Quảng Cáo

Chúng ta đã làm chút điều gì đó mà Putin không ngờ tới

Quảng Cáo

Stefan Frommann (Welt.de)

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài

Lý tưởng nhất là chế độ của Putin sẽ bị lật đổ từ bên trong. Chỉ khi đó, chúng ta mới nên giúp xây dựng lại mọi thứ. Chúng ta không chống lại người Nga, chúng ta chống lại chế độ độc tài này, một chế độ vốn chống lại chính người Nga.

LÝ DO PUTIN CŨNG PHẢI BẤT NGỜ TRƯỚC CUỘC CHIẾN KINH TẾ CỦA CHÂU ÂU

Thế giới phương Tây đang dốc toàn bộ sức mạnh kinh tế của mình vào cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Tomas Sedlacek (45 tuổi) là một nhà kinh tế học người Séc, nổi tiếng với cuốn sách “Kinh tế học của cái thiện và ác”. Ông từng là cố vấn cho cựu tổng thống Séc Vaclav Havel. Sau đó, ông có giúp cải tổ hệ thống thuế của Cộng hòa Séc.

Sedlacek từng theo học tại Đại học Yale, Hoa Kỳ. Ông hiện giảng dạy tại Đại học Charles ở Praha. Trong cuộc trò chuyện với báo WELT (Thế giới), ông đã tính toán cuộc chiến này tốn kém như thế nào, và vì sao đã đến lúc phải giải phóng người Nga khỏi Putin.

WELT: Giáo sư là một trong những nhà kinh tế lớn đã yêu cầu dốc toàn bộ sức mạnh kinh tế vào cuộc chiến tranh này. Ông đã thấy hài lòng chưa?

Tomas Sedlacek: Rồi, tôi không chỉ hài lòng, mà thậm chí còn tự hào và ngạc nhiên, với tư cách là một nhà kinh tế và một người châu Âu. Tôi rất ngạc nhiên nhận thấy mọi người thực sự đã nỗ lực hết mình, và hầu như tất cả mọi người sau đó đều đã thực hiện những điều cần làm. Đây là những thời điểm cay đắng, nhưng có vẻ như chúng tôi, các nhà kinh tế, có thể sử dụng kinh tế trong cuộc chiến chống lại cái ác, tức là trong những lúc cam go, bức thiết. Cho dù nó khiến cho chúng ta phải trả giá ít nhiều.

WELT: Các biện pháp trừng phạt sẽ gây hại như thế nào ở Nga?

Sedlacek: Một trong những hậu quả đầu tiên của việc đóng băng tiền ở nước ngoài là khiến người Nga nháo nhào đến các ngân hàng rút tiền. Chúng ta đã chứng kiến điều này tại các máy ATM ở Moscow. Và nếu sự hoảng loạn bùng phát trong nền kinh tế Nga, hậu quả sẽ rất lớn và tức thì. Hơn hết, điều này dẫn đến nhận thức là chế độ của Putin không những không thành công lắm, mà còn đang khiến người dân Nga ngày càng nghèo đi. Việc trừng phạt nhắm vào các ngân hàng đã có hiệu ứng tức thì và đem lại các hậu quả đầu tiên.

WELT: Nhưng đó không chỉ là điều duy nhất.

Sedlacek: Đúng thế. Hệ quả thứ hai là Ngân hàng Trung ương Nga không còn khả năng hấp thụ sự mất giá của đồng rúp, ít nhất là không theo cách mà họ mong đợi. Và điểm thứ ba, tôi nghĩ, đây là bằng chứng tuyệt vời nhất cho thấy chúng ta đã thực sự làm được điều mà Putin không thể ngờ tới: Nếu bạn nhìn kỹ vào số liệu thống kê của Nga, bạn có thể thấy nền kinh tế đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến này. Rất tiếc là chúng tôi đã không phát hiện ra điều đó trong các dữ liệu từ trước. Nhưng nếu bạn nhìn vào dự trữ ngoại hối ở nước ngoài, có một vài điều nổi bật: Nga đã tích trữ rất ít đô la Mỹ, dự trữ của họ được đổi lấy vàng hoặc Nhân dân tệ Trung Quốc. Nhưng điều ngạc nhiên lớn nhất là 32% dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga lại nằm ở châu Âu.

WELT: Tức là Putin chỉ tính đến các lệnh trừng phạt từ người Mỹ, chứ không phải từ châu Âu?

Sedlacek: Ông ta thực sự không nghĩ rằng người châu Âu sẽ tấn công mình như vậy, vì vậy ông ta không hề ngần ngại để một phần ba số tiền tiết kiệm của mình trong tay các tổ chức do nước ngoài kiểm soát, chủ yếu ở châu Âu. Bây giờ Putin biết rằng mình không chỉ chiến đấu chống lại Ukraine, mà chống lại toàn bộ thế giới phương Tây. Tuy nhiên, điều hoàn toàn vượt quá mong đợi của tôi là việc Chủ tịch EU, Ursula von der Leyen, tuyên bố Ukraine sẽ được phép gia nhập EU. Điều đó thực sự tuyệt vời và cuối cùng sẽ đưa Ukraine thoát khỏi “vùng đất không người” này, điều mà nước này đã phải gánh chịu trong ba mươi năm qua.

WELT: Chiến tranh sẽ tiêu tốn của Putin một khoản tiền khổng lồ chỉ tính riêng về trang thiết bị quân sự, và không ai muốn gánh những chi phí đó. Liệu một quốc gia như Nga có gánh vác được không?

Sedlacek: Theo quan điểm sinh thái và kinh tế, chiến tranh là cách hủy hoại hàng hóa tàn khốc nhất. Tất cả các công cụ chiến tranh được thiết lập để bị phá hủy. Như tôi đã nói, tôi nghĩ nền kinh tế Nga đã chuẩn bị trước cho điều này, và đây lại là một nhận thức đau đớn khác: Chúng ta đã làm việc với một quốc gia được cho là thân thiện với mình, trong khi quốc gia này đã chuẩn bị cho chiến tranh từ năm 2014. Tôi tin rằng họ đã sẵn sàng chấp nhận những tổn thất quân sự, đáng tiếc là cả về sinh mạng lẫn vật chất.

WELT: Thông qua các lệnh trừng phạt mạnh mẽ, thế giới phương Tây cũng đang tham gia vào cuộc chiến tranh này?

Sedlacek: Đúng thế, nhưng chúng ta không phản ứng theo kiểu thời kỳ đồ đá, ném đá hoặc thuốc nổ vào đối phương. Chúng ta tiến hành chiến tranh theo kiểu các nền văn minh tiên tiến, chiến tranh thông qua kinh tế. Chúng ta đã có bài học rằng kinh tế có thể gây những điều khá tồi tệ, ở châu Âu hay ở châu Mỹ, điều đó từng xảy ra vào năm 2008, hoặc trong cuộc khủng hoảng Hy Lạp, và còn có những ví dụ khác nữa. Bây giờ chúng ta đang bị tấn công và cần một vũ khí để đánh trả. Đó là cách thức của một nền văn minh tiên tiến sử dụng nền kinh tế như một vũ khí chiến tranh chống lại một nhà nước khủng bố. Nước Nga hiện nay thực sự đã trở thành một quốc gia khủng bố phải bị buộc quỳ gối. Chúng ta có nghĩa vụ về đạo đức trong việc sử dụng vũ khí kinh tế. Nếu không chúng ta cũng sẽ phải sử dụng vũ khí thông thường, thứ mà tất cả chúng ta đều nghĩ rằng chúng ta sẽ không bao giờ phải sử dụng nữa.

WELT: Thế còn Trung Quốc thì sao? Ông có tin Trung Quốc sẽ nhập cuộc?

Sedlacek: Tôi nghĩ Trung Quốc rất thực dụng và họ có quyền lựa chọn: Họ có thể đứng về phía các quốc gia tiến bộ, có học thức và yêu chuộng hòa bình, hoặc họ có thể đứng về phía một quốc gia đã tách rời khỏi cộng đồng, và về thương mại và chính trị, trong ba mươi năm qua đã không học thêm được điều gì mới, dù là nhỏ nhất. Nga có những vũ công tuyệt vời và những nghệ sĩ xuất chúng, và chúng ta có thể học hỏi rất nhiều điều từ Nga trong lĩnh vực này. Nhưng khi nói đến chính trị hoặc kinh tế, Nga không có gì để trưng ra. Vì vậy, nếu Trung Quốc muốn ở bên cạnh một chế độ cực kỳ bất an, bán toàn trị và cực kỳ kém cỏi, chỉ có thể chứng tỏ sức mạnh quân sự, thì họ sẽ chọn Nga. Ngay từ bây giờ chúng ta nên mở rộng cửa cho Trung Quốc và cho nước này cơ hội bình tĩnh nhìn nhận lại vị thế của mình. Và hy vọng rằng, ở một thế giới phân đôi, Trung Quốc sẽ tham gia vào phần tự do, giàu có và bao dung của thế giới.

WELT: Cuộc chiến này cũng sẽ khiến chúng ta phải trả giá đắt. Các hộ gia đình của chúng ta, các chính phủ của chúng ta, giá năng lượng của chúng ta, sự thịnh vượng của chúng ta, đều có nguy cơ gặp rủi ro.

Sedlacek: Vâng, điều đó là chính xác. Chúng ta có sự xa xỉ khi được phép tiến hành một cuộc chiến mà chỉ bị giảm sút về thịnh vượng. Nếu không, bạn và tôi, có thể cả con cái hoặc bạn bè của chúng ta, sẽ phải đi lính. Nhưng điều đó không nhất thiết phải như vậy. Bởi vì chúng ta đang sử dụng vũ khí kinh tế của mình, điều đó tất nhiên cũng sẽ gây tổn hại đáng kể cho chúng ta. Nhiều công ty châu Âu sẽ phá sản, đặc biệt là những công ty kinh doanh với Nga. Sẽ có những nút thắt ở một số sản phẩm có dây chuyền sản xuất phức tạp. Chúng ta có thể tiếp tục tiến lên mà không cần có Nga, ngoại trừ khí đốt. Và trong vấn đề đó, có thể chúng ta sẽ phải chịu đựng cái lạnh khó chịu, không lạnh đến chết người hoặc đe dọa tính mạng, nhưng chúng ta có thể phải sử dụng tiết kiệm, dành khí đốt cho các bệnh viện, để sản xuất những vật dụng thiết yếu, và để phục vụ người cao tuổi. Cái giá đó cũng đắt nhưng không là gì so với việc con cái của chúng ta phải ra trận.

WELT: Các doanh nghiệp nào của Đức bị đe dọa nặng nề nhất trong cuộc chiến tranh này?

Sedlacek: Nga trong nhiều thập niên đã là một thị trường đáng ngờ, nhưng đặc biệt là từ năm 2014. Mọi nhà phân tích đều cảnh báo không nên đặt tiền của bạn vào đó. Nga là một quốc gia độc tài, có xu hướng tấn công nước ngoài, và những người thực sự muốn làm ăn ở đó đã được cảnh báo. Các công ty sẽ phá sản, kể cả các công ty của Đức, và đó là cái giá phải trả cho cuộc chiến kinh tế này. Putin sẽ không muốn điều đó, nhưng nếu chúng ta cố gắng giữ cuộc chiến chỉ nằm trong lĩnh vực kinh tế, thì chúng ta sẽ dễ dàng giành chiến thắng. Chúng ta sẽ phải chuẩn bị chấp nhận giảm sự thịnh vượng của mình xuống khoảng một nửa. Tôi biết, đây là điều khó chịu nhất và đắt giá nhất đối với châu Âu, nhưng đồng thời nó sẽ gây nguy hiểm chết người cho Nga. Thế giới vẫn phát triển tốt cho dù không có nước Nga, nhưng nước Nga không thể sống mà không có thế giới.

WELT: Vậy ông có khuyên không nên giao thương với Nga nữa không? Theo phương châm: Không nhận một đồng rúp của Nga, và không trả dù chỉ một rúp cho hàng hóa của Nga?

Sedlacek: Thương mại giữa phương Tây và phương Đông chỉ nên được nối lại khi chúng ta đã buộc được Putin và các nhà tài phiệt của ông ta ngồi vào bàn đàm phán. Sau đó phải đặt ra câu hỏi về việc rút quân đội Nga ra khỏi biên giới ban đầu. Lý tưởng nhất là chế độ của Putin sẽ bị lật đổ từ bên trong. Chỉ khi đó, chúng ta mới nên giúp xây dựng lại mọi thứ. Chúng ta không chống lại người Nga, chúng ta chống lại chế độ độc tài này, một chế độ vốn chống lại chính người Nga. Tôi vẫn còn nhớ: Khi Vaclav Havel được hỏi tại Quốc hội Mỹ hồi năm 1990 rằng Hoa Kỳ có thể giúp đỡ Tiệp Khắc như thế nào, ông đã đưa ra câu trả lời nổi tiếng: Nếu các vị muốn giúp Tiệp Khắc, thì hãy giúp Nga. Không ai muốn có một siêu cường hạt nhân nhưng bất ổn và yếu ớt. Tất cả chúng ta sẽ ổn hơn nhiều nếu có một nước Nga tự do, thịnh vượng và dân chủ. Và đó là một thông điệp mà chúng ta cũng nên thẳng thắn gửi tới người dân Nga: Cuộc chiến này chỉ chống lại Putin, không chống lại bản thân người Nga.

WELT: Nhưng nhân dân Nga sẽ phải gánh chịu hậu quả của cuộc chiến này. Chẳng phải họ đang phải trả cái giá lớn nhất trong số tất cả những bên liên quan sao?

Sedlacek: Mọi người dân có nhiệm vụ bầu ra các chính khách của mình. Nếu họ làm điều gì đó xấu xa, như trường hợp của Putin, thì nhiệm vụ của người dân là lật đổ tên bạo chúa này. Không ai muốn người Nga chết vì các lệnh trừng phạt, nhưng chúng sẽ khiến cuộc sống của họ ngày càng khó chịu, bức xúc, đặc biệt là ở những người trong nhóm thu nhập cao nhất.

Cùng với các sinh viên của mình, tôi đã nghiên cứu xem bộ phận nào của dân chúng đã trở nên giàu có trong ba mươi năm qua. Kết quả: Trên khắp thế giới, người giàu ngày càng giàu hơn, nhưng bản thân người nghèo cũng khá giả hơn chút đỉnh. Ở đâu cũng đều như vậy. Cho dù ở Châu Âu, Châu Mỹ, Ấn Độ hay Trung Quốc. Chỉ có ở Nga, người nghèo lại càng nghèo hơn. 50% dân số nghèo nhất của Nga ngày nay nghèo hơn 23% so với năm 1980. Đồng thời, 0,01 phần trăm dân số trở nên giàu hơn 320 lần. Ở Nga, những người giàu đã trở nên giàu có vì họ sống trên lưng những đồng bào khốn khó của mình. Hiện tại, chúng ta chỉ đang đóng băng dự trữ tài chính của những người Nga giàu có. Chúng ta có thể tiến thêm một bước nữa, đó là có thể tịch thu các khoản dự trữ này, cũng như tài sản của các công ty Nga ở phương Tây, và sau đó trả lại toàn bộ số tiền đó cho dân chúng Nga. Những người điều hành chế độ Putin đã đánh cắp tất cả những tài sản đó trong ba mươi năm qua./.

Nguồn: Ukraine-Konflikt: “Wir haben etwas getan, womit Putin nicht gerechnet hat”, WELT, 02/03/2022.

Nguồn tiếng Việt: Nghiên Cứu Quốc Tế

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux