Năm 1944, các quốc gia thuộc phe đồng minh ký thỏa thuận Bretton Woods. Họ cam kết rằng, các ngân hàng trung ương ở các quốc gia tham dự sẽ duy trì tỉ giá hối đoái cố định với đồng đôla. Như vậy, nếu nói tiền là thước đo mọi hàng hóa ở mỗi quốc gia, thì với Thỏa thuận Bretton Woods quy định đồng Dollar Mỹ là thước đo của mọi đồng tiền khác, nên người ta nói đồng Dollar Mỹ là tiền của tiền là vì thế.
Vì nước Mỹ nằm xa Châu Âu và Nhật Bản, lúc đó Mỹ là cường quốc duy nhất trong khối Đồng Minh ít bị sa lầy chiến tranh Thế giới thứ 2 nên nhiều quốc gia trong khối này đã chấp nhận Dollar Mỹ làm nền tảng cho thước đo cho đồng tiền của họ. Mục đích là để các Ngân hàng Trung ương có thể neo đồng tiền của họ vào đồng Dollar Mỹ nhằm tránh trường hợp siêu lạm phát như các quốc gia Âu Châu sau Chiến Tranh thế giới thứ nhất. Vì thế mà Dollar trở nên đồng dự trữ mạnh nhất trong kho dự trữ ngoại hối ở các Ngân hàng Trung ương từ đó cho đến nay.
Thỏa thuận Bretton Woods có 2 ý chính: Thứ nhất, các đồng tiền khác sẽ neo giá vào đồng Dollar Mỹ; Thứ nhì là Dollar Mỹ neo giá vào Vàng (tức chế độ bản vị vàng). Tuy nhiên năm 1971, vì chế độ bản vị vàng gây khó khăn cho các chính sách tiền tệ của Cục dự Trữ Liên Bang-FED nên Mỹ hủy bỏ chế độ bản vị vàng và hệ thống Bretton Woods xem như “sụp đổ”. Tuy hệ thống này sụp đổ nhưng cho đến nay, hầu hết các Ngân hàng Trung ương vẫn dùng đồng Dollar Mỹ để giữ ổn định đồng nội tệ của họ. Nghĩa là Thỏa thuận Bretton Woods chỉ sụp đổ một nửa chứ không sụp đổ hoàn toàn.
Việc xóa bỏ chế độ bản vị vàng của Mỹ có thể sẽ làm các ngân hàng Trung ương khác không còn tin tưởng đồng Dollar nữa, bởi vì chính họ đang neo giá đồng tiền của họ vào một đồng tiền đang thả nổi. Chính vì thế, Mỹ đi thêm bước nữa để buộc thế giới phụ thuộc vào đồng Dollar Mỹ hơn nữa. Đó là năm 1973, Mỹ đã thuyết phục Saudi Arab đồng ý thiết lập giá dầu bằng Dollar Mỹ. Điều đó có nghĩa là bất kì quốc gia nào muốn mua dầu từ chính phủ Saudi Arabia sẽ phải đổi tiền nước mình thành đôla Mỹ để có thể thanh toán cho dầu mỏ. Sau này các nước OPEC còn lại cũng làm theo và yết giá dầu của họ bằng đồng tiền của Mỹ. Chưa hết, cũng năm 1973, Mỹ đã lập ra Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu – SWIFT làm nền tảng cho việc thanh toán bằng đồng Dollar Mỹ trên toàn thế giới.
Khi Mỹ xóa bỏ chế độ bản vị vàng để cởi trói cho FED thì Mỹ thì điều đó có nghĩa là đồng Dollar Mỹ sẽ suy yếu nếu Mỹ không có giải pháp thay thế. Đó là lý do Mỹ đã đi thêm 2 bước nữa buộc thế giới phải dùng Dollar của họ. Đây là nước cờ vẹn toàn mà người Mỹ đã tính trước vượt xa các cường quốc khác. Các quốc gia khác có thể dùng đồng tiền mạnh khác thay thế Dollar Mỹ để mua hàng hóa nhưng họ không thể không dùng Dollar Mỹ để mua năng lượng hóa thạch. Dù cho các quốc gia thù địch Mỹ cũng phải có nhu cầu dùng dollar Mỹ. Và nhờ đó, đồng Dollar Mỹ chiếm thế thượng phong so với những đồng ngoại tệ khác cho đến ngày nay.
Toàn cầu hóa là gì? Đó là một hiện tượng gia tăng số lượng, cường độ của các hoạt động làm phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia về mặt kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị và pháp lí. Đi đầu trong vấn đề toàn cầu hóa là kinh tế, từ đó mới dẫn tới những phụ thuộc khác. Mà xương sống trong vấn đề quan hệ kinh tế chính là sự lưu thông hàng hóa trên toàn cầu. Mà hàng hóa có lưu thông được hay không nó phụ thuộc 100% vào sự lưu thông tiền tệ trong thanh toán quốc tế. Có thể nói, nếu không có SWIFT thì vấn đề toàn cầu hóa không phát triển mạnh như ngày nay.
Hãy để ý cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 cách chiến tranh thế giới thứ nhất chỉ có 11 năm. Tuy nhiên từ sau thỏa thuận Bretton Woods đến nay, thế giới chỉ xảy ra chiến tranh ở các điểm nhỏ chứ không xảy ra chiến tranh thế giới, mặc dù là một thời gian dài thế giới bị đe dọa bởi Chiến Tranh Lạnh. Các quốc gia tự kiềm chế đã đành, mà ẩn sâu trong đó là khi phát động chiến tranh súng đạn thì các quốc gia gây chiến cũng bị Mỹ và Phương Tây trừng phạt kinh tế. Mạnh như Liên Xô mà còn phải sụp đổ khi Mỹ và OPEC cho ghìm giá giầu mỏ thấp làm kinh tế họ sụp đổ (vì nền kinh tế Liên Xô phụ thuộc quá nhiều vào việc bán dầu). Điều này cho thấy, dù cho Liên Xô không tham gia sân chơi chung với khối tự do trong vấn đề toàn cầu hóa nhưng họ vẫn không thể nằm ngoài vòng xoáy của nó. Vì thế, công cụ trừng phạt kinh tế dựa vào sức mạnh đồng Dollar của Mỹ hiện nay có thể nói nó hiệu quả còn hơn cả việc nổ súng.
Hiện nay vấn đề toàn cầu hóa nó đã phủ khắp thế giới, dù cho quốc gia độc tài, không thân thiện với Phương Tây và Mỹ cũng không nằm ngoài cuộc. Trong cuộc chiến Ucraina, Trung Quốc rất muốn ủng hộ Nga nhưng chỉ ủng hộ miệng, bởi sự lợi hại của công cụ kinh tế mà Mỹ đang nắm. Thương mại 2 chiều của Trung Quốc và Mỹ lên đến 4.500 tỷ đô la, gấp 3 lần GDP của Nga, và trong kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc có đến 1.100 tỷ là Dollar Mỹ, mà hầu hết là trái phiếu chính phủ Mỹ. Tức chỉ cần Trung Quốc hùa với Nga thì Mỹ có thể cho đóng băng hoàn toàn 1.100 tỷ Dollar khiến Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc mất một công cụ sắc bén để ổn định đồng Yuan của họ.
Thông qua chiến tranh Ucraina, Mỹ một mặt giúp đỡ vũ khí hiện đại cho Ucraina chống lại thứ vũ khí “đồng nát” của Nga và đặc biệt ở cánh tay còn lại, Mỹ bóp chết kinh tế Nga. Sau cuộc chiến, vị thế siêu cường quân sự của Nga sẽ sụp đổ và vị trí cường quốc kinh tế của Nga từng có cũng bị Mỹ cho bay mất. Xét về quân sự, Trung Quốc không hơn Nga, xét về kinh tế thì Trung Quốc lớn hơn Nga 10 lần nhưng về bản chất thì nền kinh tế này vẫn phụ thuộc nền kinh tế Mỹ, phụ thuộc đồng Dollar Mỹ và phụ thuộc vào hệ thống thanh toán quốc tế của Mỹ không khác gì Nga. Như vậy, kết thúc chiến tranh Ucraina, Putin chỉ có thể hạ thấp vị thế Nga và nâng cao vị thế Mỹ hơn mà thôi. Và qua đó Mỹ gián tiếp cho Trung Quốc hiểu hơn về sự lợi hại của những công cụ mà Mỹ đang có trong tay./.
-Đỗ Ngà-
Leave a Comment