Nga – Trung là đối thủ tự nhiên. Ngay cả trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukrane, quan hệ Nga Trung gần giống quan hệ Đàng Trong và Campuchia hơn 3 thế kỉ trước.
Bến Tam Sa – VOA
Đẩy nhanh sự lệ thuộc của Nga vào Trung Quốc một cách tự nhiên
Nga – Trung là đối thủ tự nhiên. Ngay cả trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukrane, quan hệ Nga Trung gần giống quan hệ Đàng Trong và Campuchia hơn 3 thế kỉ trước. Vùng Thuỷ Chân Lạp (Khmer Krom, Đồng bằng Sông Cửu Long) của Campuchia đất rộng người thưa. Đàng Trong dân số đông, áp lực di cư từ Đàng Ngoài vào rất lớn, lại có kỹ năng tổ chức xã hội mạnh hơn, có kỹ thuật quân sự áp đảo nhờ học từ phương Tây qua ngả Trung Quốc. Cho nên việc Đàng Trong thôn tính Thuỷ Chân Lạp bằng chiến thuật “dân ta lan rộng đến đâu, lãnh thổ ta đến đó”, là tất yếu. Vấn đề chỉ là thời điểm, khi Campuchia đột nhiên suy yếu vì lý do nội tại.
Vùng Viễn Đông Nga [đường màu cam] và vùng đông bắc Trung Quốc [đường màu đen, gồm Hắc Long Giang, Nội Mông, có thể tính cả Liêu Ninh, Bắc Kinh, Thiên Tân như là hậu phương hùng mạnh của Hắc Long Giang]
Vùng Viễn Đông Nga chính là Thuỷ Chân Lạp của nước Nga:
– Với khoảng 8 triệu dân trên một lãnh thổ rộng gấp 3 Trung Quốc (nếu tính cả vùng Trung Nga vốn cũng thuộc Viễn Đông thì gấp đến 5 lần), đối diện với khoảng 120 triệu dân của 3 tỉnh giáp biên giới Trung Quốc.
– Nông dân Trung Quốc đã tràn sang vùng này làm nông nghiệp[1], như một áp lực tự nhiên của nền kinh tế, mà Nga không đủ nguồn lực để kiểm soát, người Nga cũng không thể cạnh tranh với họ trên chính đất của mình. Cộng đồng người Trung Quốc hiện tập trung ở Moscow và Viễn Đông Nga.
– Năm 2012, Nga đã phải thành lập riêng một bộ thuộc chính phủ liên bang là “Bộ đặc trách vùng Viễn Đông” (Federal Ministry for the Russian Far East). Mặc dù vùng Viễn Đông Nga hưởng lợi từ các dự án bán năng lượng cho Trung Quốc, TT. Nga Mendeleev đã cảnh báo nguy cơ vùng này có thể trở thành “vùng phụ cận cung cấp tài nguyên”[2] của chính các đại đô thị Trung Quốc vùng đông bắc.
– Sergei Karaganov, chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, bày tỏ lo ngại rằng vùng Viễn Đông Nga (và do đó, trong tương lai, thậm chí toàn bộ đất nước) có thể “biến thành phần phụ của Trung Quốc, trước hết là về mặt tài nguyên thiên nhiên, sau đó là về kinh tế và chính trị. Điều này sẽ xảy ra mà không cần bất kỳ nỗ lực tích cực hoặc bất hảo nào từ phía Trung Quốc, mà sẽ xảy ra do áp lực tự nhiên như một mặc định.“[3]
Sau cuộc xâm lược đại bại vào Ukraine, một cách tự nhiên, Nga trở nên cần Trung Quốc, với tư thế của kẻ yếu.
Ngày 19/3/2022, Ngoại trưởng Lavrov của Nga tuyên bố rằng phương Tây đã phá vỡ nền tảng của các hệ thống quốc tế (ám chỉ các lệnh trừng phạt của họ) nên hai “cường quốc” cần hợp tác với nhau để xây dựng hệ thống mới, do do đó quan hệ Nga Trung chỉ càng mạnh hơn.[4] Thực tế không như lời Lavrov nói, mà sẽ như điều ông thực sự nghĩ: Trung Quốc sẽ chỉ khai thác Nga chứ không cần hợp tác với Nga.
Từ thế tam quốc chuyển thành song hổ tranh hùng
– Mỹ và Trung Quốc bắt tay như 1972, tiếp tục xé Nga thành nhiều nhà nước nhỏ nhỏ. Kịch bản này khó xảy ra, vì:
● Nga đã thực sự suy yếu, vô hiệu hóa, không cần đánh thêm.
● Mỹ không muốn đẩy Putin vào đường cùng, không chỉ vì các bên đều phải tránh khả năng xung đột hạt nhân.
● Xét về lợi ích chiến lược dài hạn, mục tiêu cuối cùng của Mỹ vẫn là Trung Quốc, không phải Nga. Âu Mỹ cần một nước Nga dân chủ (thực sự) và hùng mạnh.
– Mỹ thực ra đã giải quyết xong Nga, thế chân vạc không còn, từ nay chỉ tập trung xử lý Trung Quốc, khi mà thế và lực của Mỹ đã được củng cố mạnh mẽ nhờ cuộc xâm lăng của Nga.
● Kịch bản 2 này dễ xảy ra hơn.
● Mỹ sẽ để Nga suy thoái thành cường quốc bậc trung, GDP dưới 1000 tỷ USD, chờ ngày phục sinh trong tương lai. (Sau khi Liên Xô tan rã, GDP của Nga và Trung Quốc gần ngang nhau. Sau 30 năm, đến trước cuộc xâm lược của Putin vào Ukraine, GDP của Nga là hơn 1400 tỷ USD, chỉ bằng 1/10 Trung Quốc, thua GDP của Quảng Châu, Giang Tô, bằng một nửa GDP California)
● Thế chân vạc đã mất, từ nay chỉ còn thế song hổ tranh hùng Mỹ Trung.
– Cục diện thế giới tiếp theo sẽ là Mỹ Trung chia đôi thế giới. Có 2 cách chia đôi:
1. Chia đôi thế giới theo kiểu bờ tây Thái Bình Dương của Trung Quốc, bờ đông của Mỹ (nếu điều này xảy ra, Biển Đông thành ao nhà Trung Quốc, theo đúng nghĩa đen, Việt Nam chỉ còn bờ biển đi tắm). Kịch bản này khó xảy ra, vì Trung Quốc tuy có GDP cao, nhưng chưa đủ sức chia đôi thế giới về mặt địa lý với Mỹ. Mặt khác, chia đôi thế giới bằng tiêu chí địa lý là tư duy địa chính trị đầu thế kỷ 20, ngày nay bản thân Trung Quốc đã vượt qua tư duy đó từ lâu.
2. Chia đôi thế giới bằng cách Trung Quốc đưa người và hệ thống quốc tế Mỹ xây dựng từ sau thế chiến hai, và đồng thời xây dựng hệ thống quốc tế riêng của mình: hệ thống tài chính, thị trường, chuỗi cung ứng riêng. Trung Quốc đã làm điều này từ lâu. Kể cả trước khi xảy ra cuộc xâm lược của Nga và cuộc phong tỏa tài chính, thị trường, chuỗi cung ứng của phương Tây với Nga, Trung Quốc đã nhận ra sự nguy hiểm của việc phụ thuộc vào hệ thống phương Tây. Từ nay, việc Trung Quốc tìm cách đẩy nhanh hệ thống riêng của mình có thể là ưu tiên hàng đầu. Nhưng khả năng thành công không cao. Việc tạo lập hệ thống thế giới mới, thay thế hệ thống cũ, luôn phải thực hiện bằng đại chiến. Điều này rất khó xảy ra trong quan hệ Mỹ Trung, một khi hai bên còn lý trí.
Việt Nam trước một nước Nga suy tàn vì cuộc chiến
Nhìn ở lợi ích ngắn hạn một hai năm, cuộc xâm lược Ukraine của Nga không ảnh hưởng nhiều về kinh tế Việt Nam (giao thương với Nga chỉ chiếm hơn 1% trong tổng kim ngạch giao thương của Việt Nam năm 2021, nhắc lại, chỉ hơn 1%, so sánh với hơn 30% kim ngạch giao thương của Việt Nam là với Hoa Kỳ và Trung Quốc).
Cuộc trừng phạt của phương Tây với Nga đã làm Trung Quốc nhìn thấy rõ cái giá phải trả quá cao về tính chính danh của chế độ nếu động binh quy mô lớn mà thất bại.
Ukraine không chỉ che chắn cho Châu Âu mà còn giúp Việt Nam yên ổn thêm 10 năm nữa. Đây là cơ hội cải cách mạnh mẽ mà không sợ Trung Quốc tấn công kiểu Nga.
Nước Nga suy yếu sau sau cuộc chiến:
– Nó làm đứt gãy một mắt xích quan trọng trong mạng lưới bao vây Trung Quốc mà các mưu sỹ Hoa Kỳ và Nhật Bản từng thiết kế (rồi từ bỏ). Nhưng nếu Nga dân chủ hóa thì đôi bên có thể tái khởi động giấc mơ cũ trong tương lai.
– Nga có một nguồn tài nguyên vô tận, từ nay trở thành nước phụ thuộc vào Trung Quốc, cung ứng tài nguyên giá rẻ cho Trung Quốc.
– Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) của Nga sẽ không còn đủ lực để cạnh tranh với Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Trung Á.
– Ukraine sẽ được phương Tây đầu tư tái thiết, không chỉ về kinh tế mà còn cả ở hệ thống luật pháp tiên tiến, điều kiện cốt tử để gia nhập EU và NATO.
– Mỹ củng cố sức mạnh trong dài hạn:
● Châu Âu đoàn kết với Hoa Kỳ.
● NATO tìm được lý do để tăng cường quân bị.
● Mỹ có động lực để đoàn kết nội bộ.
– Trung Quốc gặp rất nhiều phiền toái nhất thời do cuộc chiến gây ra (nghẽn mạch tuyến đường sắt thuộc Con đường Tơ lụa đi ngang vùng chiến sự [dù tuyến đường này luôn lỗ vốn từ khi khai thông], Âu Mỹ đoàn kết, khả năng đánh Đài Loan bị loại bỏ.
– Cả Mỹ và Trung Quốc bước vào giai đoạn không đảo ngược được:
● Khả năng Âu Mỹ Nhật tăng cường phong tỏa Trung Quốc càng cao hơn trong dài hạn.
● Trung Quốc càng thúc đẩy xây dựng hệ thống quốc tế riêng của mình
Cuộc bại trận của Nga là tốt cho Việt Nam trong ngắn hạn, khoảng trên dưới 10 năm, nhưng xét ở tầm nhìn dài hơn, khoảng hai ba thập kỷ nữa, thì sự suy tàn của Nga là điều không may cho Việt Nam. Thời gian không còn nhiều nhưng có thể vẫn đủ để Việt Nam xây dựng nội lực trước khi quá muộn.
Ghi chú:
[1] Why Chinese farmers have crossed border into Russia’s Far East, By Andrei Zakharov & Anastasia Napalkova, BBC Russian Service, 1 November 2019 https://www.bbc.com/news/world-europe-50185006
[2] The Far East between Russia, China and America, Rensselaer Lee, Foreign Policy Research Institute, July 27, 2012 https://www.fpri.org/article/2012/07/the-far-east-between-russia-china-and-america/
[3] The Far East between Russia, China and America, Rensselaer Lee, Foreign Policy Research Institute, July 27, 2012 https://www.fpri.org/article/2012/07/the-far-east-between-russia-china-and-america/
[4] Russia-China cooperation will only get stronger – Interfax cites Lavrov
Leave a Comment