Sân chơi nào cũng được cấu thành ít nhất bởi 3 yếu tố chính: thứ nhất là luật chơi, thứ nhì là người điều phối cuộc chơi, và thứ ba là người chơi. Trong bóng đá hay môn thể thao nào cũng vậy, luật phải rõ ràng và chặt chẽ, trọng tài phải có chuyên môn, có đạo đức và có trách nhiệm. Chỉ cần hai điều đó đạt yêu cầu thì người chơi sẽ tạo ra trận đấu lành mạnh và kết quả công bằng. Như vậy, chính luật chơi và người điều phối sẽ tạo ra chất lượng sân chơi. Tuy nhiên, người chơi cũng cần có chuyên môn tốt, nhưng với chuyên môn tốt mà luật chơi và trọng tài không đạt thì sân chơi cũng loạn mà thôi.
Thị trường chứng khoán (TTCK) là một sân chơi, nó cũng được cấu thành từ 3 yếu tố chính ấy. Đó là luật chơi, người điều phối trò chơi và người chơi. Nói thẳng, ở sân chơi TTCK Việt Nam thì yếu kém ở cả 3. Nền tảng luật pháp, thực tế thì lỏng lẻo đầy lỗ hổng. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các Sở giao dịch thì đầy những quan chức bắt tay với doanh nghiệp và các nhà đầu tư có tổ chức để mua bán thông tin nội gián tiếp tay cho gian thương. Nơi đây đang chứa rất nhiều quan chức không chỉ năng lực kém mà đạo đức nghề nghiệp cũng thấp. Họ tiếp tay cho những doanh nghiệp gian phát hành trái phiếu dỏm gom tiền của nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Thực tế, nếu Nhà nước CS chấn chỉnh được luật chơi và người điều phối thì chắc chắn thị trường chứng khoán sẽ gạn lọc được rất nhiều những doanh nghiệp kém cỏi. Lúc đó thị trường chứng khoán sẽ tự nâng cao chất lượng mà thôi. Tuy nhiên, vì lợi ích nhóm hiện nay ở Việt Nam nó đã phát triển đến hồi bất khả trị. Quyền lực nhà nước và quyền lực đồng tiền đan xen và liên kết nhau chằng chịt. Chính nền tảng pháp lý đầy lỗ hổng nó cho phép những gian thương ngành chứng khoán có đất sống tốt. Luật pháp lỏng tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ẩu, mà doanh nghiệp làm ẩu thì quan chức có phần lại quả. Cứ thế cộng sinh nhau mà sống. Trong mối quan hệ cộng sinh giữa người điều phối và doanh nghiệp bẩn thì người điều phối là thành phần chính vì nó là một phần của ĐCS. Doanh nghiệp bẩn chỉ là ăn bám theo thành phần chính mà thôi. Vì thế nếu đại phẫu thì thành phần ăn bám sẽ là vật hy sinh.
Khi ung nhọt của thị trường chứng khoán đến hồi cần đại phẫu để vực dậy lòng tin xã hội thì chính quyền CS dù không muốn cũng phải cầm dao lên cắt. Tuy nhiên, nếu cắt bỏ phần luật pháp lỏng lẻo thì điều đó có nghĩa là miếng ăn cho quan chức sẽ bị mất. Nếu cắt bỏ quan chức tiếp tay cho doanh nghiệp bẩn thì chẳng khác nào tự đâm vào bụng mình. Vậy nên nhà nước CS mới chọn cách cắt bỏ vài doanh nghiệp bẩn để bảo vệ miếng ăn cho thành phần cốt lõi trong nhóm lợi ích. Đó là lý do ĐCS chỉ trị người chơi không lành mạnh chứ không trị kẻ điều phối và thay luật chơi.
Trừng trị người chơi thì sẽ dẫn đến việc nhà đầu tư mất niềm tin nhanh chóng vào thị trường và thị trường chứng khoán đã lao dốc như mấy ngày qua. Việc triệt người chơi chỉ là chữa bệnh ngoài da nên bệnh sẽ tái phát. Khi đó thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn trồi sụt chứ không phát triển ổn định để nâng tầm thị trường vốn.
Ở Việt Nam, không thiếu những trí thức có khả năng nghiên cứu các chính sách mà những nền kinh tế lớn đã áp dụng. Cũng chính sách đó nhưng ở Mỹ, ở Singapore, ở Nhật, ở Anh thì thành công nhưng ở Việt Nam lại bị vướng không thể phát huy hiệu quả hoặc không thể triển khai được. Nguyên nhân là bởi lợi ích nhóm. Ở các quốc gia văn minh không có lợi ích nhóm nên chính sách cứ chạy bon bon như xe chạy trên đường cao tốc, còn ở Việt Nam, những chính sách đó sẽ gặp cản lực rất lớn chẳng khác nào xe chạy cung đường offroad. Lợi ích nhóm nó là cản lực cực lớn cho mọi chính sách, chính nó đã làm cho mọi cải cách của ĐCS chỉ dừng lại ở mức nửa vời hoặc thất bại mà chẳng thể nào khá hơn được./.
-Đỗ Ngà-
Leave a Comment