- nguyenvubinh’s blog – RFA
Cuộc xâm lược của Nga thời Putin vào Ukraine chính thức bắt đầu từ sáng ngày 24/2/2022, đến nay đã được gần một tháng. Cục diện trên chiến trường, từ mong muốn đánh nhanh, thắng gọn chiếm Ukraine trong vòng 72 giờ đến nay gần một tháng đã chứng tỏ sự sa lầy của quân đội Nga ở Ukraine. Putin và ban lãnh đạo nước Nga, ngoài việc chứng kiến sự yếu kém toàn diện của quân đội Nga và tinh thần chiến đấu bất khuất của quân và dân Ukraine, đã vô cùng sửng sốt trước sự lên án, trừng phạt của các nước trên thế giới cũng như tình cảm của thế giới dành cho người dân và đất nước Ukraine. Có thể nói, trong vòng 100 năm qua, khi mà thế giới có sự giao lưu, kết nối và hợp tác, chưa có một quốc gia nào chịu sự lên án và trừng phạt như nước Nga trong gần một tháng qua. Cũng chưa có một quốc gia nào, nhận được sự thương cảm, ủng hộ và giúp đỡ của người dân và các nước khác nhiều như Ukraine. Sự kiện vô tiền khoáng hậu về thái độ của thế giới đối với các bên trong cuộc chiến Nga-Ucraine có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân không thể không nhắc tới, đó là chúng ta đang ở trong một thế giới mà thế giới đó đang trong tiến trình toàn cầu hóa một cách mạnh mẽ.
Sự lên án nước Nga và ủng hộ Ukraine là do chính phủ các nước, nhưng chính phủ các quốc gia dân chủ cũng chỉ thể hiện ý nguyện của người dân nước họ. Vậy do đâu người dân các nước trên thế giới lại mạnh mẽ như vậy trong việc lên án nước Nga và ủng hộ người dân và đất nước Ukraine?
Trong vòng hơn 10 năm qua, sự phát triển của Internet và nhất là các mạng xã hội đã và đang khiến thế giới trở thành một diễn đàn toàn cầu. Sự kết nối của người dân trong một nước và người dân các nước trên khắp thế giới ngày càng mở rộng và chặt chẽ. Sự liên kết, kết nối của người dân giữa các quốc gia còn được đẩy mạnh và gia tăng chất lượng nhờ vào sự kết nối của người dân nước sở tại và kiều bào của họ ở các quốc gia khác trên thế giới. Tóm lại, sự giao lưu, kết nối, trao đổi thông tin, liên lạc cũng chính là một phương diện lớn của tiến trình toàn cầu hóa đã và đang diễn ra.
Sự trao đổi, giao lưu, kết nối khiến cho thế giới trở thành một diễn đàn cũng đồng nghĩa với việc thế giới chia sẻ những giá trị chung về tự do-bình đẳng- bác ái, về đạo đức xã hội, về trật tự xã hội dựa trên nền tảng pháp luật… đặc biệt là sự bình đẳng giữa các quốc gia trong một trật tự thế giới dựa trên công pháp quốc tế. Sự kết nối giữa người dân các nước cũng khiến họ hiểu được thực tế, hoàn cảnh và hiện thực của nhau.
Trong khi sự xích lại gần nhau của nhân loại thông qua mạng Internet, mạng xã hội đang diễn ra thì việc nước Nga tự nhào nặn xây dựng hình ảnh Ukraine như một xã hội phát xít, sự kỳ thị người Ukraine nói tiếng Nga, sự diệt chủng người Nga ở Donbass… nhanh chóng bị lật tẩy là dối trá. Sự vô lý trong hệ thống tuyên truyền của Nga đã trở lên phi lý và khi cuộc chiến phi nghĩa xảy ra đã xúc phạm tới lương tri của nhiều triệu người trên thế giới. Chiến tranh là đau thương, mất mát đối với nhân dân và khi một dân tộc, một đất nước vô cớ bị tấn công, bị xâm lược đã động tới cảm xúc chung của nhân loại đối với người dân của Ukraine. Như vậy, người dân ở các quốc gia dân chủ hiểu rõ cuộc chiến phi nghĩa của Nga xâm lược Ukraine, họ cũng đồng thời thấu hiểu nỗi thống khổ của người dân Ukraine trong cuộc chiến phi nghĩa, tàn bạo của Putin. Chính vì vậy, đã có sự bùng nổ trong thái độ đối với các bên trong cuộc chiến, dẫn tới sự lên án, trừng phạt vô tiền khoáng hậu với nước Nga Putin và sự ủng hộ, giúp đỡ vô điều kiện với người dân và đất nước Ukraine.
Nếu như Việt Nam đứng hẳn về phía chính nghĩa, đứng về luật pháp quốc tế tôn trọng chủ quyền của các quốc gia, thì khi Việt Nam vô cớ bị xâm lược, các quốc gia trên thế giới sẽ đồng loạt lên tiếng bảo vệ Việt Nam, đồng thời cũng sẽ ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam vô điều kiện. Nhưng các quốc gia cộng sản, từ trước tới nay thường lựa chọn đứng ngoài luật pháp quốc tế, nhất là các quyền con người đã được Liên Hợp Quốc xác quyết, nên Việt Nam cũng đã không lựa chọn đường đi chung của nhân loại./.
Hà Nội, ngày 22/3/2022
N.V.B
Leave a Comment