Phạm Nhật Bình – Việt Tân
Xây dựng nhà nước pháp quyền là mục tiêu thực hiện của hầu hết các quốc gia kém hoặc đang phát triển mà bộ máy hành chánh công quyền còn yếu kém hoặc chưa đáp ứng đầy đủ nguyện vọng dân chủ của người dân, nhất là trong việc thực thi pháp luật công bằng. Do đó, nhà nước pháp quyền mang ý nghĩa của một thiết chế xã hội mà qua đó không có ai ở trên hay ở ngoài luật lệ và chính quyền chỉ thi hành quyền của mình dựa trên những văn bản pháp luật đã được soạn thảo và ban hành công khai. Nhà nước pháp quyền không tách rời thể chế tam quyền phân lập, nền tảng thiết yếu của mọi hình thức dân chủ trong thực tế.
Nhưng ngày nay đối với một số quốc gia còn nằm trong vòng vây của chủ nghĩa cộng sản, nhà nước pháp quyền còn được gắn thêm cái đuôi xã hội chủ nghĩa cho khác với mọi người. Nhưng cái đuôi ấy trên thực tế không có ý nghĩa gì và chỉ cho người ta thấy sự lạm dụng chữ nghĩa để trang trí, che đậy cho một chế độ dân chủ giả hiệu.
Để tô son điểm phấn cho sự giả hiệu đó, ngày 14 tháng Ba vừa qua ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ Tịch Nước – chủ tọa một phiên họp bàn thảo về “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.” Nếu so với mốc thời gian đề ra thì việc định hướng đến năm 2030 là quá trễ. Vì nếu tính đủ thì đảng CSVN cầm quyền đã gần 80 năm mà Việt Nam cho đến nay vẫn còn thiếu vắng một nền tảng pháp lý căn bản nhất trong việc cai trị. Nếu dựa vào nội dung thảo luận thì ông Phúc đòi hỏi các nhà chuyên môn làm sao đến năm 2030 phải dựng được khung sườn nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Và đến năm 2045 tức hơn 20 năm nữa có thể áp dụng nó, một thời hạn quá xa vời.
Có thể nói ông Phúc chỉ làm chuyện viển vông, giống như chuyện người cầm đèn chạy trước đầu xe. Trước hết, thử hỏi xã hội chủ nghĩa là gì và chừng nào có xã hội chủ nghĩa thì chưa có người cộng sản nào dám khẳng định. Vì chính ông tổng bí thư đảng vào năm 2013 đã từng nói rằng đến hết thế kỷ 21, biết có xã hội chủ nghĩa hoàn thiện hay chưa? Cho nên khi nói xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030, Hà Nội để lộ cho người ta thấy là hiện nay Việt Nam đang cai trị bằng luật rừng, hay luật đảng. Xài luật rừng thì theo sự tuỳ tiện còn luật đảng thì noi theo ý chí nhà cầm quyền. Có nghĩa không có cái gì gọi là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa;” một hình thức pháp luật không hề tồn tại trên thực tế mà chỉ là ảo tưởng.
Và sau cùng, một câu hỏi thật căn bản đặt ra, pháp quyền xã hội chủ nghĩa là gì? Ông Trọng, ông Phúc, ông Thủ Tướng Chính kể cả những lý thuyết gia gộc của chế độ trong Hội Đồng Lý Luận Trung Ương trả lời ra sao cho người dân bình thường hiểu được cặn kẽ loại pháp quyền mà đảng đề cao này. Chắc chắn sẽ chẳng có ai cắt nghĩa được đó là gì, ngoài những lời giải thích dựa theo kinh điển Mác-Lê mà thiên hạ nghe mãi hóa nhàm suốt hàng chục năm qua.
Trong thực tế, pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một nhóm từ không hề có ý nghĩa gì trong chính trị học hay luật học mà chỉ là sự cố ý gán ghép kiểu “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.” Nó chỉ là một cái đuôi, một nhóm từ mà các lãnh đạo CSVN dùng để “trấn an” trong nội bộ về cái bánh vẽ XHCN, bởi chính ông Phúc, ông Trọng hay ông Chính cũng không hiểu nó là gì. Vì thế họ mới bày trò mời chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học, mà trong thực tế là những người viết mướn cho đảng nhằm khai triển những ý kiến lòng vòng của lãnh đạo để làm sao o ép viết lại và hoàn thành dự án theo nhu cầu, bất chấp nó có đem lại lợi ích gì cho ai.
Trong một đất nước mà pháp luật bị chà đạp hàng ngày, là kẻ thù của Internet và chỉ số tự do đứng chung trong vài nước xếp hạng cuối cùng thì đẩy mạnh nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa không khác nào đem pháp luật vùi xuống bùn dơ.
Phạm Nhật Bình
Leave a Comment