Bạn đọc viết:
Bình quân cứ hai người mới tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) thì một người rời đi. Có đến 97% số người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH. Người rút chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ ngoài khu vực nhà nước, từ 26 – 29 tuổi. Tỉ lệ này ở nữ giới là 55,6%, nam giới là 44,4%.
Những con số thống kê ở trên đang đăng tải công khai trên báo chí cho thấy điều cốt yếu là lý giải nguyên nhân tại sao người lao động rút BHXH một lần?
Theo thống kê của cơ quan BHXH trong năm 2021, số lượng người lao động nghỉ việc sau đó làm thủ tục nhận trợ cấp BHXH một lần lên đến con số hơn 700.000 người, cao hơn năm trước (năm 2020) hơn 5%. Do mất việc và khó khăn vì đại dịch đã đành, do có hướng làm ăn khác tốt hơn cũng là một lựa chọn.
Hơn 200.000 lượt người đã rút BHXH một lần trong ba tháng đầu năm 2022 sau khi dịch bệnh Covid-19 tạm lắng xuống để giải quyết khó khăn trước mắt.
Tôi đang làm việc ở một văn phòng tham vấn luật cho người lao động, và sau đây là những câu hỏi mà công nhân đã đặt ra về chuyện vì sao họ – và có lẽ cũng cả tôi nữa, đều chọn rút BHXH một lần khi thất nghiệp, hoặc lúc nghỉ hưu.
Trước hết, với người am hiểu chút đỉnh về luật thì họ yêu cầu giải thích thuyết phục bài toán sau: Tuổi nghỉ hưu theo luật mới nam 62 tuổi; nữ 60 tuổi chênh nhau 2 năm, rồi năm đóng BHXH lại quy định nam 35 năm, nữ 30 năm chênh nhau tới 5 năm, cơ sở khoa học nào cho phù hợp, hay tăng % tiền nghỉ hưu cho nam giới phần 3 năm chênh lệch với nữ giới?
Phổ biến hơn là thắc mắc, “Nói thật là người có tiền thì khác như chúng tôi đi làm trông chờ vào đồng lương. Dịch Covid khó khăn nghỉ việc giờ không rút BHXH thì bọn tôi lấy gì sống? Hơn 40 tuổi rồi, xin việc ở đâu đây? Tầm 50 tuổi thì vô phương xin việc ở doanh nghiệp, vậy thì thu nhập ở đâu mà đóng BHXH?”
Với những ai thích cân đong đếm, họ đưa ra lựa chọn với con toán khá thuyết phục: 1 người 60 tuổi nghỉ hưu sau 30 năm đóng bảo hiểm. Nếu họ sống thọ thì có thể được hưởng hưu từ 20 đến 30 năm. Sau khi mất được chút ít tiền tuất cho con cháu. Nhưng nếu họ rút bảo hiểm 1 lần thì số tiền đó họ để vào ngân hàng, vừa có lãi vừa để làm của hồi môn cho con cháu của họ. Nếu mà họ chẳng may không sống thọ thì… ối trời ơi sau 30 năm đóng bảo hiểm mà được hưởng hưu có 2 năm, 5 năm, 10 năm thì thiệt quá.
Tính như trên thì cách rút tiền 1 lần ăn chắc hơn.
Cách tính khác vẫn đưa đến chung đáp số như lập luận trên: Ví dụ như một người vừa tốt nghiệp đại học năm 2022 thường là vào độ tuổi từ 23 đến 24 tuổi, nếu họ tìm được việc làm có ký kết hợp đồng lao động để đóng BHXH tử tế, thì phải tới 2061 họ mới được nghỉ hưu, khi ấy, với mức lạm phát như bao năm nay thì ở thời điểm được nhận lương hưu, chắc giá 1 tô phở đã lên tới cả triệu bạc/ tô.
Lúc đó, lương hưu của họ có khi chưa đủ mua 20 tô phở. Vậy thử hỏi trong suốt thời gian đó nếu lại xảy ra nạn dịch giã nào đó như Covid trong tương lai, liệu người ta có lại chọn rút hết 1 lần và tự dựa vào mình không, hay ráng níu kéo dựa vào nguồn lương hưu chẳng có gì đảm bảo mức sống tối thiểu?
Tôi thấy hiện nay có 2 quan điểm cần được nghiên cứu. Một là tại sao bảo hiểm nhân thọ có thời gian đóng tương tự thậm chí ít hơn BHXH, rủi ro cũng không nhỏ cho họ, nhưng họ vẫn trả đủ, trả với lãi hấp dẫn và không nghe hăm he chuyện bị vỡ quỹ bao giờ?
Hai là điều thường gặp nhất, lãnh đạo [quỹ] BHXH chỉ thấy kêu khó, kêu vỡ quỹ và giải thích bằng nhiều lý do khác nhau, rồi cuối cùng giải pháp đưa ra là ngăn người lao động rút số tiền vốn là của chính họ! Vậy tại sao bảo hiểm nhân thọ có lãi?
Tại sao?
Leave a Comment