Giá xăng dầu bán trên thị trường Việt Nam lên cao đang quá sức chịu đựng của người dân và các doanh nghiệp không kinh doanh xăng dầu. Nhưng nếu giá cả được vận hành theo thị trường thì dù có tăng cao bao nhiêu cũng không thành vấn đề, dân chúng sẽ tự biết cách chi tiêu hợp lý, còn các doanh nghiệp thì “nước lên thuyền lên”. Dân chúng chỉ không chấp nhận sự bất hợp lý kéo dài hàng chục năm nay trong điều hành của các cơ quan nhà nước.
Hiện nay mỗi lít xăng bán ra đang phải chịu 4 loại thuế: nhập khẩu 10%, tiêu thụ đặc biệt 10%, bảo vệ môi trường 4000 đồng, VAT 10%. Trong các loại thuế này, có hai loại không thể chấp nhận được là thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.
Thuế bảo vệ môi trường được áp dụng kịch khung 4000 đồng/lít đối với xăng trong nhiều năm nay, nói trắng ra là sắc thuế lừa dối dân chúng. Vì nói là “thuế bảo vệ môi trường”, nhưng số thu khổng lồ này được sử dụng cho bảo vệ môi trường thì ít mà dùng để bù đắp cho việc giảm thu từ thuế nhập khẩu đối với một loạt hàng hoá theo lộ trình cam kết quốc tế và bù đắp cho tình trạng tham nhũng lãng phí thì nhiều. Mặc dù cả Chính phủ và Quốc hội đều biết bản chất của sắc thuế đó nhưng vẫn nhắm mắt thông qua theo đề nghị của Bộ Tài chính, bất chấp sự phản ứng của dân chúng.
Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu cũng là sắc thuế vô lý, vì xăng dầu đâu có giống như rượu, thuốc lá hay hàng xa xỉ phẩm phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt để hạn chế sử dụng. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu không một gia đình nào là không dùng tới. Viện dẫn một số nước đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu để nói ta đánh là không sai, sao nước người ta có vua hay bầu cử khác nước ta lại không viện dẫn để làm theo ?
Không chỉ có 4 sắc thuế đó đâu. Giá xăng dầu còn dựa vào cái gọi là “giá cơ sở” do nhà nước ấn định với một loạt chi phí “được phép” đưa vào giá thành, trong đó có “lợi nhuận định mức” dành cho doanh nghiệp, bất chấp giá cao hay giá thấp. “Lợi nhuận định mức” là tàn dư của chế độ bao cấp kéo dài cho đến tận ngày nay. Bất kể như thế nào, doanh nghiệp đầu mối đều được lời 300 đồng/lít, mặc cho dân chúng và các doanh nghiệp khác điêu đứng. Trong cơ chế thị trường, đã kinh doanh thì lời ăn lỗ chịu, chỉ riêng ngành xăng dầu là chỉ có lời, không có lỗ. “Giá cơ sở” cũng là sự lừa dối, vì nó đi ngược lại các nguyên tắc của thị trường.
Vẫn chưa hết, trong cơ cấu thuế thì thuế còn chồng lên thuế. Chẳng hạn, thuế tiêu thụ đặc biệt phải lấy giá CIF cộng với 10% thuế nhập khẩu rồi mới lấy 10% tổng số chứ không phải tính 10% của giá CIF đâu. Và đương nhiên, thuế giá trị gia tăng (VAT) phải đánh chồng lên tất cả các loại thuế, phí và cả “lợi nhuận định mức” nữa.
Tôi nghĩ không một nhà kinh tế lương thiện nào chấp nhận được cách điều hành xăng dầu của hai bộ Tài chính và Công thương, nhưng đây là khu vực bí ẩn bất khả xâm phạm. Hai bộ này luôn luôn lấy giá xăng dầu của “thế giới” ra làm căn cứ để nguỵ biện, chẳng hạn như giá xăng dầu của ta đang thấp hơn Singapore, Campuchia, Lào, Trung Quốc hay một số nước khác, nhưng hiện nó cao hơn Mỹ hay cao gần gấp đôi Malaysia thì không thấy đả động tới. Vừa rồi, dân chúng kêu quá nên hai bộ nhất trí “dự kiến” giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng còn 2000 đồng, nhưng kệ cho người dân than khóc, nghe nói phải đến đầu tháng 4 mới có thể thông qua.
Tóm lại, dân chúng cần nhà nước bãi bỏ các khoản thuế bất hợp lý như thuế tiêu thụ đặc biệt, còn thuế bảo vệ môi trường thì đừng lừa dối nữa, chỉ thu dùng đúng mục đích là bảo vệ môi trường, bỏ những tàn dư của chế độ bao cấp như “lợi nhuận định mức” và các chi phí do nhà nước ấn định, rồi thả nổi giá xăng dầu để các doanh nghiệp tự do nhập khẩu hay mua trong nước và cạnh tranh với nhau. Khi ấy, giá xăng dầu dù thấp hay cao tới đâu thì vẫn là giá cả hợp lý, chẳng ai kêu vào đâu được./.
Leave a Comment