Những ngày qua tôi nhận được quá nhiều những chia sẻ từ học sinh, phụ huynh, giáo viên… về đủ thứ chuyện trong giáo dục. Tất nhiên là không có chuyện nào vui cả. Từ việc “ép không được thi lớp 10”, đến nạn văn mẫu, học thêm, quá tải, trù dập, dối trá…
Với ai dường như tôi cũng nói ba điều sau đây:
1- Tôi hiểu và đồng cảm, vì tôi từng là giáo viên, và đã phải bỏ nghề bởi những thứ xấu xa nhưng không cách gì sửa chữa ấy trong môi trường giáo dục; và vì tôi cũng có con đang đi học – nên tôi vẫn phải đối diện với những chuyện ấy hàng ngày, dù không còn ở trong giáo dục nữa.
2- Hãy đồng hành cùng con cái mình. Đừng để chúng đơn độc. Nhà trường có thể coi chúng là công cụ tạo ra thành tích nhằm mưu cầu lợi lộc, nhưng gia đình hãy chấp nhận chuyện con mình “học dốt”, không có giấy khen; hãy nói với chúng rằng, cha mẹ chỉ cần con vui vẻ, điểm số không phải đồng nhất con người con… Đừng đẩy chúng “ra đường”. Khi mà nhà trường đã đối xử bất công rồi thì chúng cần có một nơi để trở về, nếu không những lan can hay một bờ hồ nó đó sẽ gọi chúng đến…
3- Hãy lên tiếng. Đầu tiên hãy gặp giáo viên và nhà trường, nói rõ với họ về những gì phi lý và phi giáo dục mà họ đang làm, đòi hỏi sự thay đổi. Dùng đến các công cụ pháp luật như tòa án để khởi kiện khi thấy hành vi phạm pháp. Nếu việc giải quyết nội bộ không có kết quả thì hãy sử dụng đến phương tiện truyền thông, đó là quyền được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể làm thay quý vị điều ấy cả. Với chính con cháu mình mà quý vị còn không dám lên tiếng để bảo vệ chúng thì làm sao quý vị có thể chờ đợi vào người dưng?
* Và tôi nghĩ, không biết “đường dây nóng” của Bộ Giáo dục đã nhận được những gì, nhưng có một thực tế rằng, bất cứ ở đâu có người thật sự lắng nghe thì người dân sẽ nói cho nghe. Nếu Bộ GD không nghe thấy một tiếng động nào từ phía người dân, thì đường dây vẫn lạnh dù giáo dục thì đang nóng rực; và đó mới chính là sự thất bại lớn nhất: mất niềm tin. Mà như người ta vẫn nói, “mất niềm tin là mất tất cả”./.
Thái Hạo
Leave a Comment