Sự kiện bà Nguyễn Phương Hằng, CEO của Đại Nam, bị khởi tố và bắt tạm giam vì “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích cá nhân”, đã gây nên một cuộc bàn tán sôi nổi ở Việt Nam.
Bà Nguyễn Phương Hằng nổi tiếng trên mạng xã hội vài năm gần đây bởi những livestream tố cáo nhiều nhân vật, từ “thần y” Võ Hoàng Yên, đến giới nghệ sĩ, nhà báo…, và gần đây là đụng chạm tới chính quyền lẫn giới quan chức. Có rất nhiều quan điểm và đánh giá khác nhau trước sự kiện này ở cộng đồng mạng Việt Nam, trong đó, nổi bật lên là loại ý kiến được thể hiện bằng một câu thành ngữ: “Ếch chết tại miệng”.
Không xét nguồn gốc và nhiều cách giải thích khác nhau đối với câu thành ngữ này, ở đây, ứng hợp vào trường hợp bà chủ Đại Nam bị bắt, những người thốt ra câu nói trên đều mang hàm ý rằng: To mồm, nói năng càn quấy bạt mạng, không biết tiết chế giữ gìn v.v., thì “chết” là phải. Trong trường hợp bà Hằng, nó có thể rất đúng.
Vấn đề nằm ở chỗ, câu ếch chết tại miệng vốn phổ biến trong văn hóa Việt Nam, và nó thường được dùng như một lời cảnh báo, răn dạy, đe dọa, thậm chí mỉa mai, châm biếm. Và song hành với nó là một câu khác: Im lặng là vàng. Nghĩa là từ một kinh nghiệm sống khá khôn ngoan và có phần “chí lý” khi nhắc nhở việc nói năng chuẩn mực, người Việt dần sử dụng nó như một phương thức ứng xử phổ biến: Muốn sống thì ngậm miệng.
“Ngậm miệng” để không nói những lời vô nghĩa, những lời quàng xiên tùy tiện thì tất nhiên là đúng, và luôn nên như thế. Nhưng nếu ngậm miệng trước cả những bất công, ngang trái, ngậm miệng trước sự thật và những dối trá, ngậm miệng trước cái xấu cái ác… thì không những không còn đúng nữa mà còn là một lối hành xử tệ hại. Đáng tiếc và đáng lo thay, điều đó lại đang hiện hữu như một phương thức xử thế chủ đạo làm thành cách sống và “linh hồn” của cả một cộng đồng.
Người Việt thường “dạy khôn” nhau: Tránh voi chẳng xấu mặt nào; khôn thì sống, mống thì chết; lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau v.v. Thế là người ta né tránh sự thật, chấp nhận im lặng, “không phải việc nhà mình thì đừng có trây mồm vào”, “thật thà thẳng thắn thường thua thiệt” – nên hậu quả là nịnh bợ, xun xoe lại lên ngôi.
Lối ứng xử ngậm miệng này là một sản phẩm có tính lịch sử do hàng ngàn năm sống trong xã hội chuyên chế nhiều “tai bay vạ gió” mang lại. Theo thời gian và kinh nghiệm, nó trở thành một thứ tâm thức cộng đồng, chi phối từ trong sâu thẳm, “uốn nắn” hành vi của mỗi người. Không những luôn “nhìn trước ngó sau” mà hơn thế, công khai tuyên bố “không bàn chuyện chính trị” chẳng hạn.
Aristotle bảo “Con người là một sinh vật chính trị”; Bertolt Brecht thì nói, đại ý, trong mọi sự dốt nát thì dốt nát chính trị là tệ hại nhất. Nhưng người Việt thường coi việc “không nói đến chính trị” là một sự khôn ngoan và tự hào vì sự khôn ngoan ấy.
Tiếng nói của con người là vô cùng hệ trọng. Bởi nó không những là phương tiện giãi bày, kết nối để cân bằng đời sống cá nhân và liên nhân mà hơn thế, để kiến tạo xã hội. Socrates nhìn ra rằng “Chân lý sinh ra từ đối thoại”. Sự va đập quan điểm sẽ giúp con người trưởng thành. Một xã hội không có tiếng nói trung thực thẳn thắn, xã hội ấy sẽ trở thành một chiếc ao tù bốc mùi xú uế.
Khi người ta chọn im lặng trước những sai quấy nghĩa là họ đang tiếp tay cho cái ác. Phương châm sống “im lặng là vàng”, đáng sợ thay, lại đang được dùng để khuyên bảo nhau. Thay vì khuyến khích và tự khuyến khích nói ra suy nghĩ, quan điểm của mình thì người ta cảnh báo nhau một cách đầy đe dọa rằng “ếch chết tại miệng!”.
Người Việt và mạng xã hội Việt Nam thường rất ồn ào trước những chuyện đời tư của kẻ khác, nhưng những việc xã hội mang tính công lợi thì lại hay thờ ơ, lãnh đạm hoặc tìm cách im lặng, tránh né. Một đời sống tinh thần như thế tất mở ra viễn cảnh về tình trạng trì trệ lâu dài, không biết ngày nào mới ra khỏi.
Ếch chết không phải tại miệng, mà là tại người, tức là tại… loài khác. Tiếng kêu của con ếch là tiếng gọi bản năng, thiêng liêng và chính đáng. Tiếng kêu ấy không những tự thân nó không dẫn tới cái chết mà ngược lại, mang đến sự sống bất diệt của nòi giống. Không có tiếng kêu, con ếch tìm nhau kiểu gì và làm sao duy trì sự sống qua các thế hệ? Ếch có thể hoặc nên vì hiểm nguy mà ngậm miệng, suốt đời không kêu nữa? Ngụy biện là một trong những lỗi tư duy phổ biến và tai hại của người Việt, nhằm lấp liếm và lẩn tránh sự thật, lẩn tránh trách nhiệm.
Làm con ếch nghĩa là phải kêu. Cũng thế, làm người là phải nói. Vấn đề là cần phải học để sao cho lời nói trở nên đúng đắn, văn minh – chứ không phải không nói nữa.
Không thể vì những rủi ro do sự xấu ác của môi trường sống mà con người nên từ bỏ tiếng nói của mình; ngược lại, môi trường càng xấu ác, con người càng phải cất lên tiếng nói công chính, vì nó là một trong những phương cách hữu hiệu nhất để kiến tạo một xã hội lành mạnh, và là con đường dẫn tới sự kiến tạo phồn thịnh cho văn hóa lẫn đời sống.
Chừng nào người Việt còn trốn chạy khỏi tiếng nói thiêng liêng, chừng ấy chính họ còn phải sống trong lạc hậu và bất công ngang trái. Cái câu “Ếch chết tại miệng”, vì thế, có lẽ cần sửa lại, “Ếch sống tại miệng”!
Thái Hạo
Nguồn: SGN
Leave a Comment