Không gian, bối cảnh và nhân vật trong truyện của Võ Hồng thường rất nhỏ bé và thân thuộc. Ông hay viết về những tỉnh lỵ nghèo nàn, những xóm quê heo hút (xác xơ) và những nông dân quê mùa, chân chất, hiền lành, lam lũ. Đa phần, họ đều thân thiện và gần gũi với chúng ta – kể cả kẻ bị bệnh nan y và buộc phải sống cách ly.
Hoạt là một trong những người không may như thế. Hoàn cảnh gia đình khiến anh chỉ được theo học đến lớp tư trường làng, rồi phải ở nhà phụ giúp mẹ cha trong việc mưu sinh.
“Sau đó chừng bốn năm năm, một hôm không nhớ đang nói chuyện gì bỗng một người nhắc đến Hoạt. Giọng nói đang to bỗng chợt nhỏ đi, thì thầm như một tâm sự:
- … nó bị phung.
- “Không ai chuẩn bị để nghe tin đó nên ai nấy đều có cảm tưởng mình vừa rùng mình. Chừng như người ta có quyền mắc một trăm thứ bệnh khác, điều đó không khiến ai ngạc nhiên, chứ bệnh phung thì không thể tưởng tượng được.
- Cha nó phải dựng một cái chòi ở giữa đám dưa hấu ngoài soi để giấu nó ngoài đó, – lời người bạn kể. Nhưng lâu ngày rồi cũng bị lộ. Có người đâm đơn xuống huyện. Nhà nước bắt chở đi…
“Gần đây, do ngẫu nhiên mà tôi được tiếp xúc với một sư huynh quản đốc của một viện bài cùi.
- Bệnh cùi – lời vị sư huynh – chúng tôi chữa lành được…
“Tôi dè dặt trong cuộc đối thoại:
- Người ta nói rằng thuốc Sulfon chỉ giữ cho bệnh không tăng thêm chứ chưa thể…
- Tôi hiểu sự hoài nghi của ông. Cố nhiên là khoa học có nhiệm vụ và có khả năng đi tới không ngừng…
“Tôi nghĩ đến anh Hoạt liền ngay lúc đó và những ngày sau đó. Sao anh sinh ra đời chi sớm những ba mươi năm. Có gì đâu để mà vội vàng? Anh đã hưởng gì ở cuộc đời ?
Nghe một tiếng chim tu hú vào đầu mùa Hè, ngửi một mùi thơm của hoa mù u trong buổi chiều, nhìn những con chuồn chuồn đảo lộn trên nền trời sau cơn mưa… những niềm vui đó quá nhỏ nhoi với nỗi khổ đè nặng của anh. Giá cứ thong thả, giá cứ đến chậm chậm một chút để kịp cho nhân loại dẹp bớt những khổ não. Giá anh sống lùi lại ba mươi năm, năm mươi năm…” (Võ Hồng. “Hãy Đến Chậm Hơn Nữa”. Trầm Mặc Cây Rừng. Lá Bối: Saigon, 1971).
Thực sự, nếu Hoạt được sống lùi lại năm ba (hay năm b̉y) chục năm thì tình trạng chưa chắc đã khả quan hơn – theo như lời tâm sự của linh mục Nguyễn Văn Đông, với phóng viên Thanh Trúc (RFA) vào hôm 20 tháng 5 năm 2011: “Ông đã khóc trong một ngày mưa rừng gió núi lội đi thăm một gia đình cùi. Cả nhà người Thượng ấy, hai người lớn ba đứa nhỏ nheo nhóc, lở lói nằm chui rúc dưới một tấm bạt bằng mủ rách nát tả tơi.”
Dù hoàn cảnh xã hội ra sao chăng nữa thì tình cảm của nhà văn Võ Hồng dành cho người bạn bất hạnh (thuở ấu thời) cũng vẫn rất đáng trân trọng, và vừa được một nhà phê bình văn học tên tuổi ân cần nhắc lại:
“Đó là một người bạn đồng học không may bị bệnh hiểm nghèo mất sớm khiến tác giả thương xót tiếc cho anh ra đời sớm trước khi khoa học tìm ra phương thuốc chữa những bệnh nan y như anh bị mắc phải.” (Phạm Xuân Nguyên. “Viết Cho Trẻ Phải Từ Cái Nhân Ái.” Dân Việt – 22/04/2022).
Tác giả của đoạn văn thượng dẫn cũng là một trong những nhân vật quan trọng, được mời đọc tham luận trong buổi hội thảo (“Hoài Cố Nhân – Kỷ Niệm 100 Năm Ngày Sinh Nhà Văn Võ Hồng”) do Đại học Phú Yên tổ chức. Diễn giả – tuy thế – đã không thể có mặt vì sự can thiệp “thô bạo” của chính quyền địa phương (vào giờ phút cuối) theo như tường thuật của chính ông, qua FB:
Nhưng sáng thứ Sáu (22/4/22) tôi nhận được điện gọi của người trong ban tổ chức báo là tuyên giáo tỉnh Phú Yên yêu cầu họ không được để tôi và hai người nữa (trong đó có nhà văn miền Nam cũ Nguyễn Lê Uyên tức Đoàn Việt Hùng) tham dự hội thảo, bài của cả ba không được đưa vào kỷ yếu. Lý do bên an ninh đưa ra, theo người của ban tổ chức cho biết, là do tôi tham gia“Văn Đoàn Độc Lập”.
Tôi không lạ và không bất ngờ trước sự việc này đối với mình. Nhưng đây là một hành động thô bạo của công an Phú Yên can thiệp vào một hội thảo khoa học quốc gia về một nhà văn nổi tiếng của tỉnh nhà… Tôi không buồn cho mình, chỉ buồn cho tỉnh Phú Yên… Thôi việc ai nấy làm…
Tôi cũng “không lạ,” và “không bất ngờ” chi cả mà chỉ thoáng chút băn khoăn khi chợt nhớ đến vài ba sự kiện đã qua:
- Ngày 20 tháng 11 năm 2020, Thứ Trưởng Giáo Dục Hoàng Minh Sơn cho biết: “Quá trình thực hiện thí điểm về tự chủ đại học đã có thành công nhất định, là xu hướng không thể đảo ngược và cần làm sao để ngày càng tốt hơn.”
- Ngày 28 tháng 11 năm 2020, P.T.T Vũ Đức Đam tuyên bố: “Những vướng mắc về quản lý nhà nước liên quan tới ngành GD-ĐT trong tự chủ ĐH không còn nhiều, và cũng không có vấn đề gì lớn.”
Đến hôm 22 tháng 4 năm 2022 thì công an ngang nhiên “can thiệp thô bạo” vào buổi hội thảo do Đại học Phú Yên tổ chức. Mức độ “thô bạo” trong sự việc nói trên, khách quan mà nói, chỉ là chuyện nhỏ (rất nhỏ) so với nhiều hành động càn rỡ, bất nhân và ác đức khác của lực lượng công an ở địa phương này.
Xin ghi lại đôi ba:
Ngày 29 tháng 9 năm 2014, báo Lao Động đi tin: “Năm công an dùng nhục hình đánh chết người ở Phú Yên.” Tuy can tội sát nhân nhưng họ chỉ bị kết án “dùng nhục hình” khiến cho người thân của nạn nhân phải gào khóc (“Sao tòa xử nhẹ hều thế này?”) sau khi hội đồng xét xử tuyên án vào chiều hôm 3 tháng tư năm 2014.
Trước đó, bắt đầu từ đầu tháng 2 năm 2012, công an Phú Yên đã lần lượt bắt giữ 22 người dân địa phương ̣(thuộc giáo phái Ân Đàn Đại Đạo) và kết án họ về tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.”
Trong một cuộc phỏng vấn do RFA thực hiện, Thiếu Tướng Phạm Văn Hoá ̣(giám đốc công an tỉnh Phú Yên) khẳng định: “Họ không kêu oan gì cả, họ thừa nhận cả. Hỏi có yêu cầu luật sư không nhưng người ta không yêu cầu bởi vì người ta biết rõ tội rồi bây giờ chỉ cần khoan hồng cần giảm nhẹ thôi.”
Sau khi “khoan hồng giảm nhẹ,” ngày 4 tháng 2 năm 2013, TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt 22 bị cáo với mức án tổng cộng 295 năm tù… khiến cho công luận bất bình:
- RFA: Đề nghị Giám Đốc Thẩm Vụ Công Án Bia Sơn
- BBC: Tiềm ẩn bất ổn đằng sau vụ Phú Yên
- RFI: Công Án Bia Sơn là một vụ án tạo dựng
Sao phải tạo dựng vậy cà?
Blogger Trần Hoàng giải thích: “Ở Việt Nam, khi muốn chiếm đất đai của dân chúng, đất đai của chùa, hay của nhà thờ, chính quyền trung ương và địa phương thường tìm cớ, hay các sơ hở của chủ đất đai và gán cho tội phản động.”
Hóa ra chỉ vì Khu Du Lịch Sinh Thái Đá Bia của giáo phái Ân Đoàn Đại Đạo tọa lạc trên một khu đất vàng nên 22 thành viên phải nhận lãnh gần 300 năm tù giam sao?
Vâng, đúng thế!
Chỉ hơn một năm sau – sau ngày xử án, vào hôm 23 tháng 10 năm 2014, Tổng Cục Du Lịch Việt Nam hân hoan thông báo: “280 tỉ đồng xây dựng Khu du lịch sinh thái Đá Bia. UBND tỉnh Phú Yên vừa đồng ý cho Công ty cổ phần Đầu tư du lịch sinh thái Phú Yên (phường 7, TP Tuy Hòa) đầu tư dự án khu du lịch sinh thái Đá Bia trên diện tích 50ha tại xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa.”
Cướp bóc trắng trợn đến vậy nhưng những kẻ thủ ác không chỉ hoàn toàn vô can mà còn được cả Chủ Tịch Nước lẫn Thủ Tướng trao Huân Chương Chiến Công và Bộ Trưởng Công An tặng thưởng tiền mặt nữa cơ.
-Ơ lạ nhỉ?
-Lạ cái (mẹ) gì ?
-“Cái nước mình nó thế” đấy!
G.S Hoàng Ngọc Hiến đã từng nói vậy, từ hồi đầu thế kỷ, và ai cũng gật gù chấp nhận “thế” rồi. Sau khi bị công an Phú Yên cấm đặt chân đến Đại Học Phú Yên, vào hôm 22 tháng 4 vừa qua, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên – một người nổi tiếng là sắc sảo và cương trực – cũng đành phải chép miệng (“thôi việc ai nấy làm”) cho xong chuyện. Chỉ riêng có mỗi FB Nguyên Tống thì xem chừng vẫn còn (hơi) bị băn khoăn chút xíu: “Đến giờ, chúng ta đang ở đâu? Và sẽ đi về đâu nếu cứ tiếp tục thế này?”
Leave a Comment