“Học sinh giỏi”, có giỏi thật không? Không, nếu có thì cũng rất ít.
Nếu tiêu chuẩn của giỏi là thuộc bài, là “tầm chương trích cú” thì có thể thừa nhận là học sinh đoạt giải ở ta đều giỏi. Nhưng nếu minh định giỏi là tư duy logic, phát hiện mới mẻ, lập luận chặt chẽ, có chính kiến, có sáng tạo và mang đến những cái nhìn khác biệt v.v., thì rất khó lảng tránh một sự thật rằng, những học sinh ấy đa phần là yếu kém. Thậm chí yếu kém hơn những học sinh bình thường trong lớp.
Vì sao thế? Chính cách thi và học như lâu nay đã dẫn tới tình trạng này. Đề thì nặng tính giáo điều, nội dung hạn hẹp, ít kích thích tư duy độc lập, đáp án chấm rập khuôn… Những điều này dẫn tới tình trạng phổ biến mấy chục năm nay: văn mẫu, toán mẫu, các môn đều mẫu.
Chúng ta có những thợ viết văn giỏi, thợ giải toán giỏi…, và vì thế, có những giải cao. Nhưng lối mòn từ nội dung học, cách học, cách thi đã làm thui chột tư duy của học sinh. Đi trong những “hành lang hẹp và tối”, và luôn sợ đi chệch đường ray, dần khiến con người thu mình lại, không dám nghĩ khác, nói khác, làm khác. Mà không có tư duy đột phá sẽ không có sáng tạo.
Những học sinh đoạt giải, vì lối học nhồi nhét để lấy thành tích ấy, dần trở nên mụ mẫm, đù đờ, không còn sự tinh nhanh, hiếm khi thấy nụ cười rạng rỡ.
Một điều rất lạ là, vì trực tiếp phụ trách và dạy đội tuyển quốc gia nhiều năm, nhưng tôi vẫn thường đoán sai về kết quả của học trò trong mỗi kỳ thi. Những em có cá tính, sắc bén và khác biệt thường… bị rớt. Kinh nghiệm thất bại ấy như một lối của “chọn lọc tự nhiên”, những học sinh này sẽ tự điều chỉnh bản thân bằng cách “ngoan” hơn, lo đi vào khuôn khổ, tránh nói khác, nghĩ khác để đạt thành tích. Một cơ chế như thế là dấu hiệu điển hình của sự phản giáo dục. Vì, giáo dục là phải giúp học sinh tìm thấy chính mình, dám là chính mình, có chính kiến và sẵn sàng bảo vệ chính kiến của mình. Thi học sinh giỏi, lạ thay, đang làm ngược lại sứ mệnh ấy của giáo dục.
Những học sinh giỏi quốc gia đã đi đâu về đâu sau khi đoạt giải? Chưa thấy một nghiên cứu hay thống kê nào để chúng ta có cơ sở mà điều chỉnh, nhưng những biểu hiện phổ biến của sự thui chột thì luôn có thể gặp được.
Có một sự lãng phí, và thậm chí phá hoại, tài nguyên con người qua các kỳ thi học sinh giỏi này. Những học sinh được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi ở các trường học, ban đầu, vốn đều là những em nổi trội so với bạn bè đồng trang lứa. Nhưng sau vài năm “luyện gà nòi” thì sự nhạy bén, khoáng đạt và thông minh kia đã nhường chỗ cho mẹo mực, cho sự an toàn.
Với chỉ mới những lý do sơ lược đó, nếu chưa thể “bỏ ngay” kỳ thi học sinh giỏi các cấp như nhiều nhà giáo dục đã đề xuất thì việc điều chỉnh nó là yêu cầu cấp bách. Không thể tiếp tục một lối thi cử lạc hậu và nhiều tác hại như thế được nữa!
Thái Hạo
Leave a Comment