Phạm Phú Khải – VOA
Vũ khí hạt nhân mang tác dụng ‘chấm dứt chiến tranh quy mô lớn với cái giá là kéo dài vô thời hạn một “hòa bình không có hòa bình”’.
Trước cuộc chiến tại Ukraine, địa chính trị trong những năm qua đều khiến chúng ta nghĩ rằng xung đột ở tầm vóc quốc tế, nếu có xảy ra, là chỉ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà điểm nóng là Đài Loan. Nó hiện hữu dưới hình thức Chiến tranh Lạnh 1.5 hay 2 trong những năm qua (*). Vladimir Putin, lẫn Tập Cận Bình, sinh ra và trưởng thành trong thời Chiến tranh Lạnh. Họ là sản phẩm của nó. Nhiều người trong chúng ta cũng vậy. Quá khứ, hiện tại và tương lai có tác động nhân quả với nhau. Chiến tranh Lạnh cũ vẫn còn tiếp diễn trong lòng Putin, cũng như Tập. Nhưng không mấy ai tiên đoán được rằng nó đã trở thành nóng để rồi bùng nổ tại Ukraine, đưa đến nguy cơ Thế Chiến III.
Nói đến Chiến tranh Lạnh, một trong những đặc thù của nó là cuộc chạy đua võ trang một cách hung hăng chưa từng có trước đó để chiếm vị thế thống lĩnh về quyền lực cứng cho mục tiêu thiết lập trật tự quốc tế.
Cuộc chạy đua võ trang với Liên Xô bắt đầu từ khi Hoa Kỳ nhận thức được mối đe dọa qua bức điện thư dài của George Kannan trong đó phân tích nguồn gốc hành vi của họ, sau được phổ biến trên tạp chí Foreign Affairs vào năm 1946. Trong tất cả các loại vũ khí, khả năng về vũ khí hạt nhân được xem là mang tính quyết định. Liên Xô và Hoa Kỳ tiếp tục đeo đuổi vũ khí hạt nhân trong nhiều thập niên để giành lợi thế về phía mình. Tuy vậy, tính cho cùng, chỉ cần một số đầu đạn hạt nhân, chứ không phải vài nghìn đầu đạn, là đã có thể hủy diệt toàn thể nhân loại rồi.
Nghiên cứu được phổ biến trên Viện Vật lý Hoa Kỳ vào năm 1998 cho biết, giá phải trả để Mỹ thắng Chiến tranh Lạnh là 5,8 ngàn tỷ Mỹ kim (tính theo hiện kim lẫn lạm phát vào năm 1996), trong thời gian từ năm 1940 đến năm 1996, cho vũ khí hạt nhân và hệ thống chuyển giao của nó.
Theo một trong các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực này, giáo sư Tom Nichols, viết trên The Atlantic ngày 11 tháng 3, “Chúng ta cần học lại những gì chúng ta hy vọng đã quên”, thì vào thập niên 1960, Hoa Kỳ nhận thức ra rằng nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra, tất cả đều đảm bảo bị hủy diệt, gọi là Mutual Assured Destruction (MAD). Vào lúc đó cả hai bên Liên Xô và Hoa Kỳ đều có máy bay ném bom, tàu ngầm và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), gọi chung là một bộ ba (the triad). Với hàng trăm hoặc ngàn đầu đạn hạt nhân, bên nào tấn công trước cũng chưa thể thắng được hoàn toàn, và sẽ bị bên kia tấn công lại, rồi kết quả của cuộc chiến tranh hoàn toàn hạt nhân là hủy diệt lẫn nhau. Nhận thức rõ như vậy, Hoa Kỳ muốn tránh một cuộc chiến hạt nhân toàn cầu như thế, và đã mong muốn Xô Viết đồng thuận về chính sách chung vào cuối thập niên 1960. Nhưng mãi đến năm 1985, Tổng thống Reagon và Tổng Bí thư Mikhail Gorbachev mới đạt được tuyên bố chung là: “Một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể chiến thắng và không bao giờ nên được tiến hành.”
Thế giới vì thế mà được bình an trong nhiều thập niên qua nhờ hiểu rằng leo thang để hủy diệt nhau chẳng có lợi cho ai cả. Nhưng nỗi lo này đã trở lại qua lời hăm dọa của Putin.
Vài ngày sau cuộc chiến Ukraine diễn ra, Putin có động thái răn đe khi đặt lực lượng hạt nhân Nga trong tình trạng báo động cao. Putin có lẽ muốn gửi thông điệp đến nước Ukraine, và tất cả ai đang ủng hộ nước này, là ông sẽ không chừa bất cứ biện pháp nào để đạt được mục đích. Hiện nay Nga có gần 6 ngàn đầu đạn nguyên tử, Mỹ 5,4 ngàn, Trung Quốc 350 v.v… Dù chỉ mang tính răn đe hay thậm chí chỉ hù dọa, lời tuyên bố như thế đặt Mỹ, NATO và các quốc gia khác trở lại tình trạng quan ngại. Bao người khác trên thế giới không rõ nó có ý nghĩa và hệ quả nào. Những thuật từ như ngăn ngừa mở rộng (extended deterrence), phản hồi linh hoạt (flexible response), không sử dụng lần đầu (no first use), “bộ ba” và sự bảo đảm hủy diệt lẫn nhau (the “triad” and Mutual Assured Destruction, or MAD) v.v… đã xuất hiện lại trên truyền thông. Như Nichols chia sẻ, “Đáng buồn thay, mọi thứ cũ đều trở lại mới. Tất cả những thuật ngữ này đều có thể gây lo lắng. Chúng thậm chí còn đáng để lo lắng hơn khi ý nghĩa của chúng không rõ ràng.”
Một bạo chúa, khi bị dồn vào thế chân tường, mà vẫn còn vũ khí và ở vị thế có thể lấy quyết định/bấm nút, thì không có gì chắc chắn là điều tồi tệ nhất không xảy ra. Nếu Hitler có vũ khí hủy diệt hàng loạt, từ hạt nhân, sinh học đến hóa học, thì chắc đã không ngần ngại sử dụng nó trong Thế Chiến II. Putin không phải là Hitler. Nhưng qua hành động xâm lăng Ukraine, cho thấy Putin vẫn đầy quyền lực, hiếu chiến và rõ ràng là không quan tâm đến thương vong, hay hệ quả chiến tranh. Lại có trong tay kho dự trữ hạt nhân lớn nhất thế giới.
Nhưng Putin hiện nay chưa bị dồn vào thế chân tường. Chưa gặp đe dọa sống còn. Tuy quân đội Nga chưa chiếm được Kyiv, hay toàn Ukraine, sử dụng đến vũ khí hạt nhân là hoàn toàn không cần thiết trong lúc này. Nếu sử dụng thì sẽ dẫn đến leo thang chiến tranh mở rộng mà rất có thể Mỹ và NATO sẽ tham chiến.
Olga Oliker, Giám đốc Chương trình Châu Âu và Trung Á tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group), chia sẻ trên Foreign Affairs vào ngày 11 tháng 3 một vài điều đáng chú ý về động cơ và nguyên tắc về vũ khí hạt nhân của Putin.
Một, Putin đề cập đến vũ khí hạt nhân có hai mục tiêu. Thứ nhất, Putin muốn đe dọa nó làm vỏ bọc cho những chiến thuật ngày càng tàn bạo trên trận địa và muốn gây áp lực buộc Kyiv phải đầu hàng. Thứ hai, Putin cũng có thể hy vọng việc đe dọa bằng vũ khí hạt nhân, ông có thể khiến NATO lo ngại bớt can dự vào cuộc xung đột, hoặc thậm chí khiến phương Tây buộc Ukraine phải phục tùng. Nhưng chiến thuật của Putin cho đến nay đã thất bại.
Hai, nếu Putin sử dụng vũ khí hạt nhân trong tình trạng hiện nay thì Putin đã đi ngược lại nguyên tắc/chủ thuyết của mình. Chính quyền Nga tuyên bố rằng họ sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi “chính sự tồn tại” của nhà nước Nga bị đe dọa hoặc nếu năng lực răn đe hạt nhân của Nga gặp rủi ro. Trường hợp cụ thể Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân là nếu bị tấn công bằng tên lửa. Những điều này hiện nay chưa xảy ra, và ngôi vị của Putin chưa bị thách thức. Nên Nga không có lý do gì để sử dụng nó, ngoại trừ Putin hù dọa để NATO không vượt lằn ranh và trực tiếp tham chiến.
Ba, chiến lược hạt nhân của Putin là sẽ sử dụng nó khi gặp mối đe dọa sống còn, nhưng mối đe dọa này ít có khả năng đến từ Ukraine, mà là từ NATO. Trong trường hợp bị dồn vào mối đe dọa như thế, rất có khả năng Putin sẽ sử dụng đầu đạn hạt nhân nhằm nhấn mạnh lập trường và quyết tâm của mình để bảo vệ an ninh của Nga. Vì thế mà Oliker yêu cầu Tây phương thật cẩn trọng để quản lý cuộc xâm lăng đang diễn ra tại Ukraine hiện nay. Oliker cho rằng, thiết lập không phận không được bay (no-fly zone) có khả năng làm leo thang, NATO tham chiến trực tiếp, rồi chiến tranh lan rộng và xung đột hạt nhân.
Tổng thống Joe Biden lẫn lãnh đạo NATO hiểu được sự rủi ro và khả năng leo thang chiến tranh nếu ủng hộ và thiết lập chính sách No-fly zone nên đã bác bỏ đề nghị này từ Tổng thống Volodymyr Zelenskiy và một số chuyên gia về chính sách ngoại giao. Biden khẳng định không muốn bị lôi kéo thành Thế Chiến III, nhưng sẽ sẵn sàng bảo vệ từng tất đất thuộc chủ quyền của NATO. Các chính sách trừng phạt như cấm vận hiện nay đã làm chao đảo nền kinh tế Nga, nhưng nó sẽ mất một thời gian để thấy được hiệu quả thật sự. Thế giới có đủ sự bình tỉnh, nhẫn nại và quyết tâm để làm cho Putin phải trả giá, hay nóng lòng rồi lấy quyết định nhất thời mà có khả năng leo thang chiến tranh, kể cả sử dụng vũ khí hạt nhân?
Sau khi Hoa Kỳ thả hai quả bom nguyên tử lên Hiroshima và Nagasaki ở Nhật vào tháng 8 năm 1945, làm cho nước này sau cùng phải chấp nhận đầu hàng, nhà văn George Orwell đã viết bài luận văn trên Tribune vào ngày 19 tháng 10 năm 1945 với tên “You and the Atomic Bomb”. Orwell sử dụng cụm từ Chiến tranh Lạnh trong bài này, mang hàm ý mà chúng ta hiểu bây giờ, tiên đoán quan hệ quốc tế sau Thế Chiến II. Orwell đã phân tích rằng, vũ khí có khả năng hủy diệt hàng triệu người trong vòng vài giây đồng hồ thì chỉ có hai ba nước có khả năng chế tạo. Trong tình trạng này, vũ khí hạt nhân mang tác dụng ‘chấm dứt chiến tranh quy mô lớn với cái giá là kéo dài vô thời hạn một “hòa bình không có hòa bình”’. Orwell đã tiên đoán đúng, cho đến khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, và khối Liên bang Xô Viết sụp đổ.
Cái giá phải trả cho Chiến tranh Lạnh đã được nhiều người nghiên cứu trình bày (**). Chiến tranh Việt Nam cũng đã nằm trong khuôn khổ này. Đất nước và dân tộc Việt Nam đã phải chịu quá nhiều đau thương mất mát, hệ quả mãi cho đến bây giờ vẫn còn. Vì thế cuộc chiến tại Ukraine không chỉ nhắc lại viễn ảnh chiến tranh lạnh hay nóng, vũ khí quy ước hay hạt nhân, mà còn là tư tưởng đã định hình và thúc đẩy sự xung đột giữa các quốc gia, chiến tranh ủy nhiệm, và tư duy “Chiến tranh Lạnh”.
Vũ khí hạt nhân là một trong những nỗi sợ hãi khủng khiếp nhất của nhân loại. Vì biết sợ nó nên chúng ta sống còn chăng! Nhưng ngày nào mà nỗi sợ hãi vẫn còn thì ngày đó chúng ta sẽ không bao giờ có được hòa bình thế giới thực sự. Vũ khí hạt nhân chỉ là cái ngọn, nỗi sợ giữa con người với nhau mới là cái gốc của vấn đề.
Chú thích:
(*) Tự điển Cambridge đưa ra định nghĩa về Chiến tranh Lạnh như sau: Nó là một mối quan hệ cực kỳ không thân thiện giữa các quốc gia, được thể hiện không phải thông qua giao tranh mà thông qua áp lực và đe dọa chính trị. Cụm từ này thường đề cập đến mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Liên Xô sau Thế Chiến II.
Cụm từ này, theo The National Geographic, đã hiện hữu từ thập niên 1930s để diễn tả quan hệ ngày càng bấp bênh giữa những nước tại châu Âu với nhau.
(**) Giá phải trả và kết quả cho Chiến tranh Lạnh, có thể tham khảo tài liệu sau đây: “The Cold War: Costs and Results”, do Mark Harrison thực hiện, năm 2018/2019.
Leave a Comment