Lãi suất cho vay kỳ hạn trên 1 năm của các ngân hàng chỉ từ 5,6 đến 6,8%/năm. Được biết, từ năm 2022 đến năm 2023, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh lãi suất cho vay theo hướng giảm thấp để nới lỏng chính sách tiền tệ. Họ dự định sau năm 2023, khi kinh tế đã hồi phục thì mới tăng lãi suất.
Đấy là phần lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, gần đây 3 công ty của tập đoàn Tân Hoàng Minh đã phát tổng cộng 9 đợt trái phiếu, huy động hơn 10 ngàn tỷ đồng với lãi suất 12%/năm. Điều đáng nói là các đợt phát hành của 3 công ty này đều được các tổ chức mua lại toàn bộ. Được biết, tại Mỹ, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ-SEC luôn để mắt tới các loại cổ phiếu hoặc trái phiếu trên thị trường này để phát hiện có giao dịch nội gián mà có biện pháp chế tài tạo môi trường lành mạnh cho các nhà đầu tư. Một trong dấu hiệu của giao dịch nội gián là xuất hiện khối lượng lớn bất thường được thâu tóm một lần. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp của Tân Hoàng Minh có dấu hiệu nội gián, tuy nhiên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phớt lờ.
Trong giao dịch nội gián, bằng cách nào đó, Tân Hoàng Minh thông qua các tổ chức mua lại trái phiếu của chính mình tạo nên hiện tượng khan hiếm giả tạo. Chính sự khan hiếm giả đã làm nên một loại mồi nhử hấp dẫn, các nhà đầu tư nhỏ nhảy vào hốt trái phiếu để kiếm lời vì họ nghĩ rằng, nó rất dễ sang tay, hoặc nếu không sang tay thì đến kỳ hạn cũng kiếm lời, bởi đơn giản lãi suất đi vay ngân hàng chỉ có 6,8%/năm nhưng đầu tư trái phiếu Tân Hoàng Minh lãi đến 12%. Thế là vay ngân hàng đầu tư trái phiếu “hấp dẫn” này. Nhờ đó mà Tân Hoàng Minh “bung giấy lấy tiền” và đẩy rủi ro về cho họ.
Đấy là cách huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Còn khi “tống mớ giấy lấy tiền thật” thành công thì Tân Hoàng Minh làm gì mớ tiền đó? Họ giàn dựng đấu giá, đẩy giá đất lên cao góp phần tạo ra cơn sốt bất động sản. Việc giá đất bị sốt như hiện nay là có phần của Tân Hoàng Minh và nhiều công ty BĐS lớn khác. Khi giá đất cao thì giá trị tài sản của công ty được định lại, và nhờ đó mà tài sản của công ty phình lên tạo nên sự “thành công” cho công ty, tuy nhiên sự thành công đó là chiêu trò gian trá để chiếm dụng nguồn vốn xã hội.
Hậu quả của sốt đất là kéo nhà đầu tư nhỏ đổ vào. Khi sốt, chỉ mua rồi sang tay ngay cũng kiếm lời. Vì thế nhiều dự án chỉ mới thi công, chủ đầu tư mới đổ ra phần ít tiền thì đã có thể “bán lúa non” cho các nhà đầu tư lướt sóng. Đây là chiêu trò chiếm dụng vốn của nhà đầu tư nhỏ và đẩy hết rủi ro về cho họ. Khi đó, những đại gia bất động sản dạng như Tân Hoàng Minh vừa hốt tiền nhà đầu tư nhỏ trên thị trường chứng khoán vừa hốt tiền nhà đầu tư nhỏ trên thị trường BĐS. Khi thị trường BĐS đóng băng, các nhà đầu tư nhỏ mất sạch vì vay ngân hàng mua những thứ không bán được. Và cuối cùng là nguồn vốn xã hội, bị Tân Hoàng Minh và các “cá mè một lứa” của họ hút hết để lại một nền kinh tế èo uột các ngành khác đói vốn, những nhà đầu tư cò con thì trắng tay, người dân thì càng ngày càng xa rời “giấc mơ có nhà”. Những doanh nghiệp kiểu Tân Hoàng Minh là tội đồ của đất nước.
Trong quá trình làm giá chiếm dụng vốn xã hội, Tân Hoàng Minh không thể làm được nếu không có sự giúp sức của Ủy Ban Chứng Khoán nhà nước. Phần quan chức tiếp tay thì không thể không có, nhưng cái đáng nói là sai tập thể, cái sai thể chế thì đã rõ ràng. Chính những cái sai đó đã nuôi những đại gia như Tân Hoàng Minh và hàng loạt đại gia BĐS khác đang niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hậu quả của sốt đất là rất khó lường. Nền kinh tế mất đà vì nguồn vốn xã hội bị đổ vào những nơi vô ích. Nó rót vào túi những kẻ gian chứ không được dùng để tạo ra của cải cho xã hội. Bắt nhóm đầu xỏ của Tân Hoàng Minh là đúng, nhưng những kẻ tiếp tay đầy quyền lực kia thì sao? Đấy mới là vấn đề./.
-Đỗ Ngà-
Tham khảo:
https://www.stockbiz.vn/…/ngan-hang-nha-nuoc-cong-bo…
Leave a Comment