Hoài Nguyễn – (VNTB) – Đề án thành lập ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ được trình Hội nghị Trung ương 5 sắp diễn ra trong tháng 5 này xem xét, quyết định.
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học diễn giải rằng với mô hình Ban chỉ đạo cấp tỉnh, dự kiến do bí thư tỉnh ủy làm trưởng ban. Bí thư tỉnh ủy làm trưởng ban sẽ phải chịu trách nhiệm trước đảng bộ, chính quyền, trước nhân dân về công tác lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
“Nếu người đứng đầu không xứng đáng, không làm được thì sẽ có cơ quan có thẩm quyền xử lý. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nói các cán bộ vào Ban chỉ đạo cấp tỉnh này trước hết phải gương mẫu, trong sáng, không được tham nhũng”, ông Học nhấn mạnh.
Có ý kiến thắc mắc tức thì với mô hình mà ông Học nêu ra, rằng ở đây phải có giải pháp phù hợp pháp luật trong chuyện tránh việc một số bí thư, nguyên bí thư tỉnh ủy vi phạm thời gian qua?
Theo Quy định số 32-QĐ/TW do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 16 tháng 9 năm 2021, thì Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (viết tắt là Ban Chỉ đạo) có 2 nhiệm vụ cụ thể:
“1. Chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của các tổ chức trong hệ thống chính trị trong phạm vi cả nước.
2. Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc tiêu cực khác ngoài tham nhũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ (gọi chung hai loại vụ án, vụ việc này là vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm)”.
Nếu giờ đây thành lập thêm Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cho thấy một lần nữa quyền tư pháp độc lập đã bị can thiệp thô bạo.
Về mặt nguyên tắc thì quyền lực tư pháp (quyền tư pháp) là một bộ phận cấu thành nên quyền lực nhà nước và gắn liền với hoạt động bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong xã hội.
Ở Việt Nam hiện nay, theo Hiến pháp năm 2013, quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Như vậy có thể hiểu khi thực hiện quyền tư pháp cần có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, hay có nhiều cơ quan cùng tham gia thực hiện quyền tư pháp.
Quyền tư pháp sẽ bao gồm: Quyền xét xử của Tòa án (trọng tâm); các quyền khởi tố, điều tra, truy tố, thi hành án và bổ trợ tư pháp của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan Thi hành án và các cơ quan bổ trợ tư pháp nhằm bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức để duy trì công lý. Trong đó, Tòa án là cơ quan thực hiện quyền tư pháp (Điều 102 Hiến pháp năm 2013), Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, cơ quan Thi hành án được coi là cơ quan tham gia thực hiện quyền tư pháp.
Vậy thì các quyền tư pháp kể trên sẽ không thể giữ được sự độc lập của mình, khi sắp tới đây ngay cả một cơ quan Đảng phạm vi tỉnh/ thành là “Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” ở cấp địa phương cũng được trao quyền “chỉ đạo án”.
Leave a Comment