Quảng Cáo

Công an nêu nguy cơ khủng bố để dân không dám ủng hộ đấu tranh

Quảng Cáo

RFA

Cục An ninh nội địa – Bộ Công an vừa cho rằng có sáu nguy cơ khủng bố hiện hữu ở Việt Nam. Đại tá Đinh Việt Dũng – Phó Cục trưởng An ninh nội địa, đưa ra thông tin vừa nêu tại Hội thảo Hợp tác quốc tế trong phòng chống khủng bố, được Bộ Công an tổ chức ở Hà Nội hôm 23/2/2022.

Một trong những nguy cơ theo ông Dũng là hoạt động tuyên truyền tư tưởng Hồi giáo cực đoan, truyền bá nội dung cách hướng dẫn chế tạo vũ khí, bom mìn, kêu gọi tài trợ, tuyển lựa thành viên qua các nền tảng mạng xã hội.

Đáng chú ý, Đại tá Đinh Việt Dũng còn cho rằng dù hiện nay chưa phát hiện các tổ chức khủng bố quốc tế, nhưng một số tổ chức mà ông gọi là phản động lưu vong người Việt như ‘Việt Tân’, ‘Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, ‘Triều đại Việt’ luôn tìm cách chống phá, có nguy cơ hợp tác với khủng bố quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam phá hoại.

Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài khi trả lời RFA từ Đức Quốc hôm 25/2, cho biết ý kiến của mình:

“Điều đấy Bộ Công an nói hoàn toàn không chính xác đâu, nếu như các tổ chức thật sự của người VN ở nước ngoài thì 100% đều có chủ trương đấu tranh bằng biện pháp ôn hòa, bất bạo động. Không có bất kỳ tổ chức chính trị, đảng phái nào có chủ trương đấu tranh bạo lực để đem lại tự do dân chủ cho người dân Việt Nam.”

Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, trong thực tế cũng đã từng có một số cá nhân có chủ trương bạo lực, nhưng không mang tính chất tất yếu, không phải là chủ trương chung của người dân trong nước và người Việt ở hải ngoại giai đoạn hiện nay. Ông nói tiếp:

“Từ trước đến nay nhà cầm quyền CSVN luôn vu khống cho các tổ chức chính trị đối lập là những tổ chức khủng bố. Ví dụ như đảng Việt Tân là một trong những nạn nhân của chính sách chụp mũ vu khống của chế độ độc tài CSVN… để cho người dân sợ và không dám ủng hộ các đảng phái chính trị nước ngoài trong công cuộc đấu tranh vì tự do dân chủ, đem lại nhân quyền cho Việt Nam.”

Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (gọi tắt là đảng Việt Tân) là hội đoàn không đăng ký pháp nhân, hoạt động hợp pháp tại Hoa Kỳ với khẩu hiệu “Ðối Ðầu Bất Bạo Ðộng để tháo gỡ độc tài – Xây Dựng Xã Hội Dân Sự để đặt nền dân chủ – Vận Ðộng Toàn Dân để canh tân đất nước.”

Hồi cuối năm 2016, Bộ Công an Việt Nam ra thông báo xếp Việt Tân vào danh sách các tổ chức khủng bố, và do đó ‘người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của Việt Tân; tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do Việt Tân tổ chức; hoạt động theo sự chỉ đạo của Việt Tân… sẽ bị coi là đồng phạm tội khủng bố, tài trợ khủng bố và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.’

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore, vào tối 25/2 nhận định với RFA:

“Cho đến nay chính quyền VN vẫn liệt đảng Việt Tân là một tổ chức khủng bố. Mặc dù chính Liên Hợp Quốc nói là không nên sắp xếp như thế, không nên coi Việt Tân là khủng bố vì có dùng vũ lực để lật đổ chính quyền ở đây đâu? Còn thỉnh thoảng có nhóm vũ trang bị coi là khủng bố thì từ lâu rồi không thấy. Ví dụ như hồi xưa trên cao nguyên trung phần người ta nổi lên đòi quyền tự trị, đòi đất… thì lúc đầu chính quyền cũng nói đó là khủng bố, nhưng sau đó không phải, đó là nguyện vọng chính đáng của người ta. Bây giờ thế giới ngày càng mở, thì không thể sử dụng một định nghĩa mà lỗi thời rồi, mang tính chất trẻ con thì nó không xứng với các thế hệ sau này được.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sau quy kết của chính quyền Việt Nam đã lên tiếng xác định Việt Tân ‘không nằm trong danh sách các tổ chức khủng bố theo luật của Mỹ’.

Ngoài Việt Tân, một số tổ chức của người Việt tại nước ngoài như Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời, Triều Đại Việt… có trụ sở tại Hoa Kỳ cũng bị chính phủ Việt Nam cáo buộc là khủng bố, dù những tổ chức này bác bỏ hoàn toàn cáo buộc đó.

Một số người hiện đang phải thụ án tù nặng với cáo buộc tham gia các tổ chức vừa nêu. Đơn cử như ông Lê Đình Lượng phải chịu án 20 năm tù với cáo buộc tham gia Việt Tân; hai anh Đặng Hoàng Thiện bị 16 năm tù, Thái Hàn Phong 14 năm tù với cáo buộc tham gia tổ chức ‘Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời’…

Cũng tại Hội thảo Hợp tác quốc tế trong phòng chống khủng bố hôm 23/2/2022, Đại tá Đinh Việt Dũng còn cho rằng không loại trừ nguy cơ một số tổ chức, cá nhân chọn Việt Nam làm nơi ẩn náu hoặc địa điểm trung chuyển đi nước thứ ba. Ngoài ra hoạt động buôn bán, sử dụng tàng trữ trái phép vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chất nổ dẫn tới hình thành các đường dây vận chuyển về Việt Nam với số lượng lớn. Theo ông Dũng, đây là điều kiện cho những kẻ khủng bố lợi dụng để trang bị vũ khí, chế tạo thuốc nổ về Việt Nam.

Cựu Đại úy Võ Minh Đức, thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam, vào tối 25/2 đưa ra nhận xét với RFA như sau:

“Tôi nghĩ nói nguy cơ khủng bố ở VN là nói hơi quá. Tôi sống ở đây tôi thấy chuyện khủng bố bạo lực là cực kỳ khó chứ không phải là rất khó. Bởi vì căn cứ vào hệ thống quản lý an ninh địa phương nơi tôi sống rất chặt chẽ, ở VN cũng giống nhau thôi, nên việc xảy ra khủng bố cực kỳ khó… Chưa kể lực lượng công an, quân đội lấy nguyên tắc dựa vào dân, lấy dân làm tai mắt, họ tận dụng những thành phần ủng hộ họ, nên việc có một tổ chức nào đó, một nhóm người nào đó manh nha có ý đồ khủng bố ở VN thì hoan toàn thất bại là chắc chắn. Còn việc đây đó có việc khủng bố mang tính cá nhân, thù hằn cá nhân thì có thể xảy ra…”

Đồng quan điểm, Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài cũng cho rằng, nguy cơ khủng bố quốc tế đến Việt Nam là không hiện hữu:

“Trong lĩnh vực chống khủng bố và chống các loại tội phạm quốc tế thì phải thừa nhận cơ quan an ninh Việt Nam làm việc khá tốt. Thứ hai do hệ thống an ninh của họ hoạt động khá hiệu quả từ khi họ nắm được quyền lực cai trị ở Việt Nam… cho nên các tổ chức quốc tế họ không chọn Việt Nam làm nơi ẩn nấp hay trốn tránh. Vì vậy nguy cơ khủng bố quốc tế đến Việt Nam theo tôi là không hiện hữu.”

Còn Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thì cho rằng, Việt Nam còn có nguy cơ khủng bố khác, đó là trên vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng Đại tá Đinh Việt Dũng không hề nêu lên trong Hội thảo chống khủng bố:

“Thứ nhất là nguy cơ khủng bố trên Biển đông, đó không phải khủng bố hiểu theo cách thông thường, nó có thể có vai trò của một nhà nước nào đó. Chứ còn trong nội địa Việt Nam thì khả năng xảy ra khủng bố rất là thấp… Chính quyền Việt Nam họ định nghĩa khủng bố khác với các chính quyền khác, người ta sẵn sàng định nghĩa những người nào chống chính quyền hiện nay ở Việt Nam là khủng bố hết, nếu như có yếu tố vũ lực, súng đạn, nổi loạn… Cách định nghĩa đó không đúng đâu, nhưng khả năng xảy ra còn rất thấp.”

Suốt nhiều năm qua, ngư dân Việt Nam khi đánh bắt ở biển Đông phải đối diện với bao khó khăn, đặc biệt khi bị săn đuổi bởi tàu của phía Trung Quốc. Thông tin ngư dân gặp nạn khi đang đánh bắt trên biển từ trước đến nay thường chỉ được báo chí loan tải khi những con tàu may mắn thoát hiểm về đến đất liền. Do đó số liệu thống kê các vụ việc chưa nói lên hết được thực tế lâu nay.

Thông thường, mục tiêu của các nhóm khủng bố là nhắm vào những người không có khả năng tự vệ, hoặc những người trong phạm vi không an toàn. Trong khi đó, những nhà hoạt động của Việt Nam thường không được chính quyền bảo vệ, ngược lại còn bị tấn công bằng bạo lực bởi những kẻ lạ mặt, bị gây sức ép về kinh tế và tinh thần. Dư luận cho rằng, việc các tiếng nói dân chủ tại Việt Nam bị đàn áp rõ ràng là một hành vi khủng bố./.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux