Đầu thế kỷ trước, nhiều người nghĩ rằng một chế độ độc tài có thể vận dụng tài nguyên, kinh tế quốc gia sẽ phát triển dễ dàng hơn. Các ông Brezhnev, Mao Trạch Đông đã cho thấy ý tưởng này sai. Từ 1980 Cộng sản Trung Quốc bắt đầu học kinh tế tư bản, tập đi lại từ những bước đầu chập chững, Cộng sản Nga không thay đổi kịp nên sập đổ. Sang thế kỷ 21, sau khi kinh tế được thị trường hóa rồi, nhiều người còn nghĩ rằng trong các lãnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, các chế độ độc tài thường hiệu quả hơn. Các ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình mới chứng tỏ đó cũng là một ảo tưởng.
Một bộ máy có hiệu quả khi đạt được mục đích với phí tổn thấp nhất; như một chiếc xe chạy ít hao xăng. Một guồng máy cai trị được coi là hiệu quả khi không bắt dân chịu tốn kém và cực khổ mà vẫn sống an ổn, thịnh vượng.
Xét theo tiêu chuẩn đó, ông Tập Cận Bình đã thành công trong việc ngăn chặn bệnh dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Mặc dù các lệnh kiểm soát và cấm đoán gây phiền nhiễu cho nhiều người, dân Trung Hoa chấp nhận đã quen rồi. Nhưng từ lúc căn bệnh tái phát rồi bùng lên, chính guồng máy cai trị đó đang lúng túng, thất bại.
Khi bị vi khuẩn Omicron tấn công, ban lãnh đạo ở Thượng Hải đã thử cách đối phó mới, ban lệnh cấm ở một bên bờ sông Hoàng Phố, rồi ngưng và bắt đầu áp dụng cho bên kia sông, lần lượt mỗi bên mấy ngày. Phương pháp dè dặt này được đem thử để sinh hoạt của dân chúng không bị xáo trộn quá đáng. Ngày 2 tháng Tư, Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan, 孙春兰) đến Thượng Hải quan sát, bắt áp dụng chính sách cũ, đóng cửa toàn thể thành phố. Bà chỉ chuyển mệnh lệnh từ Bắc Kinh ban ra, không quan tâm đến tình trạng vi khuẩn Omicron đã biến thái ra sao.
Nếu Thượng Hải được tự do thử thách phương pháp đối trị mới thì họ có thể sẽ thích ứng với hai đặc tính của Omicron: Vi khuẩn rất dễ lây, lan truyền rất nhanh, nhưng giết rất ít người. Họ cũng có thể đã theo dõi kinh nghiệm ở các nước Âu châu và Mỹ. Nhiều nước chấp nhận sống với Omicron, như vẫn sống với các bệnh dịch cúm mỗi năm – mà thật sự Omicron làm chết ít người hơn nhiều vi khuẩn gây bệnh cúm.
Chính sách cấm đoán cũ không hiệu quả. Hai tuần lễ sau, mỗi ngày Thượng Hải có thêm trung bình 27.000 người mắc bệnh, dân chúng chịu đủ thứ khổ; trong khi cả nước Mỹ chỉ có khoảng 17.000 bệnh nhân mới mỗi ngày, vẫn sinh hoạt bình thường dù ngay từ đầu không đóng cửa.
Tập Cận Bình không rút ngay kinh nghiệm của Thượng Hải, vẫn tiếp tục bắt các thành phố khác áp dụng triệt đổ chính sách cũ. Theo báo Wall Street Journal, ngày 14 tháng Tư có 87 trong số 100 thành phố lớn nhất Trung Quốc đã đóng cửa một phần hay toàn diện, từ Trường Xuân ở Hà Nam tới Quảng Châu ở Quảng Đông. Những thành phố này chiếm hơn một nửa dân số Trung Quốc và phần đóng góp vào Tổng Sản Lượng Nội Địa còn cao hơn. Ngày 15 tháng Tư, thành phố Tây An, kinh đô cũ từ đời Tần đến nhà Hán, nhà Đường, ra lệnh đóng cửa thử trong bốn ngày, mặc dù trong số 13 triệu dân chỉ thấy 43 bệnh nhân mới.
Tại sao ông Tập Cận Bình cứng nhắc như vậy? Có thể chỉ vì ông sợ giữa đường mà thay đổi chính sách tức là công nhận lãnh đạo có lúc cũng lầm. Một lý do dễ hiểu hơn là ông không được nghe ai can gián, trình bày ý kiến ngược lại.
Đó là số phận của các chế độ độc tài. Các lãnh tụ cầm quyền một thời gian thì chung quanh sẽ chỉ những người vâng vâng dạ dạ cho yên thân, thêm một đám “nịnh thần” xúm lại chia chác bổng lộc. Khi những người ở trên cùng được trọng dụng chỉ nhờ chiều ý lãnh tụ chứ không vì tài năng, thì những người cấp dưới cũng được tuyển dụng như vậy.
Vụ Vladimir Putin xâm lăng Ukraine là một chứng cớ khác cho thấy guồng máy chuyên chế không hữu hiệu.
Trong 22 năm nắm quyền, ông Putin muốn quân đội Nga phải hùng hậu, điều này có thể thông cảm với ông. Putin đã dành bao nhiêu tài nguyên quốc gia để sản xuất vũ khí tinh xảo, biểu diễn các xe thiết giáp và phi cơ chiến đấu mới, cải tổ quân đội, tăng lương cho binh sĩ, vân vân. Nhưng chỉ trong một tuần lễ ở Ukraine, quân đội Nga tỏ ra bất lực thê thảm. Bây giờ ông Putin đổ lỗi, nói kế hoạch hành quân là do bộ tổng tham mưu quân đội bàn luận và soạn thảo. Cái bộ máy tham mưu đó hoàn toàn do ông kiểm soát. Tinh thần binh sĩ yếu kém là lý do chính gây thất bại, nhưng nguyên nhân sâu xa nhất cả bộ máy điều hành chiến tranh không hiệu quả.
Tướng Omar Bradley, thời Đại Chiến Thứ Hai đã nói, “Các tay tài tử nói chuyện chiến lược, bọn nhà nghề nói chuyện tiếp vận.” Vladimir Putin đúng là một tài tử, “a ma tưa”, amateur. Đem quân xông trận mà hỏng việc chỉ vì tiếp vận kém.
Đoàn xe chở lính kẹt cứng suốt 60 cây số trên đường từ xứ Belarus sang thủ đô Kyiv của Ukraine cho thấy xe vận tải trong quân đội Nga không được bảo trì. Vladimir Putin vẫn biểu diễn những vũ khí tối tân như các hỏa tiễn liên lục địa siêu thanh Zircon và Kinzhal, máy bay tàng hình Su-57, tàu ngầm phóng hỏa tiễn. Xe vận tải mặc cho các tướng tá lo, bị bỏ quên vì không ai thấy gì béo bở kiếm chác được cả.
Ngay mấy ngày đầu cuộc chiến, nhiều xe tải đã “nằm ụ” bên đường. Có chiếc bị đục thủng bình xăng, vì lính bất mãn không muốn đi vào chỗ chết. Có xe bị bể bánh, không ai sửa.
Xe để lâu không chạy thì chất cao su trong bánh xe sẽ cứng lại, dễ bể hơn. Quân đội Nga có nhiều chuyên gia chắc chắn biết điều đó. Nhưng các tướng, tá không quan tâm. Các quan chức để mặc cho những chiếc xe vận tải dễ hư hỏng, vì họ mảng lo bòn rút ngân sách. Thường việc bảo quản xe tải được giao cho đám lính đi quân dịch. Thanh niên đi làm nghĩa vụ quân sự không có mấy người đã lái xe hay biết gì về cơ khí. Biết rằng sau một năm xong lại về nhà, cho nên họ cũng không thiết tha đến công việc. Có vấn đề gì thì để đó sang năm thằng lính mới lãnh trách nhiệm!
Tất cả các thứ dùng trong chiến trận đều cần xe vận tải. Thực phẩm, dầu xăng, thuốc men, và lính tráng đều cần xe tải. Những xe thiết giáp chỉ làm địch quân sợ vì nó bắn, mà những hòn đạn bắn ra đều do xe tải chuyên chở. Lo đưa xe thiết giáp ra trận mà quên không lo xe chở đạn tới nơi, làm ăn như thế đó!
Một chiếc hỏa tiễn Pantsir S1 mới qua Ukraine một hai ngày đã nằm bên đường vì xe bể bánh, bị bỏ rơi. Chiếc hỏa tiễn trị giá mấy triệu mỹ kim, đem ra chiến trường mà không dùng được, chỉ vì không lo bảo trì mấy cái bánh xe. Mà công việc bảo trì chỉ tốn mấy chục mỹ kim mỗi ngày! Đó là hình ảnh tiêu biểu cho một guồng máy không có hiệu quả!
Chế độ độc tài tạo ra những bộ máy không hiệu quả; chế độ tự do dân chủ vẫn lâm vào cảnh đó, vì cũng có những người lãnh đạo và cấp chỉ huy dốt nát hoặc vô trách nhiệm.
Nhưng hai bên khác nhau. Trong các nước tự do dân chủ khi một bộ máy tỏ ra vô hiệu thì có người vạch ra ngay; họ được cơ hội vận động cho cuộc tranh cử sắp tới. Người lãnh đạo mới sẽ thay đổi, cho nên tránh được thảm họa.
Amartya Sen, kinh tế gia Ấn Độ, đã nhận xét rằng không bao giờ thấy nạn đói trong các xã hội tự do dân chủ. Ông Stalin làm 4 triệu dân Ukraine chết đói dù đó là một nước cung cấp lúa mì cho thế giới; ông Mao Trạch Đông giết vài chục triệu dân Trung Hoa cũng vì chính sách nông nghiệp gây nạn đói. Chỉ các chế độ độc tài chuyên chế mới làm dân chết nhiều như vậy.
Loài người phải chọn thể chế dân chủ tự do không phải vì nó cách tổ chức xã hội hoàn hảo, mà chỉ vì nó đỡ gây tai hại nhất!
NND
Leave a Comment