Quảng Cáo

Cái tôi của người Việt

Quảng Cáo
Một dân tộc chỉ trưởng thành khi mỗi người biết đến sự khiêm tốn.
(trích dẫn từ một bài viết của TS Alan Phan, đã qua đời)
Nước Việt nghèo, chậm tiến, lạc hậu. Đáng lẽ người Việt phải khiêm nhượng, biết người, biết mình.
Thảo luận với người Việt rất khó, vì ai cũng nghĩ là mình nắm chân lý trong tay. Nghĩ khác là xúc phạm anh ta, xúc phạm chân lý, bôi nhọ sự thật. Phải căm thù, phải tiêu diệt, phải triệt hạ, phải tố cáo, chụp mũ.
Cái tôi lớn, phải chăng đó là nét đặc thù của một dân tộc đầy tự ti mặc cảm?
Tôi gặp không biết bao nhiêu người vỗ ngực, tự cho mình là vĩ nhân.
In một hai cuốn sách tào lao tặng bố vợ, nghĩ mình ngồi chung một chiếu với Marcel Proust, Victor Hugo.
Làm vài bài thơ, câu trên vần (hay không) với câu dưới, nghĩ mình là Baudelaire, Nguyễn Du tái sinh.
Lập một cái đảng có ba đảng viên, kể cả em gái và mẹ vợ, nghĩ mình là lãnh tụ, ăn nói như lãnh tụ, đi đứng, tắm rửa như lãnh tụ.
Viết vài bài lăng nhăng, đầu Ngô mình Sở, nghĩ mình là triết gia, trí thức, sẵn sàng dẫn dân tộc đi lên (hay đi xuống).
Thomas Edison nói: nếu hài lòng với đèn dầu, tìm cách cải thiện đèn dầu, sẽ không bao giờ kiếm ra điện. Còn người Việt ta dễ thoả mãn quá, dễ kiêu hãnh quá, dễ “tự sướng” quá.
Mỗi lần tôi nghe, hay coi Jean Marie Le Clézio, Patrick Modiano trong những chương trình văn học trên France Culture, hay trên France 5, ít người nghĩ họ đã chiếm giải Nobel Văn chương.
Le Clézio (Nobel 2008) khoanh tay, chăm chú nghe một tác giả vừa chân ướt chân ráo vào nghề, nói về một cuốn sách đầu tay.
Modiano (Nobel 2014) tìm chữ một cách khó khăn, ngượng ngập, ít khi chấm dứt một câu, như muốn nói: Thôi, bỏ qua đi, những điều tôi muốn nói chẳng có gì đáng nghe. Ông ta thực sự ngạc nhiên không hiểu tại sao có người nghĩ đến mình để trao giải.
Ông ta nói có người đọc sách của mình đã là một phép lạ.
Những năm đầu ở Pháp, có thời tôi cư ngụ Rue Marcadet, Paris. Bên cạnh là một cặp vợ chồng già, hiền lành, bình dị như một cặp thư ký hay công nhân về hưu. Mỗi lần gặp ở thang máy, bà vồn vã chào, hỏi thăm đủ chuyện.
Tuyệt nhiên không bao giờ ông bà nói về mình. Nếu không coi TV, chắc không bao giờ tôi biết bà là Yvonne Loriot, danh cầm hàng đầu của Pháp, chiếm giải nhất 7 lần khi học ở Conservatoire de Paris, trước khi trở thành một giáo sư âm nhạc có uy tín.
Ông là Olivier Messaien, một trong những tác giả nhạc cổ điển lớn nhất của hậu bán thế kỷ 20. Rất nhiều các nhạc sư, nhạc trưởng nổi tiếng ở Âu Châu, như Pierre Boulez, Iannis Xenakis hãnh diện là đệ tử của ông. Tác phẩm opéra “Saint-Francois d’Assise”của ông được trình diễn trên khắp thế giới, được đón nhận như những tác phẩm của Mozart, Beethoven.
Ông bà sống trong một căn nhà bình dân, ăn uống đơn giản như một cặp vợ chồng nghèo. Tiền bản quyền nhạc đem tặng – một cách kín đáo – các hội từ thiện, hay giúp trùng tu nhà thờ Notre Dame de Lorette gần nhà. Những lúc rảnh rỗi, bà theo ông vào rừng, thu thanh để nghiên cứu tiếng chim hót.
Khi nào ta có những người như Modiano, Le Clézio, Messaien – chưa nói tới tài năng, chỉ nói tới thái độ khiêm tốn – Việt Nam sẽ là một dân tộc trưởng thành.
Chúng ta đều đồng ý với nhau là đất nước đang trên bờ vực thẳm, không thể nhẫn tâm khoanh tay nhìn.
Nhưng chúng ta không ngồi nổi với nhau, vì cái TÔI nó lớn quá. Lớn hơn cả vận mệnh dân tộc./
Nguồn : Matthew NChuong
Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux