Tân Phong – Việt Tân
Chính trường và xã hội Việt Nam đang trải qua cơn sóng ngầm lớn khi những gia tộc tư bản Đỏ như Quyết – FLC, cha con Đỗ Anh Dũng – Tân Hoàng Minh, CEO Phương Hằng – Đại Nam đồng loạt bị khởi tố, bắt giam. Cùng thời gian, giới chức cấp cao từ cấp ủy viên trung ương, bộ trưởng, tướng lĩnh liên quan tới Việt Á đều sa vòng lao lý. Tai nạn giao thông đáng ngờ (nổ lốp xe) dẫn đến cái chết của Phó Chủ Tịch Thường Trực thành Hồ, Lê Hòa Bình – một yếu nhân của trung ương được điều động vào TP.HCM trước thềm đại hội 13, cuối năm 2020, không khỏi khiến người ta nghĩ đến những kịch bản “trượt chân té lầu” của những quan chức CSVN trước đó. Tất cả những diễn biến này thực ra không khó đoán định và có tính “chu kỳ” trước những cuộc phân chia quyền lực của đảng CSVN. Chỉ có điều vòng xoáy này là ngày càng khốc liệt, sắt máu hơn.
Việt Nam trong vòng hơn 30 năm qua kể từ thời điểm “mở cửa” đã xuất hiện một nhóm người siêu giàu. Họ là quan chức sau khi đã “hạ cánh an toàn” cùng khối tài sản khổng lồ, đám doanh nhân liên kết chặt chẽ với giới chức và trở thành mạng lưới lợi ích nhóm có khả năng chi phối các chính sách quốc gia. Trong một xã hội toàn trị và nền kinh tế tư bản hoang dã gắn mác “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,” các chính sách kinh tế-xã hội được tạo ra chỉ để tối ưu hóa lợi ích cho đám “thượng lưu tôn quí Đỏ.”
Quan chức và giới tư bản Đỏ tồn tại mối quan hệ hữu cơ và đằng sau sự thành công vượt bực của bất kể những doanh nghiệp nào đều có sự chống lưng của các phe nhóm quyền lực của bộ máy CSVN. Tuy vậy, mối quan hệ này cũng không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Những cái dạ dày của đám quan chức CSVN thì không đáy, trong khi khả năng đáp ứng của giới doanh nghiệp thân hữu không phải lúc nào cũng thỏa mãn được nhu cầu không ngừng tăng của đám quan chức tham lam vô độ. Mâu thuẫn sẽ từ đó phát sinh, hoặc đơn giản những doanh nghiệp sân sau của các nhóm lợi ích trở thành “gót chân asin” dễ bị tổn thương trong cuộc đấu quyền lực.
Bình thường thì đám tư bản Đỏ ở Việt Nam vẫn được tôn vinh là động lực phát triển xã hội, là những “chiến sĩ” trên mặt trận kinh tế, xây dựng đất nước. Tuy vậy, hiệu quả thực sự cho quốc gia có thể là con số âm to tướng. Kết quả sau những cuộc “lên đồng” ngắn ngủi là những núi nợ ngân hàng khổng lồ và nguồn tài nguyên quốc gia đã bị đào bới mang đem bán tới cùng kiệt, công thổ bị hà lạm, biến thành của riêng, môi trường bị hủy hoại. Nhưng quan trọng hơn cả đối với giới chức CSVN, là đám tư bản đỏ bảo đảm nguồn kinh tài dồi dào cho các nhóm lợi ích, thông qua những cuộc cướp bóc tinh vi bằng chính sách, cho đến việc buôn gian bán lận.
Công bằng mà nói thì chúng cũng góp phần tạo ra những bảng thành tích kinh tế màu hồng trong ngắn hạn, theo nhiệm kỳ như để minh chứng cho “sự chỉ đạo đúng đắn” của đám chóp bu CSVN. Chúng được nuôi dưỡng và làm giàu từ sự dung túng của quyền lực băng đảng, đôi khi còn lấn lướt và “thách thức” cả quyền lực chính trị. “Thách thức” này nên hiểu là thách thức quyền lực của các phe nhóm khác.
Có thể lấy những ví dụ từ Trần Bắc Hà, Vũ “nhôm”, bầu Kiên và giờ đây là Đỗ Anh Dũng, Trịnh Văn Quyết hay Phương Hằng… có lẽ có cùng một đặc điểm là họ đều lộ rõ những việc làm hoặc lời nói bị coi là công kích, phê phán, hoặc lợi dụng quyền lực phe nhóm để khuếch trương thanh thế, trục lợi chính sách, thách thức các phe cánh khác. Hoặc đơn giản họ là “túi tiền” của một phe nhóm chính trị mà cần phải triệt bỏ trong mắt một phe cánh khác như trường hợp với Trần Bắc Hà – BIDV (Ngân Hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam). Khi thế lực chính trị chống lưng bị suy sụp, họ là mục tiêu công kích đầu tiên và biến thành “dê tế thần” trong cuộc sát phạt “gió tanh mưa máu” trong nội bộ đảng. Tài sản của đám tư bản đỏ này trở thành miếng mồi ngon tha hồ xâu xé của “phe thắng cuộc.”
Với truyền thống cướp bóc và đàn áp được duy trì liên tục từ thủa sơ khai của thể chế, giới doanh nhân, địa chủ, giai cấp tư sản vẫn luôn là mục tiêu nhắm tới của các cuộc phân chia lại tài sản xã hội theo cách thức đầy bạo lực của giai cấp vô sản mới lên cầm quyền. Giờ đây, thay vì những cuộc đấu tố man rợ, hay đánh tư sản mại bản thời Đỗ Mười, những cuộc thâu tóm tài sản lớn của giới chức CSVN được truyền thông “lề đảng” theo kiểu kêu án trước bằng báo chí và hợp thức bằng những phiên tòa bỏ túi.
Có lẽ là “tình cờ” sau bài viết “Cuộc tháo chạy của giới tư bản đỏ” không lâu và trước đó là “Cuộc đảo chính không tiếng súng của Tô Lâm,” diễn biến trên chính trường và xã hội Việt Nam đang diễn biến theo đúng những nhận định mà người viết đã từng đề cập trên trang Viettan.org với cuộc sát phạt phe cánh chưa từng có của Bộ Công An dưới sự lãnh đạo của Tô Lâm, tập trung khoét sâu vào vụ Việt Á và những tập đoàn bất động sản lớn với hai đại diện “nhóm lợi ích” lớn nhất Thanh Hóa và Hà Nội. Cũng là hai phe cánh chính trị lớn nhất ở đất thủ đô ngàn năm văn vật.
XEM THÊM:
Hãy nhìn “thực đơn” trên bàn tiệc của bầy “kền kền Đỏ” hôm nay. Trịnh Văn Quyết có thể được coi là đại diện lớn nhất cho “nhóm lợi ích” phe Thanh Hóa, còn Đỗ Anh Dũng cùng tập đoàn Tân Hoàng Minh là một tên tuổi phát triển bất động sản hạng sang và siêu sang ở đất Hà Thành, nổi lên từ giai đoạn 2000 (thời điểm Nguyễn Phú Trọng làm bí thư thành ủy Hà Nội) cho tới nay.
Tất cả những vị trí vàng, kim cương của Hà Thành đều có cái tên Tân Hoàng Minh. Đại gia kín tiếng này được giới đầu tư coi là “lão đại số 1” của đất Hà Thành. Thông điệp mà nhà cầm quyền đưa ra sau việc khởi tố, bắt giam ông Đỗ Anh Dũng là để “lành mạnh thị trường chứng khoán và cổ phiếu doanh nghiệp.”
Ngược lại thời gian 4 năm trước, vào tháng Ba năm 2018, trong chuyến công du Pháp và Mỹ, với sự “bảo trợ” chính trị của cả Nguyễn Phú Trọng và Vương Đình Huệ, Trịnh Văn Quyết đã ký những hợp đồng đặt mua một lúc tới 20 chiếc Boeing Dreamliner 787 và 24 chiếc Airbus A321 Neo với tổng trị giá 5,6 tỷ USD cho một hãng hàng không vẫn còn ở trên giấy – Bambo Airways. Một hợp đồng mà Washington Post khi đó đã bình luận là một thương vụ “tự tin đến kiêu ngạo và đầy bất thường, rủi ro.” Trước khi bị bắt và khởi tố, trên trang cá nhân của Quyết vẫn đăng tải thông tin về tuyến bay thẳng London chuẩn bị được khai thác như để minh chứng cho các bước tiến không ngừng của Tập Đoàn FLC.
Trong thời gian 15 năm qua, nếu nhìn lại kỹ những bước đi của Quyết, về bản chất cũng không khác gì cách mà Alibaba của Nguyễn Thái Luyện đã làm. Luyện thì bán đất nông nghiệp, dự án ma để thu tiền và huy động vốn, còn Quyết thì “bán giấy lộn, thu tiền thật” bằng việc phát hành hàng núi cổ phiếu “3 Không,” cướp đất có nhà nước bảo kê, thu hàng trăm triệu Mỹ Kim. Quyết tinh vi hơn, lách luật giỏi hơn và vận dụng tài tình thị trường chứng khoán còn vô vàn lỗ thủng và khiếm khuyết. Quan trọng hơn cả, là FLC có sự hỗ trợ chính trị to lớn trong một thời gian rất dài.
Những dự án tỷ USD của Quyết mọc nhanh như nấm sau mưa suốt từ Bắc vào Nam. Bất kể là đất quốc phòng, đất ven biển hay trên nóc nhà Đông Dương, chỗ nào Quyết chỉ tay, chỗ đó nhanh chóng có những dự án resort, trung tâm thương mại, biệt thự biển, sân gôn… của FLC được cấp phép và ngân hàng ào ạt đổ tiền. Bambo Airways được xét duyệt, cấp phép và khai thác tuyến bay trong một thời gian ngắn kỷ lục. Năm 2017, Quyết được coi là người giàu nhất Việt Nam với hơn 2 tỷ USD theo giá trị qui đổi. Thật khó có lời nào tả về sự phát triển còn nhanh hơn cả Thánh Gióng của FLC trong những năm qua.
Thế nhưng, câu chuyện “thần kỳ” về Quyết FLC, Đỗ Anh Dũng, hay Phương Hằng giờ đây sẽ nhanh chóng được khép lại cùng với đó là cuộc chia chác, sang đoạt của các phe nhóm quyền lực mà trong đó Bộ Công An sẽ là kẻ chiếm phần lớn nhất. Đồng nghĩa những “nhóm lợi ích” Thanh Hóa, Hà Nội sẽ phải lui bước trước nhóm của Hưng Yên hay Thái Bình?
Có vẻ như ngoài những bài viết sáo rỗng và vô hồn về chủ nghĩa xã hội của ông tổng bí thư luôn được đặt trên trang đầu của các tờ báo mạng nhưng lâu nay, sự xuất hiện của ông có vẻ thưa vắng đi rất nhiều. Chuyện gì đang xảy ra đằng sau bức màn che hậu trường ở Ba Đình? Và những cuộc bố ráp những doanh nghiệp bất động sản, vụ Việt Á, Cục Lãnh Sự… phải chăng đang là cuộc chia chác cuối cùng của “bầy kền kền Đỏ,” núp dưới danh nghĩa “cái lò ông Trọng” để đốt chính chủ lò?
Tân Phong