Sẽ có cuộc cách mạng về cơ cấu nhân sự Đảng?

- Quảng Cáo -

Nguyễn Huỳnh – (VNTB) – Trước thềm Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII của Đảng, nhiều tín hiệu cho thấy khả năng sẽ có một cải cách mạnh mẽ trong hệ thống quản lý lâu nay của Đảng.

Ghi nhận tại Hội thảo trực tuyến lấy ý kiến góp ý Đề án “Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên” tại 21 điểm cầu tỉnh ủy, thành ủy; điểm cầu Hội trường tầng G, Ban Tổ chức Trung ương và điểm cầu Phòng họp Vụ Địa phương III, có đề xuất Trung ương không tiếp tục thực hiện mô hình tổ chức cơ sở đảng ở 02 Đảng bộ Khối cơ quan Đảng, Mặt trận đoàn thể và Khối chính quyền cấp huyện để giảm bớt tầng nấc trung gian giữa chức năng của đảng ủy, ban thường vụ huyện, thị, thành ủy và các chi bộ trực thuộc.

Đối với phương án sắp xếp đảng bộ cơ sở trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố nên thống nhất trụ sở chính đóng ở tỉnh nào thì tổ chức đảng, các đoàn thể quần chúng trực thuộc đầu mối của đảng ủy khối của tỉnh đó để đảm bảo tính lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cùng cấp.

Theo số liệu ghi nhận từ Đề án, toàn Đảng có khoảng 52.000 tổ chức cơ sở đảng với hơn 5,2 triệu đảng viên và nhiều loại hình tổ chức cơ sở đảng: xã, phường, thị trấn; cơ quan đảng, nhà nước, mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội; các đơn vị sự nghiệp; các loại hình doanh nghiệp; các đơn vị quân đội, công an; các đơn vị ở ngoài nước.

- Quảng Cáo -

Từ sau Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2-2-2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, đã có 119 văn bản nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề liên quan đến tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.

Đáng chú ý là dự thảo của Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu cơ bản trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là đảng viên, năm 2030 phấn đấu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, được đánh giá là “thiếu thực tế”, cần phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế của các địa phương và có tính khả thi trong triển khai thực hiện.

Một vấn đề được đánh giá là khá nhạy cảm được đặt ra là nên chăng việc chấm dứt duy trì mô hình chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn vì tính hiệu quả của nó?.

Theo ghi nhận của Cục Chính trị Quân khu 1, hoạt động của chi bộ quân sự xã đang có nhiều hạn chế, như: Lãnh đạo công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; xây dựng lực lượng dân quân cơ động, dân quân thường trực.

Việc duy trì sinh hoạt chi bộ có nơi chưa đều, nội dung và chất lượng sinh hoạt còn hạn chế; nhiều chi bộ chưa kết nạp được đảng viên. Chỉ đạo hoạt động của chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn chưa thường xuyên nên có nội dung chất lượng hạn chế.

Về cơ cấu đảng viên, theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, đảng viên là dân quân sinh hoạt ở chi bộ quân sự, do vậy làm giảm tỷ lệ lãnh đạo của chi bộ thôn, bản, gây khó khăn cho việc xóa thôn, bản “trắng” chi bộ, nhất là ở các xã vùng sâu, biên giới.

Đảng viên của chi bộ quân sự xã cư trú phân tán, có nơi xa trung tâm xã, không tiện sinh hoạt. Mặt khác, số đảng viên này thường là lao động chính trong gia đình, ngành nghề đa dạng, có thời điểm đi làm ăn xa không tham gia sinh hoạt đầy đủ, trong khi nhiệm vụ chính của công tác quốc phòng, quân sự địa phương thường thực hiện ở một số thời điểm nhất định nên nội dung sinh hoạt còn đơn điệu.

Đoàn viên trong lực lượng dân quân phân tán ở các thôn, bản; chủ yếu tham gia hoạt động ở các thôn, bản, chỉ tập trung theo yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện các nhiệm vụ đột xuất của địa phương nên việc thành lập chi đoàn thanh niên trong lực lượng dân quân khó khăn.

Công tác tạo nguồn phát triển đảng viên mới còn bất cập do không thành lập được chi đoàn thanh niên trong trung đội dân quân; thời gian tham gia dân quân thường trực ngắn chỉ từ 6 tháng đến 2 năm, trong khi chiến sĩ dân quân cư trú ở các thôn, bản không có thời gian công tác liên tục 1 năm với đảng viên trong chi bộ quân sự…

Ngoài ra việc thành lập chi bộ quân sự xã trong đó cơ cấu thành phần của chi bộ như hiện nay gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc, như: Chủ tịch UBND xã là chủ tịch hội đồng nghĩa vụ quân sự xã, chịu trách nhiệm về công tác quân sự quốc phòng, nhưng không tham gia sinh hoạt tại chi bộ nên không nắm bắt kịp thời các chủ trương của chi bộ.

Chi bộ không có các tổ chức đoàn thể, không có lực lượng dân quân thường trực; do đó, nguồn phát triển đảng viên của chi bộ gặp nhiều khó khăn (chủ yếu là dân quân). Đảng viên thuộc chi bộ chủ yếu tuổi đời trẻ, có trình độ văn hóa nhưng không tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, tổ dân phố; trong khi đó, đảng viên ở các thôn, tổ dân phố có số lượng ít, tuổi đời cao, đau ốm, xin miễn sinh hoạt nhiều nên ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động…

Dự kiến nếu không có thay đổi vào giờ chót thì Đề án “Về xây dựng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên” sẽ được trình Ban Chấp hành Trung ương thông qua ở Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII diễn ra trước khi bắt đầu Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội được thông báo là khai mạc vào thứ hai, ngày 23-5-2022.

- Quảng Cáo -