. Bà Thúy từng bị phạt tám năm tù vì “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và đã mãn hạn tù vào năm 2018. Ngoài bà Thúy, chính quyền Việt Nam còn tống xuất ông Hồ Đức Hòa – một công dân Việt Nam khác đang thi hành bản án 13 năm tù cũng vì “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” bằng hình thức bất bạo động, thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình” (7) .
Khoan bàn đến chuyện có bao nhiêu quốc gia trên thế giới xem việc vận động thay đổi chính quyền “bằng hình thức bất bạo động” và “hòa bình” là tội phạm hình sự và vì sao thiên hạ xem bà Thúy, ông Hòa là tù nhân lương tâm, chỉ cần lưu ý đến chuyện, theo luật hình sự Việt Nam, ông Hòa là người phạm tội “đặc biệt nghiêm trọng” (bị truy tố theo khung hình phạt từ 15 năm tù trở lên đến chung thân hoặc tử hình) và đang thi hành bản án có hiệu lực pháp luật…
Ông Hòa không được “ân xá” hay “đại xá” thì tại sao chính quyền Việt Nam lại thả và tống xuất ông qua Mỹ? Tại sao luật pháp Việt Nam lại có thể… co giãn như thế? Tại sao chính quyền Việt Nam không màng đến việc bị chê bai, chỉ trích vì đem những công dân Việt Nam được thiên hạ xem là tù nhân lương tâm ra đổi chác (8)? Khi luật pháp có thể… co giãn như thế thì lấy gì làm nền tảng xây… “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”? Đó là hệ quả của lối tư duy, hành xử theo kiểu “Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!”?
“Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!” kiểu đó có phải là nguyên nhân khiến chính quyền Việt Nam khác biệt với đa số thuộc phần còn lại của nhân loại. Trước đã thế, giờ cũng vậy, đa số thuộc phần còn lại của nhân loại vẫn tiếp tục hối thúc chính quyền Việt Nam tuân thủ các cam kết với cộng đồng quốc tế về tôn trọng dân chủ, thăng tiến nhân quyền (9). Tuy nhiên chính quyền Việt Nam vừa lờ đi, vừa kêu gọi “xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia”.
Thiên hạ có tin chính quyền Việt Nam thành tâm, thiện ý khi đề nghị “xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia” nhưng tại Việt Nam, chính quyền Việt Nam không những không bận tâm đến việc “xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin” với đồng bào của họ mà còn xem việc vận động thay đổi chính quyền “bằng hình thức bất bạo động”, các diễn biến nhằm chuyển đổi nhận thức, hành vi một cách hòa bình đều là… “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”?
“Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!” dường như là một hình thức ám thị, không cần bận tâm thiên hạ nghĩ gì, không cần nghe thiên hạ nói gì và không sợ thiên hạ thấy gì, chỉ cần tìm dịp bày tỏ với “nó” và bất kỳ “thằng” nào vô số… “mong muốn” kiểu như: Mỹ tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ và hợp tác với Việt Nam trong những lĩnh vực mà Mỹ có thế mạnh, Việt Nam đang có tiềm năng và nhu cầu như phòng chống dịch bệnh, chuyển đổi số, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chống biến đổi khí hậu, đào tạo nguồn nhân lực (10).
“Rõ ràng, sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì đâu!” quả là… khó bình và khó tả!
Chú thích
(7) https://vietnamnet.vn/xet-xu-14-doi-tuong-am-muu-lat-do-chinh-quyen-104632.html
Leave a Comment