Thị trường trái phiếu Việt Nam hiện nay đang rất loạn, hàng dỏm chiếm áp đảo. Qua tay chính quyền CS thì trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang tồn tại hai loại rõ rệt, loại hàng hiệu và loại hàng dỏm. Vậy, hàng hiệu và hàng dỏm là gì?
Hàng hiệu là trái phiếu của những doanh nghiệp có năng lực tài chính được Ủy ban Chứng khoán nhà nước đảm bảo và được danh chính ngôn thuận phát hành công khai chào bán trước công chúng thông qua các sở giao dịch chứng khoán. Loại này rất ít, chỉ chiếm 5% trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Được biết, với tổng vốn thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 lên đến 658 ngàn tỉ đồng thì loại trái phiếu hàng hiệu này có tổng giá trị chỉ 32 ngàn tỷ đồng, tương đương 1,4 tỷ đô la mà thôi. Con số rất nhỏ so với quy mô của thị trường.
Đáng ngại là hàng dỏm, loại này không được nhà nước đảm bảo, họ không được phát hành ra công chúng qua ngả sở giao dịch chứng khoán mà lại được chào bán trôi nổi trên Facebook, Zalo, Tik Tok, Viber vv… Loại nầy chiếm đến 95% trên thị trường trái phiếu, nếu tính ra giá trị thì chiếm 625 ngàn tỷ đồng, tương đương 27,2 tỷ đô la. Phải nói rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu là giao dịch hàng dỏm. Hàng hiệu chỉ để làm kiểng.
Để cho lượng trái phiếu hàng dỏm ra thị trường, nhà nước CS đã thực hiện 2 điều bằng cách tạo nền tảng pháp lý cực kỳ lỏng lẻo:
– Điều thứ nhất là mở toang cửa cho doanh nghiệp dỏm được quyền phát hành trái phiếu;
– Điều thứ nhì là nhà nước ra luật nhằm phủi trách nhiệm đối với nhà đầu tư để mặc sức những doanh nghiệp dỏm lộng hành.
Về mặt mở toang cửa cho doanh nghiệp dỏm lộng hành thì bài viết “Trái phiếu doanh nghiệp: Hiểu đúng mới mua” trên báo Tuổi Trẻ ngày 26/04 có cho biết một doanh nghiệp phát hành trái phiếu chỉ cần đáp ứng 2 điều kiện sơ sài như sau thì thì có thể phát hành trái phiếu:
– Thứ nhất, chỉ cần thành lập công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn, nếu ngành nghề kinh doanh không cần vốn pháp định, thì có thể kê vốn điều lệ tùy ý;
– Thứ nhì, chỉ cần thuê công ty kiểm toán để kiểm toán báo cáo tài chính.
Tuy nhiên, điều đáng nói là không ràng buộc hoạt động kinh doanh của năm liền trước năm đăng ký chào bán trái phiếu không bị lỗ hoặc không bị lỗ lũy kế. Phải nói, đây là lỗ hổng cực lớn cho doanh nghiệp dỏm có điều kiện huy động vốn.
Về mặt phủi trách nhiệm với nhà đầu từ thì ở điểm b khoản 2 điều 8 của Nghị định 153/2020 có quy định như sau: “Tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình và tự chịu các rủi ro phát sinh trong việc đầu tư và giao dịch trái phiếu. Nhà nước không đảm bảo việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và các quyền khác cho nhà đầu tư mua trái phiếu.” Có thể nói, với việc quy định kiểu phủi trách nhiệm như thế này thì khi bị trắng tay thì nhà đầu tư không biết kêu ai.
Như bài trước tôi đã có nói, nếu muốn chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì nhà nước phải thực hiện 3 việc song song. Đó là: “cắt bỏ những doanh nghiệp bẩn, cắt bỏ quan chức bẩn, và hoàn chỉnh nền tảng pháp lý”. Cho rằng hiện hay chính quyền CS đang cắt bỏ doanh nghiệp bẩn, nhưng với lỗ hổng pháp lý khổng lồ đang tạo điều kiện cho 95% nguồn vốn của thị trường này đang là mặt hàng rất rủi ro thì làm sao chấn chỉnh đây? Không phải ĐCS họ không biết, mà họ biết nếu làm rốt ráo phần nền tảng luật pháp thì thị trường trái phiếu sụp đổ (vì trái phiếu dỏm đang chiếm đến 95% thị trường mà?). Lúc đó, thị trường trái phiếu kéo những thị trường khác sụp đổ theo dạng quân cờ domino. Đó là nhà đầu tư mất tiền, niềm tin xã hội vào thị trường chứng khoán xuống thấp làm doanh nghiệp chân chính khó huy động vốn trên thị trường chứng khoán, các doanh nghiệp sân sau mất miếng mồi ngon và cơ hội nâng tầm thị trường tài chính Việt Nam trở nên xa vời. Mà thị trường tài chính bị đánh giá thấp thì sẽ dẫn tới việc nhà đầu tư ngoại rút chạy và nền kinh tế Việt Nam lâm vào khủng hoảng nguồn vốn nghiêm trọng.
Ngày 26/04, ông Bộ trưởng Tài Chính – Hồ Đức Phớc lên báo nói rằng: “Đã cảnh báo nhiều lần rủi ro trái phiếu doanh nghiệp”. Vậy tôi hỏi ông Phớc, ai xây dựng nền tảng pháp lý lỏng lẻo để đến 95% thị trường trái phiếu doanh nghiệp nằm trong tay những doanh nghiệp kém cỏi? Không nhà nước thì ai? Khi nhà nước đã mở toang cửa cho kẻ gian lộng hành thì nhà nước cảnh báo nhà đầu tư liệu có ích gì, thưa ông? Ông thật là đạo đức giả thưa ông Bộ trưởng!
Vấn đề là không nghiêm túc ngay từ đầu, đến giờ khi mà thị trường trái phiếu đã quá lớn mà đại phẫu đến tận gốc rễ thì e không được nữa. Đã hại dân thì chắc là tiếp tục hại dân nữa cũng chả sao, chỉ cần dùng mặt trận truyền thông nói lời hay là dụ những nạn nhân tiếp tục là được. Dân Việt rất cả tin, vẫn còn đất sống cho nhà nước CS của ông tiếp tục mị dân lấp liếm cái sai của nhà nước./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo
https://tuoitre.vn/trai-phieu-doanh-nghiep-hieu-dung-moi…
Leave a Comment