Năm ngoái có lần tôi đã viết về hội chứng FOMO tạo nên phong trào người người đào Pi. Vì nó mà những người đào Pi cứ đâm đầu vào ấy như con thiêu thân vì họ kỳ vọng họ sẽ là các “tỷ phú tiền tiêu không hết”. Vậy hội chứng FOMO là gì cũng cần xin nhắc lại để mọi người hiểu hơn về bản chất của cơn sốt đất hiện nay.
FOMO là Fear of missing out, nghĩa là hội chứng sợ bỏ lỡ cơ hội. Do lòng tham, sự phấn khích, thiếu kiên nhẫn vv… mà ra. Khi thấy một món hàng được người ta mua đi bán lại kiếm lời một cách dễ dàng và nhanh chóng thì trong con người ta sẽ có tâm lý sợ mất cơ hội nên lao vào lập lại hành động của người đi trước. Chính hội chứng này nó dẫn đường cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ lao vào mua đi bán lại kiếm lời nóng như một con thiêu thân mà không hề nhận ra những thương vụ đấy càng về sau càng rủi ro.
Hội chứng FOMO này xuất hiện khắp nơi, từ chứng khoán, đến tiền ảo và trong bất động sản đều có. Chính lúc phát bệnh, xã hội sẽ đẩy giá những thứ hàng không làm ra của cải gì cho xã hội ấy cứ tăng giá vùn vụt tạo nên hiện tượng mất cân đối vĩ mô. Nguồn vốn xã hội đổ vào đây quá nhiều gây ra sự chậm tiến của xã hội nói chung.
Nói về thị trường bất đông sản thì nhu cầu nhà ở cho người có nhu cầu thật không bao giờ có hiện tượng tăng đột biến. Nhu cầu nhà ở, đất nền tăng đột biến tạo sốt đất chỉ là bởi những người biết tạo ra nhu cầu giả tạo mà thôi. Những nhu cầu giả tạo ấy do ai tạo ra? Muốn cháy rừng thì ắt phải có mồi lửa, và ai đã mồi như thế? Trong phần này tôi bắt đầu tiếp câu chuyện của công ty A ở bài trước.
Trong bài viết “Đảo Nợ, trò ăn cướp tiền của nhà đầu tư” ngày hôm qua tôi đã nói về ngân hàng đang ôm món nợ xấu 1.000 tỷ vì đã cho công ty A vay. Rồi sau đó ngân hàng phối hợp với công ty A phát hành trái phiếu 1.500 tỷ để đẩy khoản nợ xấu ấy cho nhà đầu tư trái phiếu. Nhà đầu tư trái phiếu ấy không chỉ gánh khoản nợ 1.000 tỷ của ngân hàng đẩy qua mà họ bị đè thêm khoản vay 500 tỷ đồng để công ty A có tiền xoay vốn cho dự án của họ.
Nói tóm lại là trước kia công ty A nợ ngân hàng 1.000 tỷ, sau khi “đảo nợ” công ty A nợ nhà đầu tư trái phiếu 1.500 tỷ cùng với khoản tiền lãi cam kết. Vậy thì công ty A xử lý khối nợ trái phiếu 1.500 tỷ ấy thế nào khi nó đáo hạn? Câu hỏi đặt ra tiếp là, với lãi suất ngân hàng thì món nợ 1.000 tỷ đồng công ty A đã không có khả năng trả thì với lãi suất gấp rưỡi và món nợ 1.500 tỷ của trái phiếu làm sao công ty A trả được? Câu trả lời là, họ tiếp tục lừa nhà đầu tư tiếp. Lần này họ không phải lừa nhà đầu tư trái phiếu mà họ lừa nhà đâu tư nhỏ lẻ trong ngành bất động sản. Mục đích là đẩy tiếp khoản nợ ấy sang nhà đầu tư bất động sản gánh hết. Vậy cách làm là như thế nào?
Để tạo ra kịch bản “sốt đất”, công ty A đã xây dựng nên một đội ngũ cò cấp một “mua sỉ bán lẻ” theo dạng “phe ta bán cho phe mình” để gây ra nhu cầu ảo nhằm đẩy giá đất lên cao. Họ thuê hàng trăm ô tô dừng dọc các quán cà phê ven tuyến đường lớn ngồi bàn tán về dự án để tạo sự lan tỏa rồi họ tiến hành dao dịch. Chỉ cần vài lần qua tay nhanh chóng và làm giá thì đấy sẽ kích thích lòng tham các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nhìn thấy cơ hội ngon ăn, các nhà đầu tư thật nhảy vào mua để hòng bán lại kiếm lời nóng. Vì hiệu ứng FOMO dẫn đường họ đã tự tạo ra nhu cầu ảo kiểu “cò bán cho cò” (cò ngày nay không hẳn là môi giới kiếm hoa hồng mà họ có thể có tiền mua sang tay). Sự sang tay kiếm lời liên tiếp, thì cuối cùng sản phẩm ấy cũng phải tìm đến người có nhu cầu thật và khi đó, người có nhu cầu thật không thể mua nổi vì giá cao và kết quả là thị trường nhà đất đóng băng và nhà đầu tư cuối cùng sẽ ôm lỗ.
Như vậy, nhà đầu tư cuối cùng ấy đã mất tiền để công ty A bán được đất dự án trong thời sốt đất kiếm lời khủng đủ để thanh toán 1.500 tỷ tiền nợ trái phiếu đã đáo hạn và công ty có thêm lợi nhuận khác. Với trò lừa liên hoàn như vậy, công ty A đã từ một ông chúa chổm mất khả năng trả nợ 1.000 tỷ đồng cho ngân hàng giờ thành một công ty ăn nên làm ra và thanh toán được 1.500 tỷ tiền nợ sau đó.
Thực ra một mình công ty A không thể kích cho cả thị trường sốt đất mà phải có rất nhiều công ty A như vậy tham gia. Kẻ thì tổ chức đấu giá đẩy giá trị bất động sản lên cao chót vót, rồi sau đó cho phương tiện truyền thông PR để gây ra mồi lửa tăng giá. Tiếp theo là những công ty như công ty A bắt tay cò dàn dựng đẩy giá bất động sản lên cao để kích thích lòng tham nhà đầu tư nhỏ lẻ, và từ đó tống hết sản phẩm với giá cao rồi sau đó thanh toán khoản nợ vốn công ty A không có khả năng trả.
Ở bài trước, tôi đã nói về liên minh Nhà nước – Ngân hàng – doanh nghiệp để thực hiện trò “đảo nợ” xấu từ ngân hàng sang nhà đầu tư trái phiếu. Và trong bài này, với những chiêu trò đẩy giá bất động sản tạo sốt đất như thế, doanh nghiệp đã chuyển món nợ xấu ấy từ nhà đầu tư trái phiếu nhỏ lẻ sang nhà đầu tư bất động sản. Và nhà đầu tư cuối cùng trong chuỗi trao tay và nâng giá ấy chính là kẻ phải gánh hết mọi rủi ro.
Câu hỏi đặt ra là tại sao công ty A không dừng lại trò lừa đảo khi “đảo nợ” từ ngân hàng sang nhà đầu tư trái phiếu mà họ lại tiếp tục đẩy rủi ro sang nhà đầu tư nhỏ lẻ ngành bất động sản? Bởi đơn giản, nếu không trả nợ nhà đầu tư trái phiếu thì công ty sẽ bị pháp luật sờ gáy vì dám “quỵt nợ” (vì trái phiếu là tờ gấy chứng nhận công ty A vay nợ nhà đầu tư), tuy nhiên việc để nhà đầu tư bất động sản “chết vì tham” thì lại khác, công ty A khoàn toàn vô can trước pháp luật.
Bản chất bên trong thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán Việt Nam lắm những thứ xấu xa như thế. Toàn là những chiêu trò làm cạn túi tiền nhà đầu tư để trục lợi. Đằng sau những “thịnh vượng” của các doanh nghiệp bất động sản được lên sàn thì nó là những trò ma mãnh thiếu trong sáng. Với nền tảng luật đất đai như hiện nay, với nền tảng luật chứng khoán như hiện nay và với năng lực quản lý đầy yếu kém của nhà nước CS thì gần như không thể nào đại phẫu được nữa. Tất cả những hành động như bắt bớ những những kẻ đứng đầu công ty loại như công ty A thì cũng không cải thiện được gì nhiều. CS quản lý đất nước thì chỉ như thế mà thôi./.
-Đỗ Ngà-
Leave a Comment