Trần Đông A – VOA
Các bên cần nỗ lực ở mức cao nhất để thiện thực hóa cam kết ghi trong Tuyên Bố của Chủ Tịch ASEAN nhân dịp họp cấp cao năm ngoái: Trong giai đoạn tới đây, ASEAN và Hoa Kỳ tay trong tay…
Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hoa Kỳ diễn ra giữa hàng loạt các cú sốc về nguồn cung, chuyển đổi lãnh đạo và cuộc xâm lăng tàn bạo của Nga ở Ukraine. Sau những trục trặc ban đầu do Trung Quốc và Campuchia “cản mũi kỳ đà”, cuối cùng Thượng đỉnh đã được “chốt lại” và sẽ diễn ra trong hai ngày 12 và 13/5/2022 tại Washington DC.
Cam kết lâu dài của Mỹ
Cuối cùng thì, tuần này, Nhà Trắng sẽ làm chủ nhà cho Thượng đỉnh đặc biệt (TĐĐB) Hoa Kỳ – ASEAN. Với cuộc chiến Nga – Ukraine đang chiếm ưu thế trong sự chú ý của quốc tế, chính quyền Biden cho biết Hội nghị thượng đỉnh thể hiện “cam kết lâu dài” của Mỹ với ASEAN và khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, là ưu tiên an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Tầm ảnh hưởng và sức mạnh của Trung Quốc ở Đông Nam Á sẽ là một trong những chủ đề trong Thượng đỉnh đặc biệt.
Cuộc họp kéo dài hai ngày cũng mang đến cơ hội để làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế của Mỹ với ASEAN, một khối gồm 10 quốc gia hợp thành nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới. Ngoài ra, một loạt các vấn đề quan trọng khác – từ COVID đến biến đổi khí hậu, từ cuộc chiến ở Ukraine đến cuộc khủng hoảng ở Myanmar – cũng sẽ được thảo luận.
Không phải tất cả các nước thành viên ASEAN đều sẽ tham dự hội nghị. Không ai ngạc nhiên khi Myanmar bị loại khỏi Cấp cao, trong khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết định không tham dự Thượng đỉnh đặc biệt để tránh đưa ra những cam kết có thể ràng buộc người kế nhiệm. Cảm giác chung là do sơ suất của các bên nên Hội nghị đã bị chậm trễ. Về phía ASEAN, vai trò của Campuchia và Indonessia có sự chồng chéo và mâu thuẫn: Campuchia hiện là chủ tịch [luân phiên] ASEAN, trong khi Indonesia là điều phối viên quan hệ ASEAN – Mỹ. Tuy nhiên, không ít nước thành viên ASEAN thấy rằng, sự thiếu rõ ràng trong kế hoạch ban đầu của Washington cũng khiến vấn đề trở nên phức tạp không đáng có.
Quan hệ ASEAN – Mỹ là mối quan hệ quan trọng. Năm 2022 đánh dấu 45 năm thiết lập quan hệ giữa hai bên. Mối quan hệ này hiện nay được xác định là quan hệ “Đối tác chiến lược.” Sau một thời gian dài chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump “lơ là” ASEAN, dường như chính quyền của Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden đang nỗ lực thúc đẩy và tập trung vào việc tiếp cận Đông Nam Á. Việc thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ, giúp Washington thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) một cách thuận lợi.
Bên cạnh đó, khu vực này cũng là nhân tố then chốt trong chuỗi cung ứng của Mỹ và là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ. Đối với ASEAN, Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Mỹ vào khu vực này đạt 338 tỷ USD trong những năm gần đây, chiếm hơn 1/3 tổng đầu tư của Mỹ vào toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Các vấn đề nổi cộm
Bốn vấn đề nổi cộm cần được cân nhắc trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh đặc biệt là: Thứ nhất, Mỹ cần lưu ý rằng việc can dự với ASEAN không nên chỉ căn cứ vào sự kình địch mang tính chiến lược của khối này với các cường quốc khác, cụ thể là Trung Quốc và hiện giờ là Nga. Sẽ không thực tế nếu nói rằng đừng nên hy vọng Mỹ không đưa ra những tuyên bố “đao to búa lớn.” Tuy nhiên, đó không phải là mấu chốt của các cuộc thảo luận. Đối với hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN, lập trường của khối về cả Trung Quốc và Nga khó có thể thay đổi, dù là có những tranh luận hoặc bảo lưu. Dù sao chăng nữa, việc nhấn mạnh lợi ích quốc gia vẫn sẽ có hiệu quả. Thực tế là việc lặp đi lặp lại một chủ đề là điều nguy hiểm, nếu không muốn nói là đáng thất vọng. Dù Washington luôn nói về việc duy trì “cam kết lâu dài” với Đông Nam Á, song các nhà hoạch định chính sách của Mỹ có lúc vẫn chưa hiểu hết hoặc không đánh giá đầy đủ những mối quan tâm và thực tế địa-chiến lược của khu vực đa dạng này.
Thứ hai, điểm nêu trên là lăng kính quan trọng mà Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF) của Chính quyền Biden sẽ được các nước thành viên ASEAN nhìn nhận. Trong khi đó, trọng tâm rõ ràng của IPEF đã được công bố, gồm 4 trụ cột tập trung vào (i) thương mại công bằng, (ii) khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, (iii) cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và khử carbon, (iv) quản trị tốt .
Hy vọng, tại Thượng đỉnh đặc biệt, Tổng thống Biden sẽ tiết lộ thêm các thông tin chi tiết và cập nhật hơn về những tiêu chí đặc biệt này. ASEAN sẽ dễ dàng chấp nhận IPEF nếu khuôn khổ này thực sự cởi mở và bao trùm, nơi mà tất cả các quốc gia thành viên đều tham gia và không loại trừ hẳn sự tham gia của Trung Quốc. Điều quan trọng nữa là cần có các tín hiệu nhấn mạnh tính liên tục và lâu dài của IPEF như một phần trong cam kết lâu dài của Mỹ với khu vực.
Thứ ba, điều quan trọng là phải nâng quan hệ ASEAN – Mỹ lên tầm quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” (CSP). Biểu tượng này vô cùng quan trọng, và ASEAN đã có quan hệ đối tác ở cấp độ này với cả Trung Quốc lẫn Australia. Mỹ có vị thế thuận lợi để nằm trong bộ ba này, và sẽ được hầu hết các quốc gia thành viên hoan nghênh khi họ tìm kiếm sự cân bằng trong mối quan hệ với các cường quốc lớn. Kế hoạch hành động của “Quan hệ đối tác chiến lược” ASEAN – Mỹ (2021 – 2025) đưa ra các sáng kiến kinh tế, chính trị – an ninh và văn hóa – xã hội có thể được tận dụng để nâng cấp quan hệ thành “Đối tác chiến lược toàn diện.” Các sáng kiến từ Mỹ đã được công bố vào tháng 10/2021 tập trung vào chăm sóc sức khỏe, hành động trong vấn đề khí hậu và các sáng kiến phát triển bền vững là những nền tảng quan trọng.
Cuối cùng, mối quan tâm thực sự ở đây không phải là sự suy giảm của bang giao ASEAN – Mỹ, mà là nguy cơ trì trệ hoặc thiếu tiến bộ. Đang có những dấu hiệu cho thấy mối quan hệ không được suôn sẻ như mong muốn. Cả Đông Nam Á lẫn Mỹ cần hiểu rằng “nhiều thứ giống nhau hơn” không phải là thước đo mà hai bên mong muốn. Có thể cuộc chơi hiện giờ hơi muộn, nhưng khi các nhà hoạch định chính sách và các cố vấn của Mỹ bước vào Thượng đỉnh đặc biệt lần này, sẽ rất đáng để họ suy ngẫm về những tổn thất lâu dài có khả năng gây ảnh hướng đến mối quan hệ đa phương này. Đây là lý do tại sao sự tiến bộ hữu hình và rõ ràng là điều rất cần thiết đối với cả ASEAN lẫn Mỹ vào giai đoạn tới đây.
Vai trò trung tâm của ASEAN
Các nước ASEAN luôn có ý thức thực tế rằng, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng đối với chính họ. Bất chấp sự đa dạng của khối, các nước ASEAN đều muốn có một Hoa Kỳ hiện diện và gắn bó ở Đông Nam Á để cân bằng ảnh hưởng có khả năng áp đảo của Trung Quốc. ASEAN cũng tìm cách để Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và các cường quốc bên ngoài khác tham gia càng nhiều càng tốt để tạo ra sự cân bằng quyền lực trong khu vực, hay như cựu Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa đã gọi nó một cách tích cực hơn, đó là một “trạng thái cân bằng động.” Điều họ không muốn là buộc phải lựa chọn bên giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Các nước Đông Nam Á cũng tìm kiếm sự hỗ trợ của Washington đối với các thể chế đa phương dựa trên ASEAN, chẳng hạn như Hội nghị cấp cao Đông Á và Diễn đàn khu vực ASEAN, mà khối này tìm cách trở thành trung tâm trong cấu trúc khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Tại Thượng đỉnh đặc biệt lần này, các chiều kích cấu thành vai trò trung tâm của ASEAN sẽ được bàn thảo một cách kỹ lưỡng hơn so với các Hội nghị Cấp cao hàng năm. Tuần tới, Mỹ và ASEAN sẽ trao cho nhau quy chế “Đối tác chiến lược toàn diện” (CSP). Như thế Mỹ là cường quốc thứ ba, sau Trung Quốc và Australia, sẽ có quy chế đặc biệt này. Tuy đều là CSP cả nhưng các thành viên ASEAN ý thức rất rõ rằng, ba quy chế “Đối tác chiến lược toàn diện” này không đồng đẳng. CSP giữa Trung Quốc và Australia khác nhau đã đành, CSP giữa Mỹ và ASEAN cần hội tụ những năng lượng mới, đặc biệt hơn, nhất là trong thời kỳ “hậu Ukraine”.
Các bên cần nỗ lực ở mức cao nhất để thiện thực hóa cam kết ghi trong Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN nhân dịp họp Cấp cao năm ngoái: Trong giai đoạn tới đây, ASEAN và Hoa Kỳ tay trong tay, hãy cùng nhau xây dựng quy chế “Đối tác chiến lược toàn diện” trên cam kết bền vững, các lợi ích và giá trị chung cũng như thiện chí lâu dài của tất cả các bên. Đặc biệt là cam kết của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm, bản sắc và sự thống nhất của ASEAN.
Trần Đông A
Trần Đông A là bút hiệu một nhà báo đã nghỉ hưu tại Sài Gòn, với sở trường về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao Việt Nam và các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Nguồn: VOA
Leave a Comment