Phát biểu của đại sứ Việt Nam Đặng Hoàng Giang tại Liên Hợp Quốc và trả lời phỏng vấn đài BBC của Đại biện lâm thời Ukraine Natalia Zhynkina

- Quảng Cáo -

Nguyen Ngoc Chu

  1. TOÀN VĂN PHÁT BIỂU CỦA ĐẠI SỨ ĐẶNG HOÀNG GIANG TẠI LIÊN HỢP QUỐC

Từ ngày 28/2-2/3/2022, tại New York, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã tổ chức phiên họp khẩn cấp thứ 11 về tình hình Ukraine. Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ đã có bài phát biểu. Toàn văn bài phát biểu như sau.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Hơn 70 năm trước, những nhà sáng lập Liên Hợp Quốc đã gửi gắm trong Hiến chương bao hy vọng và khát vọng mong thế hệ tương lai tránh được hiểm họa chiến tranh. Họ đã đưa vào Hiến chương các nguyên tắc cơ bản, nay đã trở thành nền tảng cho luật pháp quốc tế và quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia.

- Quảng Cáo -

Tuy nhiên, những hành động không phù hợp với những nguyên tắc này vẫn tiếp tục diễn ra, đe dọa nghiêm trọng hòa bình quốc tế, cũng như an ninh và phát triển của các quốc gia và người dân. Những hành động đó thách thức ngay cả tính thời sự và hợp pháp của Liên Hợp Quốc.

Lịch sử của chính dân tộc chúng tôi hứng chịu các cuộc chiến tranh đã nhiều lần chỉ ra rằng, các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Một số xung đột vẫn còn gắn liền với những yếu tố lịch sử, ngộ nhận và hiểu lầm.

Với trải nghiệm của chính mình, Việt Nam thấu hiểu rằng chiến tranh và xung đột khi nổ ra chỉ gây ra đau khổ sâu sắc cho người dân và hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều khía cạnh trong đời sống của các quốc gia có liên quan trực tiếp cũng như của các quốc gia khác.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này.

Do đó, Việt Nam hết sức lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine, một quốc gia thành viên có chủ quyền của Liên Hợp Quốc. Việt Nam và các nước thành viên ASEAN khác đã ra tuyên bố về vấn đề này vào ngày 26/2. Điều cấp bách hiện nay là cần kiềm chế tối đa và chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng vũ lực để tránh thêm thương vong và tổn thất, đặc biệt là đối với dân thường.

Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Các giải pháp như vậy sẽ chấm dứt những khổ đau và đóng góp lớn cho hòa bình, an ninh và phát triển ở châu Âu và thế giới nói chung.

Về vấn đề này, chúng tôi ghi nhận cuộc họp giữa đại diện Ukraine và Liên bang Nga vào hôm qua và mong các bên liên quan sẽ tiếp tục trao đổi và sớm đạt kết quả đàm phán. Đồng thời, cần bảo vệ an toàn, an ninh của người dân và cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu, phù hợp với luật nhân đạo quốc tế.

Để tạo môi trường thuận lợi cho các mục tiêu đó, chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế, các quốc gia trong và ngoài khu vực tiếp tục hỗ trợ và tạo thuận lợi cho đối thoại giữa các bên. Việt Nam mong muốn có thêm các nỗ lực để tăng cường viện trợ nhân đạo cho dân thường, đồng thời hoan nghênh hoạt động của Liên Hợp Quốc và các đối tác khác trong những ngày qua để giúp đỡ người dân trên thực địa, bao gồm cả người tị nạn.

Chúng tôi cho rằng đồng thời cần đảm bảo an toàn, an ninh và tạo điều kiện sơ tán cho tất cả các công dân nước ngoài sinh sống tại Ukraine, bao gồm cả những người Việt Nam tại đây (https://vov.vn/…/toan-van-tuyen-bo-cua-viet-nam-tai-dai…).

  1. TRẢ LỜI PHỎNG VẤN ĐÀI BBC CỦA ĐẠI BIỆN LÂM THỜI UKRAINE NATALIA ZHYNKINA

Ngày 28/2/2022, Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam bà Natalia Zhynkina đã trả lời phỏng vấn đài BBC. Toàn văn phỏng vấn dưới đây.

BBC: Bà nhận định thế nào trước phản ứng của Việt Nam cho đến nay. Bà có nghĩ rằng Việt Nam cần có những phản ứng mạnh hơn trong vấn đề Nga xâm lược Ukraine?

Những câu chuyện ngoại giao cổ điển không có hiệu quả nữa. Kêu gọi cả hai bên giảm leo thang hoặc đưa ra các tuyên bố không đề cập đến Nga không giúp ích được gì cho bất kỳ ai ngoại trừ Nga vì điều đó tạo ra không gian cho Nga lấn tới và đi đến kết luận rằng cuối cùng mọi thứ sẽ ổn.

Bởi vì nếu bây giờ các quốc gia sợ gọi tên kẻ xâm lược, trong hoàn cảnh nguy cấp này, thì họ sẽ dung túng cho bất kỳ loại hành vi nào của Nga.

Đến giờ thì Nga đã đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân rồi. Các bạn thấy thế nào?

Một số quốc gia có thể nghĩ rằng “đây không phải là cuộc chiến của chúng ta, chúng ta phải chờ xem kết cục thế nào”, một số lại tin rằng “chúng ta có quan hệ tuyệt vời với Nga, tại sao lại phải đặt họ vào thế nguy hiểm”.

Nhưng đây không phải là về Ukraine. Đây thực sự là về sự hủy hoại. Sự hủy hoại trật tự thế giới. Và mọi quốc gia, những ai có cách suy nghĩ này, nên hiểu sự thật đơn giản. Bây giờ Nga cố gắng cư xử tử tế với họ để giữ họ trong tầm kiểm soát và tránh áp lực bổ sung đến từ các góc mới.

Nhưng nếu Nga thành công thì bước tiếp theo của Nga sẽ là xây dựng quan hệ của họ với các nước đó từ vị thế chi phối. Bởi vì họ sẽ có thể chứng minh những gì họ có khả năng làm và đó là nơi Nga thành công. Vì vậy, mỗi quốc gia nên lưu tâm đến hệ quả đó.

Nga có thể mỉm cười với bạn ngày hôm nay. Giống như họ trong 7 năm đã thuyết phục mọi người rằng Thỏa thuận Minsk là cơ sở cơ bản duy nhất cho giải pháp ngoại giao. Nhưng một buổi sáng khác, họ thay đổi kế hoạch và sử dụng Hiến chương Liên Hợp Quốc như một thực đơn gọi món.

Chúng ta nên sát cánh cùng nhau để không cho phép Nga phá vỡ trật tự thế giới hiện có, dựa vào các quy tắc và không cho phép Nga chứng minh cho nước khác rằng đây là con đường thành công bằng chính ví dụ của mình. Và người dám làm, cuối cùng sẽ thành công. Và đây sẽ là hậu quả toàn cầu của việc Nga xâm lược Ukraine.

Bởi vì nếu chúng ta không thể bảo vệ những nguyên tắc cơ bản rất đơn giản ở châu Âu, điều đó có nghĩa là chúng ta không thể bảo vệ chúng ở bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc quyết định. Vào ngày 02 tháng 3, phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ sẽ bỏ phiếu cho nghị quyết do Albania và Hoa Kỳ đưa ra sẽ lên án mạnh mẽ nhất hành động xâm lược của Liên bang Nga đối với Ukraine vi phạm Điều 2, khoản 4 của Hiến chương LHQ. Chúng tôi rất mong Việt Nam bỏ phiếu ủng hộ.

BBC: Hiện nay Mỹ và các đồng minh phương Tây đang gửi vũ khí đến Ukraine. Theo bà thì sự hỗ trợ này đã đủ chưa khi Tổng thống Zelenskyi nói ‘chúng tôi đang chiến đấu một mình’?

Chúng tôi rất may mắn vì có nhiều nước bạn trên thế giới. Họ giúp Ukraine rất là nhiều. Liên minh quốc tế vì hòa bình và bảo vệ Ukraine tiếp tục phát triển. Tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 80 quốc gia và 9 tổ chức quốc tế.

Rất nhiều quốc gia đã thay đổi quan điểm của họ sau khi nổ ra cuộc xâm lược. Như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine D. Kuleba đã nói: “Sự xâm lược của Nga là kết quả của sự xoa dịu. Viện trợ vũ khí quân đội đã quá muộn nhưng được hoan nghênh.” Chúng tôi cần nhiều viện trợ hơn nữa vì Liên bang Nga hiện đã chuyển đến Ukraine tất cả quân tại ngũ.

Khi Tổng thống nói rằng Ukraine “đang chiến đấu một mình”, ông ấy có ý rằng không có một binh sĩ nước ngoài nào ngoại trừ những người Nga đang chiếm đóng ở Ukraine. Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất quan trọng bằng hàng hóa, vũ khí, trang thiết bị, sản phẩm y tế nhưng đơn độc chống lại một đội quân lớn nhất châu Âu. Đó là ý của Tổng thống Zelensky.

Thêm nữa, Tổng thống Ukraine tuyên bố thành lập Quân đoàn quốc tế như một bộ phận của Lực lượng Phòng vệ lãnh thổ thuộc Lực lượng vũ trang Ukraine. Điều đó đang được đáp lại bằng hàng nghìn lời hưởng ứng của mọi người khắp nơi trên thế giới, những người muốn ủng hộ chúng tôi và chiến đấu chống lại những kẻ xâm lược Nga ở Ukraine.

BBC: Việc Nga xâm lược Ukraine cho thấy đây không chỉ là vấn đề dừng ở Ukraine. Nga đã đe doạ Phần Lan và Thuỵ Điển về ý định gia nhập Nato… Theo bà mục đích cuối cùng của Điện Kremlin là gì?

Như chúng tôi ước tính kết quả của bốn ngày đầu tiên của cuộc xâm lược của Nga, mục tiêu chính của Điện Kremlin là phá hủy nước Nga, cô lập nước này với thế giới khác, biến đất nước này thành một kẻ cùng khổ. Chúng tôi thấy bằng chứng đã được chứng minh cho ý tưởng điên rồ này.

Bây giờ, Nga bị cắt khỏi SWIFT, Đức thông báo quyết định thay đổi nhà cung cấp khí đốt, dòng chảy Nord Stream II bị đình chỉ, không chỉ các ngân hàng thương mại hàng đầu của Nga bị trừng phạt, mà ngay cả Ngân hàng Trung ương Nga cũng bị trừng phạt.

Mức áp trừng phạt tương tự của quốc tế đã được sử dụng trước đây đối với Iran. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU đóng cửa hoàn toàn không phận đối với Nga.

Thêm nữa Phần Lan và Thụy Điển, cũng như Ukraine, ngày càng bị Nga đe dọa – càng muốn gia nhập Nato để có khối nào có thể bảo vệ mình vì là nước nhỏ không thể đứng một mình chống Nga, nếu có khối liên minh bảo vệ thì đơn giản hơn.

Tôi xin nhấn mạnh Nato không phải là khối xâm lược, Nato là khối phòng thủ. Các nước nhỏ như Phần Lan và Thụy Điển muốn có nước nào đứng bên cạnh, bảo vệ mình.

BBC: Để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại thì bà có thể cho biết thêm về các nỗ lực ngoại giao của Ukraine cho đến nay? Theo bà đây có phải là cuộc chiến dài hơi (prolonged war) và có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo hay không?

Sự xâm lược vô căn cứ chống lại Ukraine, xâm lược vũ trang vào các thành phố và làng mạc yên bình của Ukraine – đây đã là một thảm họa nhân đạo khủng khiếp.

Chúng tôi có rất nhiều bằng chứng về điều này, và thật không may, chúng tôi đã mất mạng người, hàng trăm nghìn người tị nạn không muốn và không thể ở trong nhà của họ khi họ bị súng và tên lửa của Nga bắn vào.

Từ trước đến này Ukraine hết sức cố gắng… về mặt ngoại giao để Nga chấm dứt cuộc xâm lược. Về những nỗ lực của chúng tôi, chúng tôi đã đồng ý với đề nghị của Lukashenko về việc gặp phái đoàn Nga trên sông Pripyat. Đây là chiến thắng của chúng tôi, bởi vì hai ngày trước, người Nga đã yêu cầu chúng tôi hạ vũ khí trước khi cuộc đàm phán bắt đầu. Bây giờ họ không yêu cầu như thế.

Nhưng sau tuyến bố về đàm phán này, thì Nga lại đe dọa dùng vũ khí hạt nhân vì họ nghĩ Ukraine sẽ sợ họ. Nhưng không phải, cũng như Bộ trưởng Ngoại giao [Ukraine] đã nói: “Nga đe dọa dùng vũ khí hạt nhân thì đây là điều rất nguy hiểm, nhưng mà nó không làm chúng tôi sợ Nga đâu”./.

(https://www.bbc.com/vietnamese/world-60554248)

- Quảng Cáo -