Mỗi năm cứ trước ngày 17 Tháng Hai vài hôm, mạng xã hội Việt Nam lại dấy lên những hình ảnh, bài viết về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc vào năm 1979, khi Trung cộng công khai xua quân vào các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh đánh phá và giết hại hàng chục ngàn bộ đội và thường dân. Hình ảnh các cuộc thảm sát ấy vẫn còn ghi mãi trong lòng người dân sáu tỉnh biên giới đặc biệt trong những gia đình có người thân bị quân Trung Quốc sát hại.
Rạng sáng ngày 17 Tháng Hai 1979, Trung Quốc đã huy động hơn 600.000 bộ đội tràn xuống sáu tỉnh giới phía Bắc Việt Nam, thực hiện cuộc chiến tranh có quy mô lớn mà Đặng Tiều Bình tuyên bố “cho Việt Nam một bài học”. Câu sỉ vả này lộ rõ bản chất người Cộng sản dù có tuyên truyền sâu đậm tới đâu thì ý nghĩ nhỏ mọn vẫn tồn tại trong tư tưởng của toàn bộ lãnh đạo cao cấp nhất của chế độ.
Trên con đường tiến quân xâm lược bộ đội Trung Quốc không ngần ngại tàn sát dân thường ở tỉnh Hà Giang, Lạng Sơn… chỉ sau ba ngày đã dàn quân hơn 1.200 km dọc khắp tuyến biên giới. Hàng ngàn dân thường bị chém giết vô tội, hàng ngàn nóc nhà bị đốt cháy, hàng trăm cây cầu dân sinh bị đánh sập…
Trong khi cuộc chiến xảy ra, Hà Nội mở hết công suất tuyên truyền và động viên dân chúng chung tay bảo vệ tổ quốc nhưng chỉ hơn chục năm sau, khi mật ước Thành Đô được ký kết vào năm 1990 thì mọi thứ có liên quan đến cuộc chiến ấy đều bị xóa sạch, che mờ bằng nỗ lực cấm đoán, sách nhiễu của chính nhà nước. Đó là lý do tại sao người Việt bất kể ở phương trời nào cứ đến ngày 17 Tháng Hai đều tận dụng mọi phương tiện sẵn có để nhắc nhở lại vết tích lịch sử này cho những thế hệ sinh sau đẻ muộn biết rõ thêm bộ mặt thật của Trung cộng lẫn Hà Nội, cả hai đều phải chịu trách nhiệm trước lịch sử sau này.
Thông thường ở các chính phủ dân chủ, không ai ra rả nhắc lại một cuộc chiến bằng ngôn ngữ thù hận hay kích động nhưng cũng không có chính phủ nào lại lẳng lặng xóa hết những dấu vết mà quân xâm lược đã gây ra cho đất nước của họ. Việc làm này chỉ có thể giải thích rằng hoặc chính phủ ấy bán nước hoặc chính phủ ấy hèn nhát trước quân thù nên không dám công khai chỉ trích hay lên án mặc dù thời gian này cuộc chiến ấy đã kết thúc.
Bất cứ cuộc chiến tranh nào diễn ra luôn được sách giáo khoa ghi chép và giảng dạy cho học sinh nhằm trang bị kiến thức cho họ, tuy nhiên Việt Nam không đưa cuộc chiến tranh Trung Quốc xâm lược biên giới phía Bắc năm 1979 vào sách giáo khoa lịch sử để giảng dạy cho học sinh trong các bậc học phổ thông và cả đại học, việc làm này bị ém nhẹm trên hệ thống báo chí và nếu ai lên tiếng đều bị bịt miệng một cách thô bạo.
Không những che giấu cuộc chiến, giới viết sử Việt Nam tỏ ra ngoan ngoãn dưới sự chỉ đạo của Đảng cố làm nhẹ bớt lòng căm thù của người Việt bằng những lời lẽ hoa ngôn xảo ngữ. Ông Phạm Hồng Tung giáo sư khoa sử khẳng định: “Để tránh việc dạy và học lịch sử trở thành một phương tiện tuyên truyền, dễ bị lợi dụng và xuyên tạc, trong diễn đạt cần tuyệt đối tránh các ngôn từ, hình ảnh, lối trình bày mang tính gây hấn, biểu cảm, miệt thị. Trong trình bày lịch sử nói chung, giảng dạy lịch sử nói riêng, các ngôn từ biểu cảm, miệt thị, như “chúng”, “quân địch”, “giặc”, “dã man”, “tàn bạo”, “khát máu” vv…”.
Tuyên bố này không đại diện cho ông Tung, chúng đại diện cho cả một tầng lớp phò Trung Quốc đến ngu muội. Bất kể vì lý do gì những “định hướng” này cần ghi chép lại để ngày sau con em chúng ta thấy rõ Việt Nam không những có Lý Thường Kiệt nhưng cũng không hiếm Lê Chiêu Thống.
Nhắc đến Lê Chiêu Thống người ta thấy vai trò của ông vua này trong việc rước voi về dày mã tổ không phải luôn bị toàn dân Việt lên án, ít ra cũng có hàng người trong bộ máy nhà nước hiện nay không muốn ai đá động tới Trung Quốc vì làm như thế là động tới miếng cơm, manh áo thậm chí danh tiếng của họ. Ông nhà sư Thích Chân Quang đã không ngần ngại “thuyết pháp” trước mặt hàng ngàn tín đồ của mình rằng “Trung Quốc là anh, Việt Nam là em, Lý Thường Kiệt mang quân đánh Trung Quốc là hỗn!”
Bên cạnh những vết tích mà sách giáo khoa không dám nhắc tới, những vết tích hằn sâu cuộc chiến cũng bị chính quyền âm thầm tẩy xóa. Đơn cử trường hợp gây cho người dân uất hận nhất là chiếc bia Khánh Khê ở Lạng Sơn, ghi nhận sự hi sinh của 650 bộ đội thuộc Sư đoàn 337 trên biên giới phía Bắc cản bước quân thù năm 1979, đã bị đục bỏ dòng chữ “quân Trung Quốc xâm lược”. Việc làm này không thể bao biện cho tình hữu nghị hay 4 tốt 16 chữ vàng như thường lệ, nó là hành vi phản quốc không cần phải tranh cãi.
Một trong hàng trăm hình ảnh bi thảm được người dân ghi lại là do không kịp di tản khi quân Trung Quốc tràn sang, hơn 40 phụ nữ và trẻ em, có bé mới 8 tháng tuổi ở Tổng Chúp (Cao Bằng) bị sát hại bằng búa và lưỡi lê, thi thể vùi dưới giếng.
Những chiếc lưỡi lê, búa tạ, sắt vuông cùng hàng chục loại hung khí dùng để giết người dân mà không tốn đạn đã được đoàn quân của Hứa Thế Hữu sử dụng thành thạo trong việc giết người, thế nhưng khi báo chí nhắc tới đều bị tuyên giáo chỉ thị phải gỡ bỏ tin tức hình ảnh có liên quan. Mãi đến hơn chục năm sau khi dư luận phê phán nặng nề, nhà nước mới buông lỏng tay một chút trong việc cho phép nhắc nhở một cách nhỏ giọt những “chiến tích” tàn ác của quân thù.
Sau khi chiến tranh biên giới Tháng Hai 1979 nổ ra, Đặng Tiều Bình lúc ấy vừa sang Mỹ đã tuyên bố trong các cuộc phỏng vấn của báo chí nước ngoài rằng ngoài lý do chiến lược, ông ta còn muốn trừng trị Việt Nam vì ghét thái độ của Hà Nội. Rõ ràng việc này họ Đặng không những sỉ nhục lãnh đạo Việt Nam mà còn xem thường cả dân tộc Việt Nam với một câu tuyên bố vi phạm thô bạo vào luật pháp quốc tế khi ngang nhiên xâm phạm nước khác chỉ vì “ghét” chính phủ nước ấy.
Thế nhưng ai ghét Đặng Tiểu Bình thì cứ ghét, nhà nước Việt Nam không những không ghét mà còn tán dương ông ta qua nhiều cuốn sách được liên tục xuất bản tại Việt Nam như: Mưu lược Đặng Tiểu Bình, Cha tôi Đặng Tiểu Bình, Cuộc đời Đặng Tiểu Bình, Đặng Tiểu Bình Nhà kinh tế chính trị lỗi lạc, Con đường phi thường của Đặng Tiểu Bình… cho tới cuốn Đặng Tiểu Bình, một trí tuệ siêu việt… thì bản chất của chính quyền Hà Nội đã lật ngửa con bài Hán nô.
Trong khi công khai ca ngợi kẻ đã xâm lược, khinh bỉ cả đất nước con người Việt Nam như Đặng Tiểu Bình thì ngược lại tất cả những hành động của dân chúng tập trung biểu tình chống Trung Quốc xâm lược bị đàn áp một cách dã man trên khắp nước. Từ Hà Nội tới Sài Gòn nơi nào có biểu tình nơi đó có dáng dấp của những cán bộ cao nhất thành phố đứng phía sau chỉ huy, đàn áp.
Trên mặt trận báo chí bài viết nào có liên quan đến yếu tố Trung Quốc đều bị gỡ bỏ, người viết bài bị nhắc nhở và đôi khi bị đưa vào trại giam cảnh cáo. Nhà báo Lê Đức Dục có một bài thơ nổi tiếng rất hay, bài thơ này bị cắt bỏ trên nhiều trang mạng xã hội nhưng nó vẫn sống tới hôm nay, làm chứng cho một thời kỳ hán hóa.
Bài thơ có tên Những bông hoa không cần chỉ thị:
Mặc ai cấm rằng không được nhắc / Bạn vàng Trung Hoa từng thảm sát dân mình / Nhưng làm sao cấm hoa đào hoa mận / Nở rưng rưng rụng xuống những mộ phần / Kệ báo chí cứ phập phồng chờ đợi / Nói hay im? Ngồi nghe ngóng công văn / Những bông hoa không cần chỉ thị / Cứ ra Giêng, rụng thắm đất anh nằm…
Vậy đó, ngày 17 Tháng Hai hằng năm chúng ta phải nhắc, nhắc mãi cho đời sau không thể nào quên được…
ML
Leave a Comment