Nước Nga đang ở thế cùng đường

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà

Sau khi Nga xâm lược Ucraina 1 tháng, Mỹ và EU áp lệnh cấm vận làm kinh tế Nga bị cú sốc lớn. Lúc đó đồng ruble giảm một nửa giá trị và có nguy cơ mất kiểm soát. Nhận thấy bị đánh vào kinh tế mà Nga không có công cụ tương xứng đáp trả, phía Nga đã đem hạt nhân ra dọa.

Ngày 22/3, Phát ngôn viên của phủ tổng thống Nga Dmitri Peskov đã trả lời CNN như sau: « Chúng tôi có một học thuyết về an ninh quốc gia, đã được công bố, quý vị có thể tham khảo ở đó tất cả các lý do dẫn đến việc sử dụng các vũ khí hạt nhân. Nếu có một mối đe dọa mang tính sống còn đối với đất nước chúng tôi, các vũ khí hạt nhân sẽ được sử dụng phù hợp với học thuyết hạt nhân của chúng tôi».

Sau một tháng tấn công Ucraina, Putin đã thấy chuyện thôn tính Ucraina không dễ như ông ta nghĩ. Công cụ trừng phạt trong tay Putin đã cạn nên ông ta mới dùng đến lời đe dọa hạt nhân. Tuy nhiên, dùng hạt nhân đe dọa không phải là chuyện đùa, hậu quả khôn lường.

- Quảng Cáo -

Trên mặt trận Ucraina, Nga đang từ thế có thể thắng bỗng chuyển sang thế không thể thắng. Và đến tháng thứ 3 của cuộc chiến, khi mà Mỹ và Phương Tây công khai ủng hộ Ucraina bằng tiền tài và vũ khí, thì cuộc chiến đang đảo chiều thấy rõ. Quân Nga có thể chiến bại.

Ngày 7/5, quân Ucraina cho biết, quân Nga phải đánh sập cầu để chặn đà phản công của quân Ucraina. Đến ngày 10/5, quân Ucraina tuyên bố đã đẩy lùi quân Nga ra khỏi Kharkiv. Ngày 12/5, phía Ucraina tuyên bố sẽ tập kích hậu cần của Nga. Đây là bằng chứng cho thấy, thế trận đang đổi chiều.

Nước Mỹ tính toán rất kỹ, họ luôn xét năng lực chiến đấu của quốc gia mà họ ủng hộ. Nếu đủ mạnh, họ sẽ bơm viện trợ để chiến thắng, nếu sức yếu thì họ gia hạn cho 20 năm chứng tỏ. Nếu trong thời gian đó phía mà họ đang ủng hộ không trụ được với quân thù họ sẽ cắt viện trợ và rút quân. Mỹ không tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc với kẻ bất lực. Đó là tiêu chí của họ từ nhiều năm qua. Với VNCH và Afghanistan đã rơi vào dạng bị cắt viện trợ và rút quân. Tuy nhiên, với Ucraina thì khác, qua 2 tháng, quốc gia này đã chứng tỏ khả năng nên Mỹ đã quyết định bơm viện trợ để kết liễu quân xâm lược Nga.

Gói viện trợ 33 tỷ đô la, gói viện trợ 44 tỷ đô la từ Mỹ, thêm luật Lend – Lease kích hoạt hứa hẹn Ucraina sẽ mạnh hơn vì được cung cấp vũ khí tối tân từ Mỹ. Đấy là chưa kể gói viện trợ 1,6 tỷ đô la mà Anh Quốc dành cho Ucraina. Sau khi tiền và vũ khí đổ vào ồ ạt, việc Ucraina quét sạch quân Nga ra khỏi lãnh thổ và đòi lại Crimea là hoàn toàn có thể. Ucraina đã biết chứng tỏ và Mỹ đã đứng sau lưng họ.

Về mặt quân sự, ban đầu Putin muốn “nắn gân” NATO thông qua việc tấn công Ucraina, tuy nhiên giờ đây Putin lại bị NATO nắn gân lại. Nguyên nhân nước Nga bị nắn gân là bởi những gì Nga đã thể hiện tại Ucraina làm nhiều quốc gia vốn e ngại Nga giờ thở phào nhẹ nhõm. Đây là cơ hội tốt để NATO mở rộng ảnh hưởng sang sát biên giới Nga. Để lên dây cót thinh thần có 2 thành viên mới của NATO, thì ngày 5/5, Mỹ cam kết bảo đảm an ninh cho Thụy Điển và Phần Lan. Tiếp bước Mỹ, thì 11/5 nước Anh đã cam kết hỗ trợ Phần Lan và Thụy Điển nếu 2 quốc gia này bị đe dọa. Putin từng đe dọa kích hoạt chiến tranh hạt nhân nhưng Mỹ và Anh phớt lờ. Ắt hẳn họ đã có tiên liệu khả năng.

Anh đã cam kết hỗ trợ Phần Lan và Thụy Điển

Hiện nay, xét cả về kinh tế và quân sự, nước Nga đều đang ở thế bị tấn công. Về kinh tế, Nga đang cầm cự chứ hoàn toàn không thể hóa giải được đòn trừng phạt của Phương Tây nếu họ duy trì lệnh này lâu dài. Đã là cầm cự thì sẽ không chịu nổi với thời gian. Việc Nga lấy lại sức mạnh cho đồng Ruble là giải pháp tạm thời, chính Nga hiểu hơn ai hết, nếu lệnh trừng phạt càng ngày càng siết và kéo dài thì nền kinh tế Nga sẽ toang. Về quân sự, nước Nga đang có vẻ lùi bước khi ngày 6/5, hãng tin TASS dẫn lời của phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexei Zaisev rằng “Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine vì điều này không phù hợp với nhiệm vụ của chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Mục đích của Mỹ và Phương Tây là tấn công kinh tế để Nga lùi bước về quân sự. Nga tuyên bố không dùng hạt nhân tại Ucraina là bước lùi rõ ràng. “Đói thì đầu gối phải bò”, đánh vào kinh tế thì thế nào nước Nga cũng sẽ lùi bước. Vì khi kinh tế tàn, thì sự hung hăng cũng sẽ giảm.

Ngày 12/5, Phần Lan đã chính thức đệ đơn gia nhập NATO. Động thái này làm nhiều người e ngại có thể Nga kích hoạt chiến tranh hạt nhân tại Âu Châu. Tuy nhiên, phía Nga vẫn chưa đẩy căng thẳng lên cao. Không biết khi Thụy Điển chính thức đệ đơn lên NATO thì Nga phản ứng như thế nào. Khả năng Nga kích hoạt chiến tranh hạt nhân không phải là Mỹ, Anh và EU không tính đến, có điều họ đang cân nhắc mọi khả năng trong đó có thông tin tình báo. Khả năng Nga kích hoạt chiến tranh hạt nhân là không cao. Tuy nhiên, nếu Nga kích hoạt chiến tranh hạt nhân thật thì nước Nga cũng không hùng mạnh lên được mà chỉ có thể lụi tàn nhanh hơn. Lịch sử đã buộc nước Nga phải lụi tàn, không thể vùng vẫy để đổi vận được./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20220323-nga-tuyên-bố-sẽ-dùng-vũ-khí-hạt-nhân-ở-ukraina-nếu-đối-mặt-với-đe-dọa-sinh-tồn

https://vov.vn/…/ukraine-tuyen-bo-day-lui-luc-luong-nga…

https://zingnews.vn/ukraine-noi-nga-danh-sap-cau-de-ngan…

https://vnexpress.net/ukraine-tuyen-bo-tap-kich-tau-hau…

https://tuoitre.vn/my-cam-ket-dam-bao-an-ninh-cho-thuy…

https://thanhnien.vn/anh-cam-ket-ho-tro-thuy-dien-phan…

https://laodong.vn/…/tong-thong-phan-lan-tuyen-bo-nop…

- Quảng Cáo -