Cắt khí đốt Ba Lan và Bulgaria: Đòn nắn gân Liên Âu của Vladimir Putin

Một nhà máy nén khí đốt ở Rembelszczyzna, ngoại ô Varsaw, Ba Lan, ngày 27/04/2022. Ảnh: Reuters - Kacper Pempe
- Quảng Cáo -

Gazprom, tập đoàn năng lượng của Nhà nước Nga đã quyết định cắt nguồn khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria ngay từ ngày 27/04/2022 với lý do hai nước này từ chối thanh toán bằng đồng rúp theo đòi hỏi của Tổng thống Vladimir Putin.

Hành động này được đánh giá là một bước leo thang mới của Kremlin gây tăng giá nhiên liệu và ép các nước khác trong Liên Âu phải chấp nhận các điều kiện của Kremlin và nhằm đối phó với viễn cảnh Liên Hiệp Châu Âu đang chuẩn bị loạt trừng phạt mới đối với Nga.

Thực sự thì quyết định của Matxcơva cũng không có gì là bất ngờ đối với Liên Âu, nhưng EU lo ngại đòn trả đũa bằng năng lượng này chỉ là bước khởi đầu và Nga sẽ áp dụng với một loạt các thành viên Liên Âu khác, trong đó có nhiều nước chưa thực sự sẵn sàng từ bỏ hẳn khí đốt của Nga.

- Quảng Cáo -

Liên Hiệp Châu Âu lập tức tỏ đoàn kết hỗ trợ Ba Lan và Bulgaria, hai nước hiện chiếm 8% lượng khí đốt mà cả EU nhập khẩu từ Nga. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu hôm qua đã cho biết Liên Hiệp đang chuẩn bị phối hợp hành động đáp lại ý đồ lấy khí đốt ra để bắt chẹt các nước. Bà Ursula von der Leyen tuyên bố châu Âu “đã chuẩn bị cho kịch bản này.” Hai nước liên quan từ giờ có thể sẽ được các láng giềng cung cấp khí đốt. Ngay từ hôm qua, Đức đã mở van khí (đốt) cho Ba Lan và Bulgaria đã kết nối ngay với hệ thống của Hy Lạp.

Từ khi EU quyết định cắt giảm 2/3 tiêu thụ khí đốt Nga trong năm nay và dự kiến đến 2027 sẽ cắt hẳn sự lệ thuộc vào năng lượng Nga, nhiều nước đã triển khai các phương án. Thực tế, năm ngoái, Nga đã cung cấp cho Liên Âu 155 tỷ mét khối khí tự nhiên, chiếm khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ.

Ba Lan đã tìm nguồn nhập khí hóa lỏng từ hệ thống đường ống dẫn khí mới nối với Na Uy và đã tăng cường tích trữ khí cho mùa đông tới. Hiện Ba Lan đã dự trữ được 76% nhu cầu tiêu dùng cho mùa thu tới. Người Ba Lan có vẻ không lo lắng nhiều.

Mỗi năm Ba Lan tiêu thụ khoảng 17 tỷ mét khối khí đốt, trong đó khoảng một nửa lệ thuộc vào Nga. Xác định là nước sẽ bị Nga nhắm đến đầu tiên, từ năm 2016 Varsaw đã có những bước đi chuẩn bị thoát khỏi lệ thuộc khí đốt Nga, bằng cách xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng nhập từ các nước khác. Hiện hệ thống tiếp nhận này đã có thể đạt công suất 7,5 tỷ mét khối/năm.

Ngoài ra cuối năm nay Ba Lan sẽ có thêm đường ống dẫn khí đốt Baltic Pipe, tiếp nhận trực tiếp khí đốt từ các mỏ của Na Uy đi qua Đan Mạch, với công suất vận chuyển 10 tỷ mét khối khí mỗi năm.

Với Bulgaria, bài toán có phức tạp hơn vì nước này bị lệ thuộc gần như hoàn toàn vào khí đốt Nga và khả năng tích trữ khí đốt thấp, chiếm có 17% nhu cầu. Nhưng vì là nước nhỏ Bulgaria cũng không có khó khăn gì nhiều trong việc tìm nguồn cung ứng thay thế. Bulgaria có thể trông cậy nhiều vào công trình xây dựng đường ống dẫn khí IGB, nối với Hy Lạp, dự kiến sẽ khánh thành trong vài tháng tới. Đường ống này giúp Bulgaria nhập khí hóa lỏng từ các cảng của Hy Lạp.

Còn lại bây giờ là để xem tới đây Gazprom sẽ cắt khí đốt với nước nào. Ngoài Hungary ra, tất cả các thành viên EU đều đã từ chối thanh toán tiền khí đốt Nga bằng đồng rúp. Có lẽ Đức là nước lo lắng nhiều, dù Berlin đang cố gắng cắt giảm dần lệ thuộc vào khí đốt Nga, hiện chỉ còn chiếm 40% tiêu thụ so với 55% ở thời điểm cuối năm ngoái. Để từ bỏ hẳn khí đốt Nga, nước Đức cần phải mất nhiều năm nữa. Nếu bị cắt nguồn khí đốt Nga ngay lập tức, các chuyên gia dự tính, nước Đức sẽ bị giảm một nửa chỉ số tăng trưởng kinh tế và  thậm chí có nguy cơ rơi vào suy thoái trong năm tới. Tương tự với nước Ý, theo chính phủ nước này, cần phải ít nhất 18 tháng đến 2 năm chuẩn bị thì Ý mới có thể ngừng mua khí đốt của Nga, hiện tại vẫn chiếm 45% nhu cầu tiêu thụ của nước này.

Về ngắn hạn, giới chuyên gia đều đánh giá, quyết định cắt khí đốt của Nga lần này với Ba Lan và Bulgaria không gây tác động nhiều đối với Liên Hiệp Châu Âu. Nhưng với việc đưa ra quyết định chưa từng có này, Tổng thống Vladimir Putin muốn cho thấy là ông ta vẫn còn những lá bài để đối phó với trừng phạt của Liên Âu. Khí đốt Nga vẫn là vũ khí gây rối loạn thị trường năng lượng châu Âu, luôn là công cụ gây chia rẽ, gây áp lực với Liên Âu.

Các nước châu Âu đang chuẩn bị đợt trừng phạt Nga thứ 6. Cấm vận dầu lửa khí đốt vẫn là chủ đề trọng tâm sẽ được đưa ra thảo luận. Dù gần đây Đức có tỏ quyết tâm từ bỏ khí đốt Nga hơn, nhưng với  nhiều nước như Hungary, Ý, Áo hay Slovakia thì vấn đề còn phức tạp.

Anh Vũ

- Quảng Cáo -