Jackhammer Nguyễn – Tiếng Dân
Khoảng sau năm 2000, trong một lần đến Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, chúng tôi gặp giáo sư Đức. Tôi thành thật xin lỗi ông vì không nhớ họ của ông. Giáo sư Đức từng dạy toán ở Đại học Michigan của Mỹ, sau khoảng 10 năm thì ông hồi hương.
Giáo sư Đức nói với chúng tôi như thế này: Ông thủ tướng của các bạn cởi mở hơn Trung Quốc nhiều. Thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng. Bình luận của giáo sư Đức về việc ông Dũng tuyên bố đối thoại trực tiếp với dân chúng Việt Nam về những vấn đề xã hội.
Một số người chúng tôi liếc mắt nhìn nhau. Chúng tôi không tin ông Dũng là người cởi mở. Riêng tôi thì tôi nghĩ ông Dũng, cũng như ông Nguyễn Bá Thanh sau này, thuộc nhóm cộng sản dân túy thì đúng hơn.
Nhưng cái nhìn của giáo sư Đức cũng có một giá trị của nó, vì nó nhìn từ bên ngoài, ở một chỗ đứng khác với chúng tôi. Năm 2021, ông Ted Osius, cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam công bố hồi ký, trong đó ông cũng nhìn ông Nguyễn Tấn Dũng, cùng nhóm của ông ấy, là những người thuộc phe cấp tiến, nghịch với phe ông Nguyễn Phú Trọng, được xem là bảo thủ.
Đã từng có những ý kiến cho rằng, nước Việt Nam cộng sản có thể cải cách để trở thành một xã hội cởi mở và tự do, nhanh hơn Trung Quốc. Có nhiều lý do ủng hộ cho ý kiến này, nhất là về quan điểm lịch sử, chẳng hạn như Việt Nam ảnh hưởng phương Tây nhiều hơn với thời thuộc địa Pháp từ giữa thế kỷ 19, rồi sau đó là một nửa đất nước phía Nam ảnh hưởng sâu sắc văn hóa và quan điểm thị trường của Mỹ trong suốt 20 năm.
Một nguyên nhân khác nữa đó là, đất nước Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc rất nhiều lần, cho nên nếu muốn thay đổi cũng dễ hơn nhiều. Trong lịch sử phong kiến của hai nước, dù cùng mô hình tập quyền rất cao, nhưng ở Việt Nam các vị hoàng đế ít hà khắc hơn. Không gian và văn hóa phương Nam có vẻ rộng mở, tự do hơn. Điều này thể hiện rõ nhất qua câu tán thán của sứ thần Ngô Thời Nhiệm vào thế kỷ 18, sau một lần sang sứ nhà Thanh, đã được ghi lại: “Thật may mắn là chúng ta sinh ra ở phương Nam”.
Gần đây, khi nước Nga xâm lăng Ukraine, có nhiều người lo ngại về sự tương đồng trong hai mối quan hệ Nga-Ukraine và Trung Quốc -Việt Nam. Sự lo lắng là hoàn toàn hợp lý trên bối cảnh chính trị, địa chính trị từ giữa thế kỷ 20 đến nay, nhưng về gốc gác chủng tộc, ngôn ngữ, Việt Nam khác Trung Quốc rất nhiều, không có sự gần gũi như Nga và Ukraine.
Người Nga và người Ukraine được xem như cùng một gốc, ngôn ngữ của họ rất tương đồng với nhau. Trái lại người Việt và người Hán khác xa nhau. 1000 năm bị người Hán đô hộ, có đến 60% từ ngữ Việt là gốc Hán, nhưng cấu trúc văn phạm của hai ngôn ngữ, cũng như những từ ngữ cơ bản nhất của cuộc sống là hoàn toàn khác nhau. Cho đến nay, những nghiên cứu về ngôn ngữ và chủng tộc cho thấy, người Việt gần với người Thái và người Khmer láng giềng hơn.
Trở lại với sự thay đổi từ mô hình cộng sản của hai nước. Việt Nam “mở cửa” sau Trung Quốc khoảng 8 năm. Trung Quốc trở thành một “cường quốc”, Việt Nam vẫn còn ì ạch là một quốc gia đang phát triển. Những con số về GDP, những hào nhoáng của Thượng Hải, Quảng Châu, Bắc Kinh … sẽ là một phản biện khó cãi cho ý kiến trên kia nói rằng Việt Nam dễ cải cách hơn. Thế nhưng đằng sau những tủ kính hào nhoáng ở Phố Đông, Thẩm Quyến … là gì?
Cũng xin được nhắc lại rằng, trước đại dịch Covid-19, cứ đến Tết âm lịch, ở Trung Quốc lại có cảnh công nhân xếp hàng mua vé tàu hỏa về quê. Cảnh này không khác Việt Nam bao nhiêu. Tức là sau mấy mươi năm công nghiệp hóa theo mô hình kinh tế thị trường, vẫn có rất đông những người nông dân Trung Quốc và Việt Nam làm thuê ở các thành thị, chứ không phải là công nhân đúng nghĩa.
Người viết bài này có dịp được đi một đoạn đường bộ dài, dọc sông Hoàng Hà, vào sâu bên trong nội địa Trung Quốc, vào những năm 2000. Khi chứng kiến những thị trấn đầy bụi than xung quanh Tây An, những túp lều bằng đất của nông dân vùng Hoa Bắc… cảm nhận rằng, giấc mộng Trung Hoa của họ còn xa lắm. Tôi không nghĩ rằng vùng đất đó sau 15 năm có thể thay đổi theo ý của ông Tập Cận Bình để trở thành như Trung Tây của nước Mỹ, kể cả như tình trạng suy thoái của Trung Tây như hiện nay.
Với những quan sát kể trên, tôi lạc quan rằng, Việt Nam vẫn có khả năng thay đổi để tiến tới một xã hội cởi mở, gần với mô hình phương Tây hơn là Trung Quốc, nếu muốn!
Hai diễn biến gần nhất có thể là sự xúc tác để tăng tốc sự thay đổi của Việt Nam, xa Trung Quốc hơn, và gần phương Tây hơn, đó là đại dịch Covid-19 và cuộc chiến Ukraine.
Sau đợt bùng phát dịch từ giữa năm 2021, Việt Nam bỏ cách chống dịch zero Covid “kiểu Trung Quốc”, mà theo kiểu phương Tây, trong đó vai trò quan trọng là vaccine phương Tây. Khi tôi viết những dòng này, thành phố lớn nhất Trung Quốc là Thượng Hải đã đi vào tuần lễ phong tỏa thứ hai, sau khi cả nước có vài ngàn người bị nhiễm virus. Ở Việt Nam không còn phong tỏa nữa, dù số người nhiễm virus cao hơn Trung Quốc. Người Trung Quốc vẫn nhất định không dùng vaccine của phương Tây dù chúng có hiệu quả hơn, trong khi ở Việt Nam, vaccine Trung Quốc chỉ được dùng ở giai đoạn đầu khi bị bất ngờ và thiếu thuốc.
Dịch Covid còn làm cho nhiều công ty ngoại quốc rút khỏi Hoa Lục, Trung Quốc cũng tự rào mình lại, đó là điều rất thuận lợi để Việt Nam thoát Trung.
Cuộc chiến Ukraine làm cho người dân Việt Nam, lẫn chính phủ thấy rõ sự tệ hại của hệ thống vũ khí Soviet ra sao, mà hệ thống này cũng chính là hệ thống của Bắc Kinh. Sự kiện này sẽ thúc đẩy Việt Nam tăng tốc tìm kiếm vũ khí phương Tây để thay thế. Điều đó có thể sẽ kéo theo những thay đổi từ Việt Nam.
Cả hai diễn biến đó dựa trên cái nền đang thay đổi của xã hội Việt Nam. Xã hội này dù hiện nay vẫn được điều khiển bởi những người được đào tạo từ Liên Xô cũ của hệ thống cộng sản, nhưng thế hệ trẻ không nhìn về Moscow hay Bắc Kinh để định hướng tương lai của mình, mà là Washington. Hiện có hàng chục ngàn thanh niên Việt Nam du học ở Mỹ, Úc, Tây Âu, nhưng không có bao nhiêu sinh viên đến Hoa Lục hay nước Nga để du học.
Sự thay đổi này cũng không quá khó về văn hóa, khi Việt Nam vốn là một trong những nước Á châu ảnh hưởng phương Tây mạnh mẽ nhất, qua hai thời kỳ thuộc Pháp và chiến tranh với người Mỹ. Hàng chục triệu người Việt được AstraZeneca, Pfizer, Moderna cứu giúp, sẽ không quên những người chế tạo ra chúng.
Leave a Comment