Dưới đây là thành tựu về chống tham nhũng trong năm 2021 do chính Trưởng Ban chỉ đạo chống tham nhũng đồng thời là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tổng kết vào cuối tháng một năm 2022 vừa qua:
– Bảy hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII, trong đó có Hội nghị về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
– Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
– Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm.
– Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
– Quy định số 41-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.
– Quy định số 32-QĐ/TW của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ… của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
– Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với u hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
– Kết luận số 05-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
– Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
– Quốc hội đã thông qua:
+Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
+Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.
+Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
+Luật Đầu tư.
+Luật Đấu thầu.
+Luật Thi hành án dân sự.
– Chính phủ, Thủ tướng ban hành 144 nghị định, 40 quyết định; các bộ, ngành ban hành hơn 700 thông tư, thông tư liên tịch về chống tham nhũng.
– Kỷ luật 618 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 so với năm 2020), trong đó có 32 trường hợp thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (cán bộ lãnh đạo cấp cao).
– Xét xử 10 vụ án trọng điểm như vụ Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP HCM), vụ công ty Nhật Cường, vụ Phan Văn Anh Vũ, vụ Ethanol Phú Thọ và Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam, vụ cải tạo và mở rộng sản xuất tại công ty Gang thép Thái Nguyên, vụ đấu thầu tại Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội và dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi liên quan đến Bộ quốc phòng; vụ tham ô tại công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận và vụ tham ô ở Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn.
Tôi đố Trưởng ban chống tham nhũng nhớ hết quy định về chống tham nhũng!
Quý vị thấy gì sau bản thống kê dài dằng dặc nói trên?
Tôi thì nhận ra ba điều:
Một: tham nhũng xảy ra ở khắp các lĩnh vực các bộ ngành được giao quản lý, kể cả trong quân đội và tư pháp (kiểm sát, tòa án…), từ cấp thấp nhất đến cao nhất.
Hai: có quá nhiều văn bản pháp luật về chống tham nhũng, quá nhiều cuộc hội họp và hô khẩu hiệu chống tham nhũng. Tôi cam đoan không một ai, kể cả Trưởng ban có thể nhớ hết và phân định rạch ròi hệ thống pháp luật liên quan đến chống tham nhũng.
Ba: mặc dù rối ren về hình thức nhưng tất cả đống giấy tờ đó cũng như các phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư kiêm Trưởng Ban chống tham nhũng lại thống nhất kỳ lạ với nhau ở một điểm. Chúng hoàn toàn không đề cập đến nguyên nhân mấu chốt, nền tảng của vấn nạn tham nhũng.
Đó là cơn cớ vì sao mà nguyên cái hệ thống này người ta dễ tham nhũng và buộc phải tham nhũng đến thế.
Ăn từ con lăng quăng ăn đi
Hôm nay có một vụ tham nhũng mới nghe thì rất buồn cười
Trong năm năm 2016-2020, Trung tâm y tế thị xã Hòa Thành (Tây Ninh) được giao tổ chức đi triệt hạ các ổ lăng quăng, phun thuốc xịt muỗi.v.v Một nhóm cán bộ và nhân viên đơn vị này đã kê khống số người thực tế đi diệt lăng quăng để lấy tiền dư. Một vụ họ kê từ bảy người lên 76 người. Một vụ khác, họ phải diệt lăng quăng để phòng sốt xuất huyết, tổng số tiền khoảng hơn 24 triệu đồng. Nhưng họ không làm mà chỉ lấy tiền chia nhau. “Xui” là sau đó dịch sốt xuất huyết không bùng phát nên không thể tổ chức đi diệt lăng quăng… bù và kê khống lên để hợp thức hóa số tiền đã xài, nên bị phát hiện.
Chỉ vài chục triệu đồng cũng tham nhũng. Ăn từ con lăng quăng ăn đi. Nhưng nếu hỏi tại sao bộ máy chính quyền lại ăn không sót con nào như vậy, khả năng cao sẽ nhận được trả lời: “Làm Nhà nước mà không ăn thế thì lấy tiền đâu sống?”
Chứ, tiền lương Thủ tướng, Bộ trưởng xêm xêm (same same) 15 triệu đồng/tháng, lương nhân viên khoảng năm triệu đồng/tháng. Mà quyền hạn thì trùm đất trùm trời, từ con lăng quăng đến con khủng long cái gì cũng cần xin, cần cho, cần được cho phép, cần được duyệt, cần được thông qua… Chẳng dùng quyền kiếm tiền, người ta lại chửi ngu! Rồi không sớm thì muộn, cái nhân tố chướng mắt ấy cũng bị đá văng khỏi tổ chức.
Tôi tìm đọc hai văn bản gốc của các chủ trương chống tham nhũng, là Kết luận số 21 ngày 25/10/2021 và Quy định 32 ngày 16/9/2021 đều của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Lạ thay, cũng không một chữ nào nói đến bất hợp lý giữa mức lương và quyền hạn của hệ thống cầm quyền. Kết luận 21 xác định nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu là xây dựng công tác chính trị, phê bình và tự phê bình; sắp xếp bộ máy tinh gọn; thể chế hóa chủ trương của Đảng (!), sửa đổi các quy định hiện tại; tăng cường kiểm tra giám sát. Cuối cùng là tăng trách nhiệm giám sát của các cơ quan dân cử.
Tóm lại là né hẳn nguyên nhân mà hô hào các giải pháp rặt hình thức, đạo đức (không hề gắn với thực tế) và không tưởng, đã lặp đi lặp lại suốt vài chục năm nay. Hiệu quả của nó dĩ nhiên bằng 0. Chẳng quan tham nào vì nâng cao phê bình và tự phê bình mà dừng lại hành vi tham nhũng cả. Cũng chẳng có sự giám sát nào có hiệu lực khi đường dây tham nhũng đã bao gồm cả những người cầm cán cân công lý như công an, kiểm sát, tòa án.
Quy định 32 thì đẻ ra thêm một ban chỉ đạo Trung ương nằm trên đầu pháp luật
Công việc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng được ghi rõ là “Trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng…” Ới giời ơi buồn cười chửa? Tự tay vả mặt thế mà không đau ư?
Việt Nam đã có đủ các thứ luật để phòng và trừng trị tội tham nhũng. Đã ra rả kêu thượng tôn pháp luật thì cứ áp luật mà làm. Kiểm tra, giám sát, bắt giam, xét xử là việc của khối tư pháp, nhất cử nhất động đều phải tuân thủ đúng luật, ai sai đâu xử đó. Tại sao lại mọc ra một nhóm người đứng ngoài mọi quy định của pháp luật để đi chỉ đạo khối tư pháp?
Nếu chỉ đạo là ra lệnh xử nặng hơn hay xử sớm hơn để lựa chiều dư luận cũng đều là giẫm vào mặt pháp luật.
Và lấy cơ sở nào để đảm bảo chính những người trong Ban chỉ đạo chống tham nhũng thì không bao giờ tham nhũng? Trao quyền hạn tối thượng như vậy vào tay những con người cụ thể, lại là một nhóm người rất ít ỏi thì khác gì tuyên bố công khai với xã hội rằng đây mới chính là “trùm cuối”, từ nay cứ chạy thẳng lên đây cho tập trung chứ đừng phải chạy lung tung mất thời gian.
Cụ Tổng và các bạn biện minh kiểu gì cũng không thuận vì tuy hô thượng tôn pháp luật nhưng cuối cùng vẫn phải hiểu là luật giời cũng phải xếp dưới cái ban này của Đảng.
Cho nên, xét về mặt tổ chức, nó là một tổ chức không hợp pháp. Vì thế kinh phí dùng cho mọi hoạt động của Ban này cũng là một khoản tiền không hợp pháp. Đó cũng chính là tham nhũng.
Tóm lại, sách lược chống tham nhũng của cụ Tổng nghe bên ngoài thì có vẻ quyết liệt vì dân, nhưng thực chất bên trong chỉ là thêm giấy, thêm họp hành, thêm chi phí cho những hiệu triệu chém gió.
Chưa kể, giống như một số cây trồng cứ mỗi năm phải tỉa nhánh cho mùa mới sum suê hơn, việc chống tham nhũng bằng cách giữ thật nguyên cái gốc và hò hét chặt những cái nhánh chỉ giúp cho tham nhũng tập trung, đoàn kết hơn mà thôi.
______________________
Tham khảo:
https://danviet.vn/vu-ke-khong-nguoi-diet-lang-quang-o-tay-ninh-khang-nghi-ban-an-so-tham-vi-co-dau-hieu-bo-sot-toi-danh-20220219115839867.htm?fbclid=IwAR2g7Yec9SZZw3jJKRB6grqyP0SO4NOgFg2jrP9_ZgVdPQVxMR4aRaZlPZ8
https://baotintuc.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-tiep-tuc-day-manh-xay-dung-hoan-thien-the-che-de-khong-the-tham-nhung-20220120165246348.htm
https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/Uploads/2021/9/7/22/QD-32-TW.pdf
https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/Uploads/2021/10/7/29/KL-21-TW.pdf
Leave a Comment