Liên Xô kiệt quệ kinh tế và dẫn đến sụp đổ. Trung Quốc sau chính sách sai lầm của Mao dẫn đến sự đổi mới dưới thời Đặng Tiểu Bình. Sau những chính sách hà khắc làm cho kinh tế đất nước kiệt quệ thì năm 1986 ĐCS cũng “đổi mới” thể chế kinh tế nhằm cứu cho Việt Nam không bị ngã nhào theo Đông Âu vào cuối thập niên 80. Hay như hiện nay, khi mà Putin hùng hổ đánh Ucraina thì quốc tế cấm vận Nga, điều đó có thể dẫn tới nội loạn làm suy yếu đế chế độc tài mà Putin đang nắm giữ. Hẳn nhiên ĐCS biết điều đó mà lo phòng bị.
ĐCS quản lý đất nước rất yếu kém, tuy nhiên họ đánh hơi mầm loạn rất tốt và họ luôn có biện pháp phòng ngừa từ xa. Lần này, Bộ Chính Trị được tư vấn khá tốt và họ đã nhìn ra điểm yếu chết người của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Mặc dù về mặt truyền thông họ vẫn nói “tăng trưởng tốt” nhưng rõ ràng là tự bên trong họ đang cơ cấu lại để nền kinh tế này không tiến đến sự sụp đổ kéo theo mầm loạn chính trị.
Như tôi đã có nhiều bài liên tiếp để sự mục rỗng của nền kinh tế Việt Nam. Và mới đây là bài nói về dòng vốn đổ vào BĐS từ các ngả không chính thống. Sự rỗng ruột của nền kinh tế này nó bắt nguồn từ nhiều đời thủ tướng trước đây cùng với nền tảng là Luật đất đai quái gở. Luật này coi trọng quyền lực nhà nước mà xem nhẹ quyền công dân. “Đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý”. Câu này có 2 ý, ý thứ nhất là “sở hữu toàn dân”. Mà “”toàn dân là một chủ thể mơ hồ không có tư cách pháp nhân, CS dùng câu nói đó mục đích là tước bỏ sở hữu tư nhân một cách chính đáng của người dân. Còn vế thứ nhì “do nhà nước quản lý” nó nói lên tất cả, quyền định đoạt bất kỳ mảnh đất nào đều là quyền của nhà nước. Nói thẳng ra, đó là thứ luật gian trá, nó loại quyền tư hữu người dân và trao quyền định đoạt mảnh đất cho nhà nước. Đó là nền tảng để gây ra cảnh cướp đất trắng trợn đã xảy ra khắp đất nước từ nhiều năm qua. Văn Giang, Đồng Tâm, Dương Nội, Vườn rau Lộc Hưng, Thủ Thiêm là những vụ oan lớn, còn vô số vụ nhỏ hơn thì không đếm xuể.
Quyền định đoạt số phận miếng đất người dân trong tay nhà nước cho nên nó mới hình thành những liên minh ma quỷ giữa đầu cơ BĐS và chính quyền. Dựa vào cái luật đất đai quái gở ấy, chính quyền cướp đất giao cho doanh nghiệp, doanh nghiệp đầu tư xây dựng thêm ít là bán lại với giá trên trời. Đầu nậu thì kiếm lời lớn còn quan chức thì ăn phần lại quả. Cứ như thế, nhóm lợi ích đất đai cứ hình thành và tung hoành khắp nơi tạo nên những oan khiên cho dân lành không biết kêu ai. Những tập đoàn tỷ đô nổi lên, hết phân nữa là từ BĐS, tỷ phú đô la góp mặt trong Forbes cũng phần nhiều là tỷ phú BĐS.
Khi đất để cướp ngày một ít dần thì các đầu nậu dùng chiêu mới hơn. Các nhóm lợi ích bắt tay nhau đẩy giá đất lên cao nhằm mục đích nâng cao giá trị BĐS mà họ đang sở hữu. Ví dụ, Công ty A đang nợ ngân hàng 1500 tỷ. Trước khi nâng giá đất, tổng giá trị BĐS của công ty này là 1000 tỷ, không đủ trả nợ và đương nhiên không thể vay thêm ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi nâng giá, thì việc định lại giá trị BĐS của họ thành 3000 tỷ, vậy lúc này tài sản lớn hơn nợ ngân hàng nên công ty A được vay thêm. Và như thế, từ những công ty lẽ ra phá sản, họ lại thành công ty “ăn nên làm ra” và cuối cùng họ hút vốn ngân hàng làm các ngành khác đói vốn. Sự giàu có của các đại gia BĐS là những vụ phù phép chính là nó không giúp ích gì cho nền kinh tế.
Cùng với ngành BĐS là ngành chứng khoán, hai ngành này là nơi mà các gian thương phù phép để chiếm dụng nguồn vốn xã hội. Rất nguy hiểm cho nền kinh tế. Như tôi đã nói ở bài trước, ngân hàng Techcombank có đến 74% tổng dư nợ là khoản cho vay liên quan đến BĐS. Và rất nhiều ngân hàng cũng có tỷ trọng như thế chứ không riêng techcombank.
Với cơ cấu 10 đến 15% tổng dư nợ toàn hệ thống là cho vay kinh doanh BĐS là hợp lý đối với một nền kinh tế, tuy nhiên vì miếng bánh quá ngon do luật đất đai để lại mà nguồn vốn ngân hàng cấp đã rót vào ngành BĐS lên đến trên 20%. Ngoài luật đất đai, thì sự yếu kém trong quản lý (nói thẳng ra là dung túng cho bọn lợi ích nhóm BĐS tự tung tự tác) bao lâu nay đã làm nền kinh tế Việt Nam như con ngáo ộp như thế này. Nền kinh tế khó khăn thì dẫn đến bất ổn chính trị là khó tránh khỏi.
Ngày 5/4, ông Phạm Minh Chính có nói nằng “Dòng tiền của các vi phạm về thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp… đều tìm đến nơi “trú ẩn” cuối cùng là bất động sản”. Đây là sự đánh giá có phần né tránh, thực tế không chỉ ngành BĐS mà cả những ngành khác cũng đang quay đầu rót vào BĐS theo cách này hay cách khác. Như những gì tôi đã phân tích trong bài “Siết tín dụng BĐS, liệu có khả thi?” có chỉ ra rằng, dòng tiền cho vay các lĩnh vực khác như vay tiêu dùng, vay bán lẻ vv… đã quay đầu rót vào BĐS như thế nào. Nói là cho vay BĐS chỉ 20% tổng dư nợ nhưng thực tế ngành này đã chôn một lượng vốn khổng lồ của xã hội làm cho nền kinh tế èo uột không có chất lượng. Ông Chính phát biểu như vậy, ắt ông đang nắm con số mà các nhà tư vấn đã trao cho ông. Các con số đó ắt sẽ là những con số báo động, và buộc ĐCS phải ra tay tiệt hạ những con giòi trong ngành BĐS đang đục khoét nguồn vốn xã hội đẩy nền kinh tế tới bờ vực sụp đổ.
Ngành BĐS đang cần phải điều tiết, tuy nhiên việc bắt các con giòi trong ngành này không phải là cách triệt để. Muốn diệt giòi thì phải loại bỏ sự thối nát, mà sự thối nát nó bắt nguồn từ nền tảng pháp luật vững chắc không và luật pháp có nghiêm minh với quan chức hay không. Với luật đất đai vẫn giữ “Đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý” và cơ chế xử lý sai phạm kiểu “Chúng tai sai chúng ta xin lỗi, dân sai thì chịu trách nhiệm trước pháp luật” thì mãi mãi không xử lý rốt ráo cái tiêu cực trong ngành BĐS. ĐCS đang phải đại phẫu lĩnh vực BĐS nền kinh tế, tuy nhiên họ vẫn còn giữ lại nguyên nhân gốc nên chẳng làm được gì triệt hết giòi bọ được. Diệt con này nó sinh ra con khác có khi còn to hơn./.
-Đỗ Ngà-
Leave a Comment