Phạm Minh-Tâm
Như nén hương tưởng niệm thắp chậm
Chúng ta đang ở vào những ngày cuối Tháng Tư năm 2022. Kể từ sau ngày 30-4-1975 cho đến nay, đã 47 năm dài đằng-đẵng cộng cho một đời người, cho một khoảnh-khắc lịch-sử của Quê-hương, của nửa miền Đất Nước đã chỉ vì hai chữ “tự do” mà trải qua hai mươi năm điêu-đứng trước mắt “thế-giới tự-do”.
Con số 47 năm chỉ là cái chớp mắt của lịch-sử, nhưng lịch-sử vẫn còn đó mà đã có biết bao người vội cho nó chìm khuất trong vùng vô-thức từ lâu. Như những vong-hồn đã mồ yên mả đẹp. Song lại có những người chất đầy đầu phiền-muộn khi còn muốn cầm bút viết thêm đôi điều tâm-tư chưa thoả để hy-vọng được chia sẻ với bất-kỳ ai còn vẫn nặng mang nỗi-niềm cay đắng, vẫn vương-vương tình cố-cựu, thì lại thấy ngòi bút như dao nhọn cắt nát dòng tư-tưởng và chữ nghĩa đanh lại trên mặt giấy với những người, những việc, những oan-khuất một thời.
Sau ngày 30-4-1975, tôi đã trải qua bao năm tháng dằn-vặt trong
tâm-trạng lạc-lõng của một kẻ đang lưu-vong ngay trên chính Quê-hương mình. Một kẻ bị lưu-đầy ngay giữa lòng Đất Mẹ với cảm-nghiệm vừa xa-lạ vừa hụt-hẫng bởi những giá-trị đã như bị lật ngược. Trật-tự và đạo-đức con người thành đảo-điên. Tất cả bỗng chốc trở thành hụt-hẫng chỉ như một thoáng ngủ gục vật-vờ, một cái vấp chân vừa ngã xuống chưa kịp gượng dậy thì đã tối-tăm cả mặt mũi trước mọi sự đổi thay. Nếp sinh-hoạt nền-tảng từ trong nhà đến ngoài xã-hội bị xáo-trộn. Cứ như thời-gian bị quay ngược vòng kim đồng hồ. Hoặc giống như một ý-niệm về định-mệnh như câu Thánh-vịnh trong sách Cựu-ước của Công-giáo…“con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình thì bỗng chốc bị cắt đứt ngang hàng chỉ…”. Song ở đây lại là một định-mệnh không có phần tâm-linh mà chỉ là những áp-đặt nghiệt-ngã, oan-khiên của trò chơi chính-trị từ những thế-lực mệnh-danh là siêu cường-quốc. Họ đã dựa vào thế nước lớn để đem khối dân-tộc Việt-Nam tôi ra cùng nhau tung mà không ai hấng chịu; giống hệt như các tên “đồ tể” đem Đất Nước tôi ra mổ xẻ, chia cắt như trò đùa…
Và cơn lốc chủ-nghĩa đã trườn tới làm cả một dân-tộc khi mở được mắt ra nhìn mới biết rằng đã chậm.
Từ đó, cứ từng ngày, từng tháng, từng năm sống trong nỗi nhớ. Nhớ hết những vui buồn, thành bại, những oan-khiên dưới vùng trời Miền Nam, dù trong tao-loạn dai-dẳng song đầy tình-tự Quê-hương, tôi cứ quay-quắt buồn. Một nỗi buồn quá lớn so với thân-phận nhỏ-nhoi của mình.
Nhân-vật Vương Thúy-Kiều ngày xưa của Nguyễn Du khi nhìn thấy mả Đạm-Tiên thì bồi-hồi, xúc-động rồi quy ngay vào thân-phận mình mà khóc-lóc, mà thở-than. Cô Kiều đã bị cụ Tiên-điền trách là…một lời là một vận vào…cũng đành thôi. Còn tôi, thực tâm chẳng bao giờ ngờ đến và muốn có một ngày mình lâm phải cảnh mất nước tan nhà như hôm nay. Thế mà từ thuở còn đi học tôi đã mơ-hồ thương-cảm cho nỗi buồn vong-quốc của dân-tộc Chiêm-thành trong thơ Chế Lan Viên và say mê tấm gương kiên-cường của dân-tộc Do-thái. Phải chăng tôi vốn là đứa con bạc lòng của tổ-tiên nên đã bị tự-kỷ ám-thị qua thân-phận điêu-linh của hai dân-tộc kia mà giờ đây tôi đang phải đền tội.
Hàng năm, cứ vào cuối tháng Tư, người Việt-Nam đang tỵ-nạn cộng-sản ở khắp nơi đều tổ-chức các buổi tưởng-niệm biến-cố 30-4-1975. Riêng ở Úc-châu, ngày 30-4 tang-thương này của những người Miền Nam đã như có một sự tương-đồng với ngày 25-4 hàng năm của nước Úc và Tân-tây-lan. Lúc đầu, cả hai nước Úc (Australia) và Tân-tây-lan (New Zealand) ghép chung tên lại thành quốc-lễ Anzac Day là để tưởng-niệm các chiến-sĩ Úc và New Zealand đã phục-vụ và hy-sinh tại chiến-trận Gallipoli, nơi lực-lượng quân-đội hai nước lần đầu tiên tham-gia trong cuộc Thế-chiến thứ nhất (1914–1918) và cả hai nước đều bị tổn-thất lớn-lao.
Sau này, nghi-lễ Anzac Day đã mang ý nghĩa rộng rãi hơn khi tưởng nhớ tất cả người Úc và New Zealand đã phục vụ và hy sinh trong các cuộc chiến-tranh, các vụ xung đột cũng như các hoạt-động gìn giữ hòa-bình. Cũng đồng thời không quên sự đóng góp và đau-khổ của tất cả những người đã phục-vụ hay liên-hệ trong các cuộc chiến.
Trên khoảng tường rộng nơi một phòng trưng-bày đầy hình ảnh chiến-tranh còn lưu giữ được, trong khu tưởng-niệm (War Memorial) ở Thủ-đô Canberra của Úc-châu…có một câu viết gắn trên tường Họ còn quá trẻ, tôi yêu tất cả họ (They were so young, I love them all). Không hiểu sao khi đọc lời viết này nổi lên giữa hình ảnh những chiến-binh chập-chờn trong lửa đạn, không phân-biệt được ai và ai, thù hay bạn…tôi lại thấy mở ra một khung trời hoà-bình trước mặt. Tôi chỉ thấy tất cả họ là những con người bình-thường đang ở trong các hoàn-cảnh phi-thường. Cảnh đời của tất cả họ khi đó, hai chữ sinh tử không có giá-trị ngoài lý-tưởng đem lại an-bình cho tập-thể sau lưng mình.
Dòng chữ “Cư an tư nguy” trên vai áo các Sinh-viên Sĩ-quan Thủ-đức ngày nào lại chập-chờn trong tôi. Nếu nói muốn sống hoà-bình phải nghĩ đến chiến-tranh như cái ông tác-giả thời đế-quốc La-mã xa-xưa đã nói…Si vis pacem, para bellum…thì Miền Nam nước tôi không chỉ nghĩ mà đã làm. Bao người trẻ thế-hệ đàn anh và thế-hệ chúng tôi đã lao thân vào lửa đạn chỉ vì mục-đích duy-nhất là bảo-vệ phần đất tự-do còn lại của Đất Nước. Thế mà hoà-bình ở đâu?
Người Việt Miền Nam đang lưu-vong hải-ngoại gọi ngày 30-4-1975 là ngày Quốc-hận. Đúng là hận, nhưng ai hận ai đây…Rồi còn hai chữ “lưu vong” này không hiểu có làm phiền lòng ai không nữa? Gần trọn nửa thế-kỷ sắp qua, thế-hệ 1975 của Việt-Nam cả trong nước lẫn hải-ngoại sẽ học những trang Việt-sử nào và do ai viết về thực-trạng éo-le này.
Ở hải-ngoại, tuy bị giới hạn về ngôn-ngữ mẹ đẻ, nhưng bù lại có quá nhiều nguồn tài-liệu của nhiều tác-giả Tây-phương để tìm hiểu, nghiên-cứu, học hỏi. Dù cho cũng có thể có thiên-vị do chính-kiến nhưng không dễ gì xuyên-tạc hay bịp-bợm và bịa đặt. Song có bao nhiêu phụ-huynh khuyến-khích con em mình học hỏi thêm về các ngành nhân-văn, lịch-sử, trong đó có cả Việt-Nam. Còn trong nước, trước sau, trên dưới chỉ nhất-tề tuyên-truyền và theo định-hướng chủ-đạo một chiều nên chính-sử hoàn toàn bị bôi xoá hoặc xuyên-tạc. Đấy mới là chuyện tồn-vong của Dân-tộc, của Quê-hương nếu các thế-hệ tương-lai không được nhìn đúng tinh-thần và bản-sắc của một nước Việt-Nam đã có hơn bốn ngàn năm lịch-sử; mà không phải là một xã-hội cộng-sản từ một ván bài đỏ đen giữa hai thế-lực Trung-cộng và Hoa-kỳ bá-đạo ngang nhau.
Cách đây đúng năm năm, vào ngày 30-4-2017, một người trẻ Việt-Nam, linh-mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, ngay giữa Hà-nội, đã thẳng-thắn và công-khai trên toà giảng tại nhà thờ Thái-hà, phủ-nhận cách những người cộng-sản Việt-Nam gọi tên ngày 30-4-1975 là ngày giải-phóng Miền Nam, vì theo đúng nghĩa của ngày này thì chỉ là ngày cộng-sản Miền Bắc xâm-lăng Miền Nam.
Thành vậy, nếu 30-4-1975 là ngày Quốc-hận thì mỗi người Việt-Nam miền Nam phải đấm ngực hận chính bản-thân, hận những người anh em cùng máu đỏ da vàng của mình trước khi hận các thế-lực ngoại-lai. Câu “Quốc-gia hưng vong thất-phu hữu trách” không phải là mô-thức sáo hay rỗng, mà đúng ra phải là câu xét mình từng ngày của từng người dân. Còn nếu quan-niệm chống cộng là chỉ chuyên ngành hoan-hô, đả-đảo hoặc chỉ vì khác nhau cách thể-hiện trong cuộc sống không giống mình mà chửi nhau như mấy chục năm nay đã làm, hay khác mình theo cách nhìn về chính-quyền của đất nước đang tạm dung mà xỉa-xói nhau, thì đúng như người ta hay nói, cứ thêm một lư hương lại thêm một con ma.
Người Úc, người Tân-tây-lan không ngại lấy ngày thua trận làm quốc-lễ tri-ân các tướng-sĩ trận-vong. Trong khi đếm đi đếm lại, cộng tới cộng lui, cũng không ra bao nhiêu dịp đã được các nơi có người Việt-Nam tỵ-nạn tổ-chức nghi-thức tưởng-niệm cách trân-trọng, anh-linh các anh-hùng được nêu danh cũng như vô-danh…đã tuẫn-tiết trong ngày 30-4-1975 tang-tóc này của Quê-hương. Cả những nơi tế-tự và thờ-phụng của các tôn-giáo, tình nước, tình quê xem ra cũng lạnh-lùng quá khi các buổi lễ với nghi-thức tưởng-niệm, tri-ân những người đã hy-sinh sau cuộc chiến đau-thương này hơi hiếm-hoi.
Có một ít người thường thắc-mắc, tại sao cả một tập-thể những người đã từng cúi đầu, bỏ hết mọi sự lại sau lưng rồi vội-vã gạt nước mắt để bước lên những con tầu di-tản sau ngày 30-4-1975 với niềm tủi nhục mang theo, giờ đây đâu hết rồi? Trong nỗi hận không thể nguôi-ngoai này, từng người Việt-Nam hiện nay có cần suy gẫm hay không về bài học lịch-sử; có cần nhớ hay không là đã bao phen cũng vì mẫu-quốc này, đồng-minh nọ mà Việt-Nam thành một thị-trường cho các siêu-cường thi đua thử-nghiệm và rao bán vũ-khí. Như một tấm vải để người ta nhuộm đủ mầu cờ sắc áo. Hay vẫn cứ tị-nạn ở đâu thì tôn-sùng ở đó giống như “hồng-ân cứu-độ” và hân-hoan về những lời phát-biểu của lãnh-tụ này, của tổ-chức kia và rồi ôm hy-vọng…
Dịp 30-4 năm nay, bên cạnh việc tưởng-niệm ngày Quốc-hận của mình, nhiều người Việt-Nam tỵ-nạn còn thêm nỗi bùi-ngùi về cuộc chiến ở Ukraine đang tiếp-diễn như có thêm một bài học nữa về cái gọi là “đồng minh” của một tổ-chức mang danh là khối NATO (The North Atlantic Treaty Organization), tiếng Việt dịch ra còn đẹp-đẽ hơn, đó là “Minh-ước Bắc Đại-tây-dương”, tức là có hứa-hẹn, có kết-ước kiểu thệ-hải minh-sơn của 12 nước: Bỉ, Gia-nã-đại, Đan-mạch, Pháp, Ý, Lục-xâm-bảo, Hoà-lan, Bồ-đào-nha, Na-uy, Anh. Mỹ và Iceland. Song chữ NATO đã được dư-luận châm-biếm diễn-nghĩa thành “No Action Talk Only…”
Người Do-thái tái-tạo được đất nước vì dù lưu-lạc trên cùng thế-giới nhưng không nguôi bầu nhiệt-huyết hướng về quê-hương bằng quyết-tâm như Théodore Herzl khẳng-khái xác-định…Một quốc gia thì phải xây dựng bằng mồ hôi nước mắt… Cũng vậy, Quê-hương Việt-Nam đang cần nhiều giọt nước mắt nóng rơi xuống từng ngày trên những bàn tay thiện-chí. Để rồi từ những bàn tay này mà Quê-hương được thoát ách độc-tài đảng-trị và có được cơ may thay đổi.
30-4-2022
Leave a Comment