Tình người trong chiến tranh

Một người bị thương được các bác sĩ thiện nguyện chữa trị, 29 tháng Ba. Hình minh họa.
- Quảng Cáo -

Phạm Phú Khải – VOA

Chúng ta có quyền lạc quan rằng cuộc chiến Ukraine, cũng như Thế Chiến III nếu có xảy ra, thì thiện vẫn thắng ác.

Nhân loại đã trải qua bao nhiêu chiến tranh với nhau để có hòa bình. Nhưng hòa bình chúng ta có ngày hôm nay cũng chỉ tạm thời và mỏng manh.

Cách đây hơn một thế kỷ, Thế Chiến I chấm dứt năm 1918 sau 4 năm chiến tranh với nhau. Hòa bình đến, nhưng ngắn ngủi. Khi hiềm khích và hận thù còn trong lòng thì làm sao xung đột và chiến tranh có thể chấm dứt! Thế Chiến II xảy ra hai thập niên sau đó, là điều không thể tránh. Và ngay sau khi Thế Chiến II chấm dứt, sự xung đột về ý thức hệ và nỗi lo sợ lẫn nhau đã đưa đến Chiến tranh Lạnh, kéo dài hơn bốn thập niên. Tuy xung đột giữa các cường quốc không dẫn đến chiến tranh nóng, nó bộc lộ qua nhiều hình thức khác, như chiến tranh ủy nhiệm, chẳng hạn.

- Quảng Cáo -

Chiến tranh ủy nhiệm thời nay rõ ràng không như thời 1946 đến 1991. Nhưng nó vẫn diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới. Cuộc nội chiến tại Syria đã lôi kéo bao nhiêu quốc gia. Nội chiến tại Yemen, tại Afghanistan, Congo v.v… cũng vậy. Nhiều quốc gia muốn gây ảnh hưởng, và kết quả, theo chiều hướng có lợi nhất cho quyền lợi và an ninh của mình. Nhưng thay vì tham chiến trực tiếp, họ ủng hộ các bên tham chiến bằng nhiều phương thức khác nhau. Do đó chiến tranh ủy nhiệm luôn nằm trong chiến lược của địa chính trị, vì giá phải trả ít hơn, nhất là không phải hy sinh mạng sống người dân của mình.

Những cuộc chiến tranh ủy nhiệm này tuy giới hạn về mặt địa lý, do đó phần nào đó ngăn ngừa được sự lan rộng lên vùng hoặc toàn cầu, không có gì bảo đảm rằng nó không leo thang hoặc lan rộng. Mỹ đã thẳng thừng công bố và khẳng định nhiều lần sẽ bảo vệ từng tấc đất của NATO. Nếu Putin sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt, hay cuộc chiến hiện nay lan rộng sang biên giới Ba Lan hay các quốc gia thuộc NATO, hay một tai nạn nằm ngoài chủ đích của hai bên, thì các bên sẽ phản ứng, và Thế Chiến III là khả năng khó tránh được.

Trong chuyến viếng thăm Âu châu, và đặc biệt Ba Lan, nước đã tiếp nhận hàng triệu người Ukraine lánh nạn và là quốc gia sẽ phải chiến đấu trực tiếp với quân đội Nga nếu chiến tranh lan rộng, Tổng thống Joe Biden đã thẳng thừng lên án Putin với những ngôn từ mạnh mẽ chưa từng thấy. Nào là “Đồ tể/Butcher”, “Tội ác chiến tranh/War Criminal”, “Tên này không thể tiếp tục nắm quyền/This man cannot remain in power”. Biden khẳng định “Tự do của các bạn cũng là của chúng tôi/Your freedom is ours” v.v… Đây rõ ràng là một thái độ leo thang chiến tranh, không còn tin tưởng gì từ Vladimir Putin, nên rất dứt khoát. Nếu Putin không nhượng bộ/xuống thang (deescalate) thì chiến tranh leo thang là tất yếu.

Cho dầu chiến tranh tại Ukraine hạ nhiệt/xuống thang đi nữa, mầm móng chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ rất cao xảy ra trong tương lai. Và nếu có thì cả thế giới, dù có đứng ngoài hay đứng xa, cũng khó tránh khỏi hệ quả của nó. Kevin Rudd, cựu Thủ tướng và Ngoại trưởng Úc, cũng là một trong những chuyên gia hàng đầu trên thế giới hiện nay về Trung Quốc, đã ra mắt vào cuối tháng này tác phẩm “Cuộc chiến có thể tránh/The Avoidable War” giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy tựa đề cuốn sách là vậy, Rudd cũng vừa mới ghi nhận rằng nếu trước đây chiến tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là không tưởng/Unthinkable, thì bây giờ nó không còn là thế nữa. Nghĩa là khả năng xảy ra rất cao vì tư duy của Tập Cận Bình là đến khi nào Trung Quốc đủ mạnh thì không còn sợ Mỹ hay bất cứ ai, nếu phải đi đến chiến tranh. Nếu lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc có tư duy như thế thì không chiến tranh nóng cũng lạnh, và kéo dài.

Chiến tranh giữa các cường quốc – những quốc gia có trong tay vũ khí hạt nhân, hóa học hoặc sinh học – nếu ngày nay xảy ra thì thảm họa sẽ vô cùng khủng khiếp cho nhân loại.

Nghĩ về chiến tranh, chúng ta thường nghĩ đến những điều kinh khủng nhất. Nhưng cũng chính trong chiến tranh, tinh thần dũng cảm, tình thương yêu/lòng trắc ẩn và tính chính nghĩa cũng được thể hiện rõ ràng nhất.

Hơn một tháng qua, từ lãnh đạo Ukraine như Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho đến quân đội và người dân, đã thể hiện tinh thần bất khuất và các giá trị thiêng liêng trên. Chính tinh thần này đã làm cho phần lớn thế giới, ngoại trừ một vài quốc gia độc tài và (hậu) cộng sản, không còn thái độ vô tư hay vô tâm, mà đứng hẳn về phía họ.

Cũng hơn một tháng qua, gần 4 triệu người Ukraine đã rời bỏ nước này lánh nạn tại Ba Lan, Romania, Maldova, Hungary, Nga, Slovakia, Belarus và nhiều nơi trên thế giới. Hơn 6.5 triệu người đã rời bỏ ngôi nhà của mình để lánh nạn trong nước Ukraine. Một số đã được cấp visa sang nước khác, như Anh đã cấp 12.400 tính đến ngày 21 tháng 3. Úc đã cấp hơn 4.000 visa, trong đó hơn 500 người đã đến nước Úc. Mỹ cam kết nhận 100.000 người tị nạn từ Ukraine, trong khi mỗi tuần đã có khoảng 8.000 người đến Mỹ từ khắp nơi trên thế giới. Kể từ đầu năm 2022, hơn 6.100 người Ukraine đã đến tị nạn tại Canada. New Zealand, và nhiều quốc gia dân chủ, thành viên của Công ước Tị nạn 1951, chắc chắn sẽ tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine trong thời gian tới.

Ngoài 644 triệu đô la đã viện trợ nhân đạo đối với bên trong lẫn ngoài Ukraine, tính đến ngày 15 tháng 3, Tổng thống Biden vừa mới công bố thêm một tỷ đô la viện trợ nhân đạo vào ngày 26 tháng 3. Úc cũng gia tăng viện trợ nhân đạo lên tổng cộng 65 triệu đô la.

Người dân khắp nơi, không chỉ người từ Ukraine, sẵn sàng tình nguyện đến chiến đấu bảo vệ Ukraine. Ngay trong quốc gia của họ, nhiều người tình nguyện hỗ trợ cho các chương trình nhân đạo, giúp ổn định người tị nạn từ Ukraine. Nơi ăn chốn ở, thực phẩm, áo quần, đồ điện tử/mobile phone, học vấn, chăm sóc trẻ em v.v… là những nhu cầu thiết yếu của người tị nạn khi phải đến tạm cư hay định cư ở một quốc gia mới. Bao nhiêu tổ chức nhân đạo trên thế giới đang nỗ lực tận tâm tận sức giúp đỡ người tị nạn từ Ukraine hoặc đang lánh nạn trong nước Ukraine.

Tấm lòng của thế giới dang tay mở ra đón nhận người Ukraine.

Nhìn người Ukraine nghĩ đến làn sóng người Việt tị nạn vào thập niên 1970 đến 1990. Thế giới, nhất là những quốc gia dân chủ cấp tiến, cũng đã mở rộng vòng tay ôm ấp người tị nạn Việt Nam ngay từ đầu. Hơn một triệu người tị nạn, và cho đến nay, hơn 4 triệu người Việt định cư trên khắp thế giới.

Phần lớn người tị nạn Ukraine, cũng như người tị nạn Việt Nam, không muốn rời quê hương của mình. Không mấy ai nghĩ sẽ rời vĩnh viễn. Những người rời Ukraine sang Ba Lan hay các nước lân cận cũng mong chiến tranh sớm chấm dứt để họ còn về lại quê nhà. Ra đi là một quyết định khổ tâm, chẳng đặng đừng. Cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, của họ phần lớn còn đang kẹt tại Ukraine. Có người đang chiến đấu chống lại cuộc xâm lăng của Nga. Đến những nơi xa xôi như Mỹ, Canada, Úc, New Zealand v.v… mà bỏ lại đằng sau những gì thân thương nhất thật là sự dày xéo tâm hồn. Cộng đồng người Ukraine tại Úc hiện nay, theo thống kê mới nhất, chỉ có 13.000 người.

Trong chiến tranh, chúng ta thường hay nghĩ đến sự tàn sát và dã man nhất của con người, nhất là những tang thương, chết chóc, với những thứ vũ khí ngày càng có khả năng hủy diệt khủng khiếp nhất. Nhưng cũng chính trong chiến tranh, chúng ta nhìn ra được bản chất thật của những chế độ, và con người, từ thiện tâm đến độc ác. May mắn thay trong Thế Chiến I, II, và Chiến tranh Lạnh, chính nghĩa thắng hung tàn, và chí nhân thay cường bạo.

Nhưng cũng chỉ tạm thời. Mỗi thế hệ cần phải học lại những bài học này vậy.

Chúng ta có quyền lạc quan rằng cuộc chiến Ukraine, cũng như Thế Chiến III nếu có xảy ra, thì thiện vẫn thắng ác. Bản chất con người tuy cũng lắm tham sân si, nhưng chúng ta cũng có khả năng về lý trí và tình thương để đứng về phía công lý, lẽ phải, sự thật và văn minh.

- Quảng Cáo -