(VNTB) – Nhà Trắng cảnh báo rằng Putin có thể sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dội tên lửa vào Kyiv, bắn phá Kharkiv và ném bom một bệnh viện phụ sản ở Mariupol nhằm trừ khử “chế độ quốc xã” Ukraine.
Dư luận cho rằng Putin có thể sớm dùng đến những phương tiện tồi tệ hơn nữa. Bà Jen Psaki, phát ngôn viên Nhà Trắng, hôm 9/3 gần đây đã lên tiếng cảnh báo: “Tất cả chúng ta nên đề phòng Nga có thể sử dụng các loại vũ khí hóa học hoặc sinh học ở Ukraine, hoặc tạo ra một chiến dịch “đổ vấy” khi sử dụng chúng.
Một ngày sau đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận định: “Tôi sẽ đưa ra một dự đoán khác. Cái chiêu trò bạn đang nghe về vũ khí hóa học… là bài của họ”.
Những lời cảnh báo nêu trên đã được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Ukraine vận hành các phòng thí nghiệm vũ khí hóa học và sinh học do Mỹ hậu thuẫn – cáo buộc mới nhất trong số nhiều cáo buộc giả mạo như vậy.
Ngày 21/12/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cảnh báo rằng có 120 lính đánh thuê Mỹ đang ở vùng Donbas, miền Đông Ukraine, và rằng các xe tăng chở hóa chất đã được chuyển đến đó “để thực hiện các hành động khiêu khích”. Gần đây hơn, ngày 3/3, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Lầu Năm Góc lo lắng sẽ mất quyền kiểm soát các cơ sở hóa học và sinh học ở Ukraine.
Một tuần sau, Bộ Quốc phòng Nga đưa tin các phòng thí nghiệm ở Kyiv, Kharkiv và Odessa đang nghiên cứu cách sử dụng chim và dơi để làm lây lan mầm bệnh.
Những tuyên bố như trên là vô nghĩa. Lầu Năm Góc không có các cơ sở như vậy ở Ukraine, mặc dù chính phủ Mỹ có hỗ trợ nước này trong việc bảo vệ các phòng thí nghiệm sinh học dân sự hợp pháp. Ukraine cũng không tạo ra những con dơi được vũ khí hóa. Chính phủ Nga và bộ máy thông tin sai lệch của họ đã nhiều năm trời loan truyền những tuyên bố sai sự thật về những phòng thí nghiệm như vậy ở các nước thuộc Liên Xô trước đây, chẳng hạn như Georgia. Một phần động lực của hành vi này là “tung hỏa mù” và khiến dư luận thế giới không chú ý đến sự dính líu của Nga với vũ khí hóa học.
Năm 2013, chính phủ Syria đã sử dụng khí sarin ở các khu vực do phe đối lập kiểm soát ở vùng ngoại ô Ghouta thuộc thủ đô Damascus, cướp đi hơn 1.400 sinh mạng. Sarin là một loại tác nhân thần kinh: một chất hóa học làm gián đoạn các thông điệp từ dây thần kinh đến các bộ phận khác của cơ thể, gây tê liệt và làm tổn hại các chức năng của cơ thể.
Hơn 300 vụ tấn công hóa học khác đã xảy ra trong cuộc nội chiến ở Syria – chủ yếu bằng chlorine, một hóa chất ít phức tạp hơn từng được sử dụng trong thế chiến thứ I. Là quốc gia đã ra tay can thiệp vào cuộc chiến ở Syria để ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad vào năm 2015, Nga khẳng định rằng những cuộc tấn công đó là do các tay súng đối lập gây ra hoặc do tình báo phương Tây “dàn dựng”, như Lavrov lên tiếng về một vụ việc ở Syria.
Bản thân Nga cũng đã sử dụng vũ khí hóa học. Năm 2018, Đơn vị 29155, một chi nhánh của cơ quan quân báo Nga, đã sử dụng Novichok, một họ chất độc thần kinh cực mạnh do Liên Xô phát triển, để đầu độc Sergei Skripal. Skripal là một cựu sĩ quan quân báo Nga làm gián điệp cho Anh. Vụ thủ tiêu Skripal không thành công, nhưng một người dân nhặt được lọ Novichok bị vứt bỏ sau đó đã thiệt mạng.
Sau đó, vào năm 2020, ông Alexei Navalny, một chính trị gia đối lập người Nga, đã bị đầu độc bằng Novichok, có thể là trên một chuyến bay đến Moscow. Ông Navalny, kể từ khi bị bắt giam, đã cầm đầu phong trào trong nước Nga phản đối cuộc chiến ở Ukraine. Chưa hết, ngay tại Ukraine, Victor Yushchenko, một cựu tổng thống thân phương Tây, đã bị đầu độc bằng chất độc hóa học dioxin, trong cuộc bầu cử năm 2004.
Điều đáng lo ngại là Điện Kremlin đang tăng cường tuyên truyền thông tin sai lệch về vũ khí hóa học trong bối cảnh các cánh quân của Nga bao vây Kyiv đang bị chựng lại.
Ngày 9/3, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố những lời cảnh báo của Nga là “một âm mưu rõ ràng của Nga bày ra để biện minh cho các cuộc tấn công được tính toán trước, vô cớ và phi lý nhắm vào Ukraine”.
Nhiều quan chức phương Tây cho rằng Putin có thể đi xa đến mức sử dụng vũ khí hóa học và đổ cho chính Ukraine đã sử dụng chúng.
Thủ tướng Anh Johnson tuyên bố những lời cảnh báo của Nga đã được đưa ra “nên khi tự họ triển khai vũ khí hóa học, như tôi lo sợ có thể xảy ra, họ có sẵn một tin giả để tung ra”. Mục đích của hành động này hoặc là để khủng bố và khuất phục dân thường vẫn tỏ ra thách thức ở các thành phố bị Nga chiếm đóng, hoặc là để biện minh cho sự leo thang quân sự, chẳng hạn như bắn phá mạnh hơn vào các khu vực đô thị.
Hiện vẫn chưa rõ ràng Nga có thể hành động như thế nào. Vũ khí hóa học không gây ra hậu quả nhãn tiền trên chiến trường như các vũ khí quân sự. Tác dụng của chúng là không thể dự đoán được và lại là thứ vũ khí đắt tiền so với các loại khác. “Các loại vũ khí hiện đại thường gây chết người nhiều hơn và mang tính quyết định hơn” – đó là ý kiến của ông Dan Kaszeta, cựu thành viên Quân đoàn Hóa học của Quân đội Mỹ và là tác giả cuốn sách “Toxic: A History of Nerve Agent, from Nazi Germany to Putin’s Russia” (tạm dịch: Chất độc: Lịch sử tác nhân thần kinh, từ Đức Quốc xã đến nước Nga của Putin).
Theo ông, không có nhiều ví dụ cho thấy vũ khí hóa học tạo ra sự khác biệt trên chiến trường, và trong hầu hết các trường hợp, vũ khí cũng ảnh hưởng đến những người lính sử dụng chúng vì sự cố hoặc do thời tiết thay đổi.
Các loại vũ khí này là bất hợp pháp theo Công ước Vũ khí Hóa học mà Nga tham gia vào năm 1997, mặc dù các cơ sở được chỉ định có thể thực hiện một số ít công trình nghiên cứu vì mục đích “bảo vệ”. Do đó, một chương trình với quy mô công nghiệp để sản xuất các tác nhân hóa học và các loại đạn hóa học sẽ khó có thể che giấu được.
Ông Kaszeta nói: “Một phòng thí nghiệm nào đó có thể tạo ra một cái lọ hoặc một cái bình đựng thứ này, nhưng điều đó khác hẳn việc trang bị cho các tiểu đoàn pháo binh bắn nhiều quả đạn”. Thế nhưng, như các vụ tấn công nhằm vào Skripal và Navalny cho thấy người Nga thực sự đã và đang sử dụng vũ khí hóa học với quy mô hạn chế.
Một cuộc điều tra của Bellingcat, một nhóm điều tra, và các hãng tin khác vào năm 2020 phát hiện Nga đã tiếp tục chương trình sản xuất Novichok bất hợp pháp rất lâu sau khi chương trình này chính thức khép lại, với bằng chứng cho thấy các nhà khoa học âm thầm kéo dài chương trình nghiên cứu và phát triển “bí mật”, một số được ngụy tạo là nghiên cứu về ảnh hưởng của hợp chất organophosphate sử dụng trong thuốc trừ sâu và diệt cỏ.
Báo The Economist cho rằng Đơn vị 29155 của quân báo Nga có liên quan chặt chẽ với các chương trình này và bao gồm các hóa chất khác nữa ngoài Novichok.
Một trong những quan điểm của Nga đối với vũ khí hóa học là “họ chấp nhận sử dụng chúng trong chiến tranh”. Đó là khẳng định của ông Jeffrey Edmonds, nhân vật giám sát chính sách của Nga tại Hội đồng An ninh Quốc gia của Mỹ trong chính quyền Obama và hiện là một nhà nghiên cứu tại trung tâm nghiên cứu và phân tích CNA. Edmonds nhận định: “Nguyên tắc đối với Putin là khẳng định sự tồn tại, và nếu như có thể sử dụng một vũ khí khác thì ông ta sẽ làm”.
Vũ khí hóa học đã không được sử dụng trên chiến trường ở châu Âu kể từ khi Anh triển khai chúng hơn một thế kỷ trước vào năm 1919, trớ trêu thay lại là trong cuộc nội chiến ở Nga (còn các cáo buộc về việc sử dụng chúng trong các cuộc chiến tranh ở vùng Balkan vẫn chưa được chứng minh). Nếu Putin lại vượt qua ngưỡng đó, lãnh đạo phương Tây có thể sẽ chịu áp lực lớn hơn để ra tay hành động.
Năm 2018, Mỹ, Anh và Pháp đã cho không kích Syria để phản ứng trước việc nước này sử dụng vũ khí hóa học; tùy chọn đó hiện không được đưa vào chương trình nghị sự.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã gửi một lượng lớn vũ khí tới Ukraine, nhưng họ không can thiệp quân sự trực tiếp, chẳng hạn như thiết lập vùng cấm bay, vì cho rằng can thiệp như thế sẽ có nguy cơ làm leo thang chiến sự không thể chấp nhận được. Hơn nữa, có thể Putin sẽ càng say máu hơn.
Nguồn: The Economist
Leave a Comment