Phạm Minh Chính, một ông thủ bất tài như bao ông thủ khác

- Quảng Cáo -

Đỗ Ngà

Hậu Covid, để vực dậy nền kinh tế, Ngân Hàng Nhà Nước thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ hạ lãi suất nhằm mục đích bơm tiền. Ngoài chính sách tiền tệ thì chính sách tài khóa cũng được chính phủ triển khai song song, nó vừa để tạo công ăn việc làm cho xã hội vừa đưa dòng tiền ra xã hội kích cầu kinh tế qua ngả triển khai dự án. Tuy nhiên, với Việt Nam hiện nay thì cả hai chính sách này đều đã không hiệu quả. Mọi sự thất bại về chính sách vĩ mô thì hậu quả đều đổ lên đầu dân nghèo mà thôi. Nhà nước sai thì dân chịu.

Về chính sách tiền tệ thì như loạt bài viết vừa qua, tôi đã phân tích bản chất của dòng tiền bơm ra như thế nào? Những u nhọt bên trong ngành BĐS và chứng khoán đã làm lãng phí đồng tiền kích cầu của Ngân hàng Nhà nước như thế nào?! Khi tiền được “tưới” vào BĐS và chứng khoán, đám giòi bọ đã tranh nhau gặm làm cho tiền cứ rót về đây rồi sau đó chảy vào bụng chúng. Giòi bọ nhiều đến mức, giờ nhìn đâu cũng thấy giòi và chính quyền CS đang đại phẫu, tuy nhiên công cuộc đại phẫu cũng chỉ là bắt vài con điển hình chứ không thể bắt hết.

Dù có đại phẫu, tiền những nơi khác vẫn cứ đổ về BĐS và chứng khoán. Các doanh nghiệp sản xuất đói vốn chết hàng loạt dù tiền vẫn cứ bơm. Những doanh nghiệp Việt Nam không được bơm tiền cứu sống ấy giờ thành những con mồi ngon cho các doanh nghiệp nước ngoài đang há mồm nuốt chửng. Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn cho biết thì trong quý 1 năm 2022, số thương vụ thâu tóm (M&A) của nhà đầu tư nước ngoài tăng cao đột biến, nó cao gấp đôi số dự án đầu tư FDI. Ngân Hàng Nhà nước bơm tiền nhưng doanh nghiệp vẫn chết như rạ thì tính hiệu quả chính sách ở đâu? Giờ thị trường BĐS đang như con ngựa bất kham, chính quyền đang không ghìm cương được nó.

- Quảng Cáo -

Chính sách tiền tệ vốn đã yếu kém nhưng chính sách tài khóa thì sao? Hậu Covid, chính phủ và chính quyền địa phương cần đẩy nhanh các dự án để tạo việc làm cho xã hội. Dự án chạy thì thất nghiệp giảm và doanh nghiệp có tiền, từ đó kéo theo nhiều ngành liên quan khởi sắc. Để tăng hiệu quả chính sách tài khóa thì những dự án hạ tầng mà chủ đầu tư là chính phủ và các chính quyền địa phương cần phải thúc chạy “hết ga”. Tuy nhiên, thực tế thì rất ảm đạm. Theo báo VnEconomy cho biết thì hiện nay việc giải ngân vốn ODA chưa tới 1% kế hoạch. Được biết vốn ODA không giao tiền cho chính phủ mà bên tài trợ chỉ giải ngân theo tiến độ dự án, nghĩa là “có làm thì mới có chi”. Dự án bị tắt thì tốc độ giải ngân bị nghẽn. Dự án ODA là một phần trong chính sách tài khóa. Thực tế, những dự án ngoài vốn ODA cũng chịu cảnh tương tự như thế vì chúng đều là những dự án xây dựng cơ bản do nhà nước làm chủ đầu tư. Thực tế cho thấy, chính sách tài khóa mà chính phủ đang triển khai đang không hiệu quả nếu không muốn nói là thất bại.

Ở các nước dân chủ, Ngân hàng Trung Ương và Chính Phủ là độc lập nhau. Mỗi bên thực hiện một loại chính sách để giải cứu nền kinh tế. Bên này tệ thì bên kia có thể làm tốt bù vào khiếm khuyết. Tuy nhiên ở Việt Nam thì khác, Ngân hàng Trung Ương (ở Việt Nam Ngân hàng Trung ương có tên là Ngân Hàng Nhà Nước) lại trực thuộc chính phủ. Vậy nên, việc ra chính sách tiền tệ lẫn chính sách tài khóa yếu kém là trách nhiệm cuối cùng cũng thuộc về chính phủ mà thôi. Người chịu trách nhiệm chính là ông Phạm Minh Chính chứ không ai khác.

Thủ tướng các đời của ĐCS đều yếu kém như nhau. Nguyễn Tấn Dũng hay Nguyễn Xuân Phúc hay Phạm Minh Chính thì khả năng điều hành chỉ có vậy chẳng khác gì mấy. Khác chăng chỉ là ông nào phá nhiều hơn mà thôi. Phạm Minh Chính, vẫn là một thủ tướng bất tài như bao ông khác. Chẳng kỳ vọng gì ở ông này./.

-Đỗ Ngà-

Tham khảo:

https://thesaigontimes.vn/giao-dich-ma-cua-doanh-nghiep…/

https://vneconomy.vn/giai-ngan-von-oda-chua-duoc-1-ke…

- Quảng Cáo -