Câu chuyện “trồng người” của nền giáo dục XHCN

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà

Đầu tháng tư, một học sinh phải nhảy lầu tự vẫn vì bị gia đình ép học đến 3 giờ sáng. Câu chuyện rất thương tâm, đấy là nỗi đau lớn cho phụ huynh. Tuy nhiên, bên cạnh nỗi đau đó cũng cần phải nhìn nhận nhân tố gia đình trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Đây là hình ảnh gia đình không là chỗ dựa cho học sinh mà là nơi chèn ép học sinh, mục đích là để chúng mang lại thành tích cho người lớn. Vì chút sĩ diện hão mà phụ huynh đã làm hại đời con. Sự nhẫn tâm rất đáng báo động, nhiều bậc phụ huynh vẫn cho là họ “thương con”. Trong tháng tư, ít nhất 3 vụ học sinh tự vẫn như thế. Thật đau lòng!

Những ngày gần đây, mạng xã hội và báo chí dậy sóng trường hợp hàng loạt trường PTCS ở Hà Nội ép những em học sinh “học dốt” không được thi vào lớp 10. Mục đích là để trường bảo vệ thành tích thi đua. Thực hiện công việc ấy là những giáo viên chủ nhiệm. Chính họ đã thay mặt nhà trường ép phụ huynh “viết đơn tự nguyện” rút tên con em khỏi danh sách thi vào lớp 10. Hành động “ép viết đơn tự nguyện” là một hành động chạy tội. Mục đích của họ là đẩy trách nhiệm qua phụ huynh để giáo viên và Ban Giám hiệu thoát tội nếu bị truy cứu. Một bộ máy nhà trường đồng lòng thực hiện hành động lươn lẹo đó thì làm sao họ dạy đạo đức cho học sinh đây?

Việc “xây thành tích bằng cách tước đoạt tương lai học sinh” của một số trường PTCS ở Hà Nội nó có dáng dấp của tư tưởng “đường vinh quang xây xác quân thù” mà nhà trường bắt học sinh hát Quốc ca mỗi sáng thứ hai đầu tuần. Thực tế là ĐCS đã xây “vinh quang” ngày 30/4/1975 trong quá khứ bằng chính núi “xác quân thù”, mà “quân thù” ấy là chính đồng bào mình. Đó là nỗi đau cho đất nước nhưng lại là “vinh quang” to lớn cho ĐCS. Tương tự vậy việc tước bỏ tương lai của học sinh cũng chỉ đem lại “vinh quang”(tức thành tích cao) cho trường nhưng nó là nỗi đau cho những học sinh có thành tích học tập không tốt. Nền giáo dục được sinh ra từ bộ máy chính trị có tư tưởng “xây dựng vinh quang bằng xác quân thù” thì làm sao là nền giáo dục có nhân bản cho được? Vậy nên, nền giáo dục này nó mới phi nhân đến như thế.

- Quảng Cáo -

Với nền giáo dục như vậy, đạo đức học sinh xuống cấp là điều không thể tránh khỏi. Hôm nay, ngày 21/04, báo Soha lại đưa tin “Xôn xao clip một học sinh lớp 7 bị hai thanh niên chặn đường đánh đập dã man”. Đạo đức của học sinh đang xuống cấp trầm trọng. Nếu lên Google gõ từ học sinh đánh nhau thì kết quả hiện ra nhiều vô số kể, nào là học sinh chém học sinh, nữ sinh đánh lộn lột đồ nhau rồi quay clip, thầy đánh trò, trò đánh thầy đầy ra đó. Đạo đức của lớp “đang học” hôm nay sẽ là nền tảng đạo đức của lớp “có học” sau này. Với nền tảng đạo đức của lớp đang học như thế thì làm sao đạo đức của lớp có học mai sau khá hơn được đây?

Con người vô học mà vô đạo đức đã đáng sợ thì người có học mà vô đạo đức thì đáng sợ hơn gấp bội. Tầng lớp có học mà vô đạo đức thì nó tàn phá xã hội rất khủng khiếp, vì sao? Vì xã hội luôn nhìn những người có học như là những tấm gương. Hầu hết những quan chức, những doanh nhân thành đạt đều là người có học mà rất nhiều trong chính họ là kẻ vô đạo đức thì xã hội nát là điều khó tránh khỏi.

Thực tế cho thấy, ở xã hội này hàng loạt kẻ có học, có địa vị trong doanh nghiệp và trong cả chính quyền bị lộ mặt đạo đức giả. Cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền Thông – Trương Minh Tuấn đã từ viết sách dạy đảng viên nhưng rồi ông đã làm gì? Tham ô và vào tù. Hay mới đây, ông Trịnh Văn Quyết cũng là người viết sách “Triển Vọng Chứng Khoán Việt Nam – Nhì Từ Góc Độ Pháp Lý”, tuy nhiên thực tế thì chính ông ta đã phạm pháp về lĩnh vực chứng khoán. Hay như ông Đỗ Anh Dũng chủ tịch kiêm CEO của Tân Hoàng Minh cũng vậy, tuy ông này không viết sách nhưng lại lên tiếng dạy đạo đức xã hội trong khi chính ông ta làm ăn phi pháp. Liên đới chịu trách nhiệm với ông Trịnh Văn Quyết và ông Đỗ Anh Dũng đều là những con người học hành những trường danh giá ở nước ngoài, tuy nhiên về giáo dục nền tảng bậc phổ thông, thì những con người này vẫn học dưới mái trường XHCN.

Đấy! Gia đình, nhà trường và xã hội như thế thì lấy đâu ra một xã hội tiến bộ cho ngày mai? Học sinh từ thế hệ này đến thế hệ khác chưa bao giờ được xem là tầng lớp được sự phục vụ của người lớn mà ngược lại, người lớn trong xã hội này bắt chúng phải phục vụ cho mục đích ích kỷ của họ. Đấy không phải là “trồng người” như ông Hồ Chí Minh đã nói mà là “phá người”, phá tương lai đất nước./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/mot-hoc-sinh-truong…

https://soha.vn/xon-xao-clip-mot-hoc-sinh-lop-7-bi-hai…

https://vtc.vn/ong-truong-minh-tuan-nhan-hoi-lo-cuon-sach…

https://123docz.net/…/5968487-ebook-trien-vong-thi…

- Quảng Cáo -